Đan xen vụ “bầu Kiên” và Huyền Như: Phục hồi điều tra Phạm Trung Cang

11:23, 22/01/2014

Theo diễn tiến mới nhất của vụ án “bầu Kiên” (Nguyễn Đức Kiên) đan xen lẫn vụ án Huyền Như (đang xét xử) – Là những “đại án” của ngành Ngân hàng được nhiều người quan tâm, Viện KSND tối cao vừa quyết định phục hồi điều tra đối với ông Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, trú tại Hà Nội), thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB cũng về hành vi trên.

Phục hồi điều tra ông Cang, khởi tố ông Huỳnh Quang Tuấn

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra xác định, ông Huỳnh Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc ACB phụ trách miền Bắc - được HĐQT ACB bổ sung vào thành viên thường trực HĐQT thay ông Phạm Trung Cang (ngày 20/1, ông Tuấn đã có đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT vì lý do tuân thủ quy định của pháp luật), đã ký biên bản họp thường trực HĐQT ngày 7/6/2011 với nội dung, thường trực HĐQT ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên của ngân hàng này mang tiền gửi vào các tổ chức tín dụng. Theo đó, 19 nhân viên của ACB đã gửi tiền vào VietinBank để hưởng lãi suất 17,8-27%/năm và bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 718 tỉ đồng, gây thiệt hại cho ACB số tiền này. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm điều 106 Luật các tổ chức tín dụng quy định về nghiệp vụ ủy thác.

Còn ông Phạm Trung Cang, quá trình điều tra xác định, ông Cang đã có một loạt hành vi cố ý làm trái trong vụ án này. Đó là, ký biên bản cuộc họp thường trực HĐQT ACB ngày 22/3/2010 ra chủ trương: Dùng tiền huy động của dân ủy thác cho nhân viên của ACB và các công ty để gửi tiền (USD, VND) vào các tổ chức tín dụng.

Ông Phạm Trung Cang, người vừa bị phục hồi điều tra nhưng hiện ông này không có ở Việt Nam.

Với chủ trương này, ACB đã ủy thác cho 19 nhân viên và bốn công ty, gồm Công ty TNHH chứng khoán ACB, Công ty TNHH một thành viên quản lý quỹ ACB, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Việt Thanh và Công ty cổ phần Kim Ngân Việt gửi tiền VND với lãi suất 8,5-27%/năm và hơn 81 triệu USD với lãi suất 3-6%/năm vào 29 ngân hàng, đã thu được hơn 6.278 tỉ đồng và gần 1,9 triệu USD tiền lãi; lãi chênh lệch vượt trần thu được là hơn 258 tỉ đồng.

Trong số tiền đã gửi, có gần 719 tỉ đồng được gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo và chiếm đoạt, đang bị đưa ra xét xử. Hành vi của ông Cang bị xác định vi phạm Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư số 2 ngày 3/3/2011, quy định về trần lãi suất và nhiều quyết định khác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Liên quan đến vụ án “bầu Kiên”, Cơ quan điều tra cũng xác định, ông Cang có hành vi đồng ý chủ trương cấp cho Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBS - là công ty do ACB sở hữu 100%), đầu tư cổ phiếu ACB và ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên, chủ tịch hội đồng đầu tư ACB, trực tiếp chỉ đạo việc đầu tư cổ phiếu. Thực hiện chủ trương này của thường trực HĐQT ACB, từ tháng 11/2009 đến tháng 4/2010, ACB đã cấp cho ACBS hơn 1.557 tỉ đồng để công ty này nhờ Công ty cổ phần đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, là các Công ty của “bầu Kiên”, dù không có chức năng kinh doanh tài chính nhưng vẫn đứng ra mua hộ trên 52 triệu cổ phiếu ACB. Đến thời điểm vụ án xảy ra, ACBS mới thu về được hơn 364 tỉ đồng tiền gốc, còn lại 1.193 tỉ đồng chưa thu được. Trong khi đó, ACB còn lại hơn 19,5 triệu cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại cho ACB số tiền hơn 688 tỉ đồng. Hành vi này của ông Cang bị xác định đã vi phạm Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng và vi phạm Điều 29 của Quyết định 27, ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có tránh khỏi trách nhiệm?

Nhìn lại diễn tiến vụ “đại án” Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, giữa các cơ quan tố tụng đã có những nhận định trái chiều về nghi phạm Phạm Trung Cang, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, đặc biệt là những ẩn khuất xung quanh quyết định đình chỉ vụ án đối với ông này. Bởi trong lúc cả CQĐT Bộ Công an và TAND TP.Hà Nội đều nhận định, Phạm Trung Cang có vai trò đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì VKSND Tối cao lại “đi ngược”, hoàn toàn bác bỏ vai trò phạm tội của Phạm Trung Cang.

Theo diễn tiến, ngày 18/9/2012, ông Cang bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) ra quyết định khởi tố bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đến ngày 20/9/2012, C46 có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) Bộ Công an thực hiện lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Cang, nhưng tới ngày 7/10/2013, lệnh cấm xuất cảnh trên đã được gỡ bỏ. Rồi, ngày 12/12/2013, Viện KSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang, với lý do ông Cang không phải chịu trách nhiệm về hậu quả làm thất thoát số tiền 718,9 tỷ đồng.

Điều đáng nói là ngay sau khi TAND TP.Hà Nội trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vì cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì ông Phạm Trung Cang đã “bí mật” rời khỏi Việt Nam qua cửa khẩu Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) từ ngày 24/12/2013. Bởi thế, dư luận đã đặt dấu hỏi về việc, liệu có "ông anh” nào đã mật báo cho ông Cang - tương tự như trường hợp của Dương Chí Dũng trong một “đại án” khác, để ông này nhanh chóng “biến mất” hay không?

Và phải chăng, khi cuộc tháo chạy “đúng thời điểm” của ông Cang hoàn tất, chỉ 1 tuần sau đó, ngày 3/1/2014, TAND TP.Hà Nội đã nhanh chóng ra quyết định trả hồ sơ số 02/HSST-QĐ cho VKSND TP.Hà Nội để làm rõ vai trò của một số cá nhân liên quan, trong đó có ông Phạm Trung Cang.

Liệu rồi đây VKSND Tối cao có phải chịu trách nhiệm về quyết định đình chỉ vụ án Phạm Trung Cang, như đã làm - Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo phân tích của nhiều luật sư, trong vụ việc này, VKSND Tối cao có thể sẽ phải chịu trách nhiệm khi tạo cơ hội cho ông Cang tháo chạy và cho đến nay, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB vẫn không có mặt tại Việt Nam.

Thanh Trà