Dạy đại trà AI cho học sinh: Cần nhưng không vội
Các chuyên gia giáo dục đưa ra một số quan điểm xung quanh việc có nên đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy đại trà cho học sinh?
Học sinh Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) được trải nghiệm và làm quen với công nghệ. Ảnh: TG
Chưa nên dạy đại trà
Theo thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT M.V.Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội), hiện có nhiều trường trên toàn quốc thực hiện tốt việc đưa AI vào giảng dạy ở câu lạc bộ Khoa học, Tin học, Robotic, STEAM... Nhiều giáo viên cũng ứng dụng AI vào tiết dạy trên lớp, nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, làm báo cáo, diễn văn khai giảng, bế giảng năm học.
Ở các trường học, câu lạc bộ thì đây là “Chương trình nhà trường” và được hiệu trưởng phê duyệt, chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ở cấp độ toàn quận/huyện hay tỉnh/thành cần có đánh giá khoa học cũng như chương trình được thẩm định bởi các nhà chuyên môn bài bản, có thử nghiệm, rút kinh nghiệm rồi mới triển khai đại trà.
“Công nghệ AI sẽ thay đổi hàng ngày, giáo án, chương trình giảng dạy cũng phải mở. Chưa kể, việc đào tạo giáo viên giảng dạy cần có lộ trình, không thể vội vàng thông qua vài buổi tập huấn đã cho đứng lớp, tránh việc phải mời các công ty bên ngoài vào trường học giảng dạy”, thầy Nguyễn Quang Tùng bày tỏ.
Dưới góc độ chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, thực tế việc giảng dạy phải được nghiên cứu và tiến hành dựa trên tâm sinh lý học sinh.
Bởi trong lớp học có nhiều em hướng nội và thích môn tự nhiên cũng khác so với lớp nhiều bạn hướng ngoại và yêu thích môn xã hội. Vì thế, giáo viên phải có thời gian khám phá, thăm dò để tìm ra cách giáo dục trẻ phù hợp. Dạy học dựa vào phần mềm chỉ mang tính hỗ trợ nhưng không được phép lạm dụng vì có thể đem lại hệ quả không thể lường trước.
Hơn nữa, để giúp một người trưởng thành thì lý thuyết chỉ góp phần nhỏ. Quan trọng các em phải được thực hành, trải nghiệm trong tự nhiên và xã hội nhằm đúc rút thành kinh nghiệm, thói quen tốt, giúp cuộc sống tươi đẹp hơn.
“Do đó, việc đưa AI vào giảng dạy có chăng chỉ nên tiến hành với nội dung nhỏ, phạm vi hẹp chứ không áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, các trường nên phát triển hoạt động trải nghiệm và phương pháp giáo dục từ truyền thống đến hiện đại để học sinh có cơ hội khám phá kiến thức, kỹ năng theo nhiều góc độ khác nhau”, TS Vũ Thu Hương nêu quan điểm.
Ngoài ra, nữ chuyên gia cũng cho biết, AI có tiềm năng trở thành công cụ giáo dục nhưng cũng có thể bị lạm dụng. Những sinh viên lười học có thể phụ thuộc vào AI, biến nó thành công cụ làm bài tập thay hoặc gian lận trong thi cử. Nếu phụ thuộc AI, sinh viên không thể thực hành và phát triển kỹ năng cá nhân. Vì vậy, trường học không nên vội vàng đưa AI vào các môn học.
Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT M.V.Lômônôxốp. Ảnh: TG
Góc nhìn của chuyên gia
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, một trong những kỹ năng ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp năm 2027 là năng lực trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo (AI) không thay thế bạn mà những người biết sử dụng AI sẽ thay thế bạn.
Vì vậy, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, đưa AI vào chương trình giáo dục phổ thông từ sớm cho học sinh là cần thiết. Tuy nhiên đưa vào lúc nào, nội dung gì, hình thức ra sao là những câu hỏi cần được trả lời bằng kết quả nghiên cứu khoa học bài bản, kỹ lưỡng, tránh hấp tấp, vội vàng.
Chúng ta cần xác định rõ cấu trúc năng lực AI của người lao động thế kỷ 21 là gì và phân khai cấp độ năng lực đó thành yêu cầu cần đạt, chuẩn đầu ra cho từng cấp học phù hợp trình độ phát triển cá nhân. Cần làm rõ sự chồng lấn giữa năng lực số và trí tuệ nhân tạo để tích hợp, không gây quá tải về nội dung với học sinh.
Ví dụ, năng lực cốt lõi quan trọng nhất cần trang bị cho học sinh là: Nhận dạng nhu cầu thông tin, tìm kiếm tri thức một cách có hiệu quả; biết đánh giá độ tin cậy của tri thức thu nhận được, tổ chức và trình bày thông tin hệ thống và thuyết phục; sử dụng tri thức tìm kiếm được theo chuẩn mực đạo đức. Còn AI nhiều khi là công cụ để học sinh sử dụng trong quá trình học tập, phát triển bản thân cũng như nghề nghiệp sau này.
“Vì thế, tôi cho rằng cần có bước đi thận trọng, chương trình trang bị năng lực AI phải được xây dựng, kiểm nghiệm tính hiệu quả, khả thi, áp dụng thử nghiệm trên quy mô nhỏ trước khi triển khai đại trà để tránh nguy cơ tiêu cực tiềm ẩn mà chúng ta có thể chưa ý thức hết tại thời điểm này đối với quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất toàn diện cho học sinh”, PGS.TS Trần Thành Nam trao đổi thêm.
Trong kế hoạch thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI năm 2024 vừa được UBND TPHCM phê duyệt về triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực AI, Sở GD&ĐT thành phố đã đặt hàng Trường ĐH Sài Gòn triển khai đề tài khoa học: Xây dựng nội dung giảng dạy AI cho học sinh phổ thông TPHCM. Trong đó, đơn vị thực hiện xây dựng nội dung tổng quát giảng dạy AI cho học sinh từ khối lớp 3. Đề tài sẽ do Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM thành lập hội đồng đánh giá. Nếu đề án được thông qua đúng tiến độ, từ năm học 2024 - 2025, TPHCM có thể đưa AI vào giảng dạy đại trà trong trường phổ thông. |
Theo Báo Giáo dục & Thời đại
https://giaoducthoidai.vn/day-dai-tra-ai-cho-hoc-sinh-can-nhung-khong-voi-post682396.html