Đầu tư kiểu… Hàn

01:00, 13/05/2013

Từ một công ty sản xuất thiết bị gốc cách đây hơn 2 thập kỷ, ít ai có thể nghĩ rằng công ty của Hàn Quốc này lại trở thành một tên tuổi dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực R&D, marketing và thiết kế với giá trị thương hiệu còn vượt qua cả Pepsi, Nike, hay American Express. Tất cả là nhờ và chiến lược đầu tư đa ngành của hãng này.


Những con số biết nói

Samsung vừa báo cáo lợi nhuận quý tính đến hết tháng 9/2012 đạt 7,2 tỉ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ bán được nhiều TV và smartphone, nhất là dòng điện thoại Galaxy. Hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng trong quý tới đây Samsung sẽ đạt thêm kỷ lục về doanh thu, và sẽ là quý thứ 4 liên tiếp hãng này gặt hái được thành quả cao như vậy.

Riêng với bộ phận di động của Samsung, lợi nhuận trong quý 3 vừa rồi (7-9/2012) đạt gần 4,45 tỉ USD, chiếm khoảng 2/3 tổng lợi nhuận của cả tập đoàn. Trong quý này, Samsung đã bán ra thị trường 58 triệu chiếc smartphone, trong đó có 20 triệu chiếc Galaxy S III. Theo thống kê của Gartner trong quý 2 trước đó, Samsung đứng đầu danh sách với trên 90 triệu thiết bị di động được bán ra thị trường (Nokia đứng thứ 2 với 83 triệu thiết bị). Hiện vốn hóa thị trường của Samsung đang đạt mức 315 tỉ USD, chưa phải lớn nhất nhưng đang được xem là tập đoàn công nghệ nhiều triển vọng nhất.

Đầu tư “kiểu Hàn”


Samsung là minh chứng rõ nét cho cái gọi là “đầu tư đa hướng”. Sẽ là một danh sách dài nếu ai đó định thống kê về các sản phẩm của “gã khổng lồ xứ Hàn” này. Đó không chỉ là điện thoại, tablet mà còn là laptop, linh phụ kiện máy tính, TV, loa đài, máy giặt, máy điều hòa, tủ lạnh, lò vi sóng, máy hút bụi, máy ảnh, máy quay, máy in, đầu DVD… Thậm chí hãng này còn có chân trong cả các ngành chuyên biệt khác như: dịch vụ tài chính, dịch vụ CNTT, cơ khí, đóng tàu và hóa chất.

Có lẽ nguyên nhân lý giải cho việc đầu tư một cách ôm đồm kiểu vậy chỉ có thể là “cái nọ bù cho cái kia”. Lạ một cái là cho tới nay chưa có mảng đầu tư chủ chốt nào của hãng bị khai tử do làm ăn bết bát. Samsung đã và đang theo phương châm “Sản xuất mọi thứ - bán mọi thứ”, cố gắng vươn tới mọi ngóc ngách của cuộc sống gia đình.


Để mọi thứ vận hành được trơn tru, Samsung rất chú trọng tới việc liên tục cải tiến quy trình sản xuất và tập trung cho đổi mới sáng tạo. Sản phẩm của hãng là sự cân đối hài hòa giữa thiết kế và tính năng, có khả năng đáp ứng cùng lúc nhiều đối tượng người dùng khác nhau, từ trẻ tới già. Những sản phẩm này luôn thấm nhuần phong cách thiết kế xứ Hàn với phương châm “người Hàn tự hào về sản phẩm Hàn”. Samsung cũng tập trung nhiều nguồn lực cho nghiên cứu và khai thác các xu hướng kỹ thuật cũng như trào lưu tiêu dùng lâu dài của xã hội để từ đó đưa ra thị trường những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu và thị hiếu người dùng.

Bên cạnh đó, Samsung luôn cho rằng tiền dành cho marketing là vì sự lớn mạnh và phát triển lâu dài của công ty. Chỉ tính riêng trong quý 2 vừa rồi, hãng đã bỏ ra 4,3 tỉ USD cho khâu marketing sản phẩm nhân dịp Olympic Games tại London. Phần lớn chiến dịch quảng bá này là tập trung cho chiếc Galaxy mới, hiện đang là sản phẩm ăn khách và mang về những khoản thu đáng kể.  

Dù có phiền lòng và ảnh hưởng ít nhiều từ vụ thua kiện Apple gần đây (Samsung phải bồi thường hơn 1 tỉ USD cho hãng Quả táo) nhưng với chiến lược đầu tư đúng hướng, tầm nhìn xa trông rộng và nắm trong tay nhiều át chủ bài, Samsung đang có cơ hội vượt trên các đối thủ còn lại nhờ vào sự lanh lợi, khả năng sáng tạo và đổi mới liên tục để vươn tới thành công.  

Bí quyết thành công của Samsung chính là sự kết hợp hài hòa và hiệu quả giữa bài học kinh doanh phương Tây và hệ thống quản lý riêng mình. Đó còn là sự kết hợp giữa quy trình sản xuất chi phí thấp truyền thống với khả năng đưa ra thị trường các sản phẩm cao cấp ăn khách. Cho tới nay, Samsung luôn được xem là thương hiệu thành công mà những tên tuổi lớn khác cần noi theo.

Nguyễn Văn