Dân thắng kiện Chủ tịch UBND TP.HCM đang chây ì thi hành án?

14:16, 22/05/2020

Sau 3 năm, mặc dù có bản án của tòa nhưng UBND TP vẫn chưa thi hành bản án của tòa khiến cuộc sống của họ vô cùng khó khăn.

3 năm không thi hành bản án

Theo tìm hiểu, khu đất rộng khoảng 11.000 m2 tại phường Bình An và An Phú được các hộ ông Trần Văn Hùng, Trần Văn Ba, Trương Văn Liếp và bà Lê Thị Năm (cùng ngụ ở phường Bình An, Q.2, TP.HCM) khai hoang từ những năm 1970-1971.

Năm 1975, họ được chính quyền địa phương giao phần đất trên để sử dụng và xây nhà ở. Năm 1982, theo Chỉ thị 299 của Chính phủ, họ đã đăng ký quyền sử dụng đất.

Khu đất trên được người dân tiếp tục sử dụng ổn định cho đến năm 1985, Xí nghiệp khảo sát thiết kế và xây lắp (nay là Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4) bất ngờ đưa người đến chiếm nhà, lấy đất với lý do khu đất được UBND TP.HCM giao cho công ty làm dự án công ích.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu bất thường, ngay lập tức người dân làm đơn khiếu nại gửi lên chính quyền địa phương nhưng cũng không được giải quyết thỏa đáng. Sau đó họ tiếp tục khiếu nại lên UBND TP.HCM và đề nghị Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 trả lại đất nhưng sự việc tiếp tục “khiếu kiện” kéo dài nhiều năm và không được giải quyết triệt để.

Năm 2005, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vào cuộc. Sau nhiều năm kiểm tra, xác minh, Thanh tra Bộ TN&MT kết luận, đất của người dân sử dụng trước đây là hợp pháp, chưa có đủ cơ sở cho thấy Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 đã đền bù cho người dân, đề nghị UBND TP.HCM kiểm tra lại vụ việc và giải quyết cho người dân. Tuy nhiên, dù đã có kết luận của Thanh tra Bộ TN&MT và Công an TP.HCM nhưng các cấp chính quyền TP.HCM không những không giải quyết vụ việc, trả đất lại cho người dân. Chính vì thế, người dân đã đã khởi kiện UBND TP.HCM ra tòa.

Tòa sơ thẩm TAND TP.HCM nhận định việc UBND TP.HCM bác đơn khiếu nại của người dân là không có cơ sở và tuyên hủy quyết định của UBND TP.HCM. Không đồng ý, UBND TP.HCM kháng cáo, khoảng giữa năm 2017, tại 3 phiên tòa xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đều tuyên y án sơ thẩm.


Văn bản của Bộ Tư pháp trả lời ý kiến của ĐBQH Lê Thanh Vân.

Các hộ dân cho biết, sau 3 năm, mặc dù có bản án của tòa nhưng UBND TP vẫn chưa thi hành bản án của tòa khiến cuộc sống của họ vô cùng khó khăn.

Sẽ báo cáo Thủ tướng nếu không chấp hành bản án

Ngày 11/3/2020, Bộ Tư pháp có văn bản số 837 về việc trả lời ý kiến của ĐBQH Lê Thanh Vân. Trước đó, Bộ Tư pháp nhận được phiếu chuyển đơn của ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) chuyển đơn của các ông, bà Huỳnh Văn Ba, Trương Văn Liếp, Lê Thị Năm tại địa chỉ số 2 Trần Não, phường Bình An, quận 2 TP.HCM.

Theo đó, các hộ dân phản ánh, Chủ tịch UBND TP.HCM không thi hành các bản án số 81/2017 ngày 16/5/2017; bản án 190/2017 ngày 17/8/2017 và số 213/2017 ngày 24/8/2017 cùng tòa Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM.

Theo Bộ Tư pháp, các bản án số: 81/2017/HC-PT ngày 16/5/2017, 190/2017/HC-PT ngày 17/8/2017 và số 213/2017/HC-PT ngày 24/8/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM có nội dung hủy toàn bộ Quyết định số 4890/QĐ-UB ngày 10/11/2003, Quyết định số 4889/QĐ-UB ngày 10/11/2003 và Quyết định số 4891/QĐ-UB ngày 10/11/2003 của Chủ tịch UBND TP.HCM. Theo đó, các quyết định này đương nhiên hết hiệu lực kể từ ngày các bản án nêu trên có hiệu lực thi hành.

“Đối với nội dung giải quyết lại đơn khiếu nại của ông Huỳnh Văn Ba và ông Trương Văn Liếp, các bản án nêu trên đã tuyên rõ: Chủ tịch UBND TP.HCM có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật”, Bộ Tư pháp khẳng định.

Cũng theo Bộ Tư pháp, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) yêu cầu Cục THADS TP.HCM tiếp tục theo dõi thi hành án đối với các bản án hành chính nêu trên, phối hợp với Sở Tư pháp làm việc với các Sở được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ để nắm bắt thông tin về kết quả thi hành án. Trường hợp có đầy đủ cơ sở về việc Chủ tịch UBND TP.HCM chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung các bản án nêu trên, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, xử lý trách nhiệm phù hợp theo đúng quy định tại khoản 3, Điều 32 Nghị định số 71/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và tiếp tục thông báo kết quả giải quyết đến Đại biểu.

Tại báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội gửi đến các đại biểu Quốc hội phục vụ kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long Số lượng án hành chính đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành xong còn nhiều, có lý do từ việc một số Chủ tịch UBND và UBND chưa thực sự quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thi hành án hành chính. Báo cáo của Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ: tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN