Trường Tiểu học, THCS & THPT Đa Trí Tuệ (MIS) sẽ dạy trí tuệ nhân tạo A.I đại trà cho học sinh từ năm học tới 2024 - 2025

15:06, 02/05/2024

Trước bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, Trường Tiểu học, THCS & THPT Đa Trí Tuệ (MIS) sẽ dạy trí tuệ nhân tạo (A.I) cho học sinh từ năm học tới 2024 - 2025, học sinh từ lớp 1 sẽ được tiếp cận, tìm hiểu và khai thác trí tuệ nhân tạo A.I một cách bài bản.

Hơn 3 năm trở lại đây, Trường Tiểu học, THCS & THPT Đa Trí Tuệ đã tổ chức thí điểm cho học sinh (HS) cấp trung học phổ thông (THPT) tiếp cận với kiến thức về trí tuệ nhân tạo (A.I). Theo đó, HS được cung cấp nền tảng về toán với công nghệ trí tuệ, kỹ năng lập mô hình toán cho các vấn đề thực tế, kỹ năng lập trình bậc cao, kỹ năng sáng tạo trong việc sử dụng A.I như công cụ bổ trợ trí tuệ cho người dùng; tạo lợi thế cho HS thành thạo 3 ngôn ngữ thế kỷ 21 (Anh văn, Code – Lập trình và tính toán) bên cạnh các ngôn ngữ mà nhà trường đưa vào giảng dạy (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật). Bên cạnh đó, HS còn có kinh nghiệm thực tế qua các dự án lập trình, A.I, các câu lạc bộ (CLB); phát triển các kỹ năng điều hành, kỹ năng cộng tác và làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề và viết báo cáo...

MIS chú trọng đào tạo Khoa học công nghệ mang tính ứng dụng cao, các MISers cũng đã gặt hái được nhiều thành tích tại một số sân chơi.

Bên cạnh đó, nhà trường đã từng bước cho HS làm quen với các khái niệm, thuật ngữ về AI, chủ đề về dữ liệu lớn qua hình thức học tập trên lớp cũng như các dự án tìm hiểu và ứng dụng khoa học công nghệ cao. Chẳng hạn, từ năm học 2021 - 2022, mỗi tuần 1 buổi, nhà trường đưa các chủ đề, chủ điểm tìm hiểu về A.I, Big Data, Internet of things… vào trong các tiết học chính khóa để giới thiệu và làm quen cho học sinh. Phụ trách giảng dạy là các thầy cô, chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, Khoa học công nghệ. Nội dung học tập cũng được nhà trường đưa vào, giới thiệu trong các tài liệu hướng dẫn nhập học hay đăng trên cổng thông tin điện tử, website nhà trường để không chỉ học sinh mà các bậc phụ huynh cũng có thể dễ dàng nắm bắt được.

Thầy Nguyễn Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS & THPT Đa Trí Tuệ (MIS), cho biết nhà trường hướng tới giúp HS bước đầu làm quen với khái niệm, thuật ngữ về AI. Qua đó, khơi gợi trong các em đam mê đúng đắn với khoa học công nghệ, lập trình… theo đuổi để nắm bắt được những giá trị cốt lõi và ứng dụng thành thạo góp phần áp dụng vào học tập, đời sống và công việc trong tương lai.

Phổ cập AI sẽ là xu thế của tương lai. Mỗi MISer sẽ dẫn đầu công nghệ, sáng tạo sẽ là một người kiến tạo tương lai.

"Đây là những HS đã thực sự xác định được năng lực, đam mê của bản thân với AI, để định hướng nghề nghiệp sau này. Các em đã thiết kế các mô hình, sản phẩm do ban giám hiệu đặt hàng để ứng dụng trong nhà trường. Ví dụ, phần mềm nhận diện đồng phục nhà trường sẽ tiếp tục được các em phát triển để nhà trường ứng dụng trong điểm danh, quản trị HS", ông Phú chia sẻ.

Cùng với đó, nhà trường đã đẩy mạnh hiệu quả mô hình giáo dục STEM – STEAM trong các giờ học chính khóa cũng như các CLB STEM - STEAM sáng tạo thu hút HS đông đảo học sinh tham gia sinh hoạt. Ở đây, HS tìm hiểu về các công cụ đơn giản liên quan đến A.I như cách vận hành tạo lập chatbot, ứng dụng A.I trong xây dựng hình ảnh, sơ đồ tư duy, thiết lập MC ảo, tạo video từ ảnh… để ứng dụng trong việc học, báo cáo…

Thầy Nguyễn Đức Anh, Đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin của nhà trường, cho biết các thầy cô, chuyên gia mà nhà trường mời về tổ chức các hoạt động học tập, trải nghiệm khoa học công nghệ với HS sẽ cho các em tiếp cận với khái niệm AI một cách nhẹ nhàng và trực quan, làm quen với những thuật ngữ đơn giản, sơ khởi. Mục tiêu mà nhà trường hướng tới đó là làm sao cho HS yêu thích khoa học công nghệ nói chung và ứng dụng những kiến thức, kỹ năng có được để phục vụ học tập và giải quyết các nhu cầu thực tiễn của cuộc sống.

Trong tiết học giáo dục công dân về lòng biết ơn, giáo viên của nhà trường đã ứng dụng A.I giúp HS tiếp cận bài học, công nghệ một cách chủ động, thích thú và hào hứng. Theo đó, từ tài khoản Copilot của Microsoft (bản quyền do nhà trường cung cấp) do GV thiết lập và hướng dẫn sử dụng, mỗi HS chủ động đề nghị công cụ này hỗ trợ thực hiện yêu cầu liên quan đến bài học như vẽ tranh về tình mẫu tử, tạo hiệu ứng cho bức tranh… GV phụ trách giảng dạy cho hay, công cụ A.I chatbot Copilot hiện đã rất phổ biến, ngay cả khi GV không hướng dẫn thì nhiều HS cũng đã tiếp cận, làm quen. Vì vậy trong bối cảnh công nghệ phát triển, GV cần chủ động cùng HS tiếp cận để có sự định hướng cũng như giúp các em thấy được vai trò tích cực của công nghệ.

Học sinh Trường Đa Trí Tuệ (MIS) học tập, trải nghiệm cùng robot AI.

Ông Hoàng Văn Lược, Tổng giám đốc điều hành nhà trường, cho rằng HS đã được từng bước tiếp cận với công nghệ hiện đại thì GV cũng không thể "giậm chân tại chỗ". Trong kỷ nguyên số hiện nay, việc GV áp dụng công nghệ mới, AI vào tổ chức tiết dạy không chỉ giúp cá nhân hóa quá trình học tập, phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng HS mà còn tăng cường hiệu quả giáo dục bằng cách cung cấp các phương tiện học tập đa dạng và linh hoạt, từ đó giúp việc giảng dạy cho nhiều học sinh trở nên hiệu quả như khi giảng dạy cho 1 học sinh. Đề cập đến ứng dụng AI trong giáo dục, ông Hoàng Văn Lược cho biết một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm được Hệ thống giáo dục Đa Trí Tuệ nêu ra trong kế hoạch chiến lược sắp tới là triển khai đào tạo, trang bị nguồn nhân lực biết khai thác, sử dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo A.I. Trong đó, tổ chức nội dung giảng dạy AI cho HS trong hệ thống là ưu tiên hàng đầu cùng giải pháp đào tạo chuyển giao công nghệ, tập huấn GV dạy môn học trí thông minh nhân tạo AI – Robotics (STEM – STEAM) vốn đang được nhà trường triển khai hiệu quả.

Các sân chơi về STEM - STEAM vốn đã và đang được nhà trường chú trọng đầu tư.

Cụ thể, Trung tâm Công nghệ thông tin của Nhà trường phối họp, hợp tác cùng Học viện STEAM triển khai xây dựng nội dung giảng dạy AI cho HS cùng việc tập huấn phổ cấp ứng dụng Trí tuệ nhân tạo A.I cho giáo dục tới toàn thể giáo viên. Trong đó, đơn vị thực hiện xây dựng nội dung tổng quát giảng dạy AI cho HS, bắt đầu từ khối lớp 1. Chương trình sẽ do hội đồng giáo dục nhà trường đánh giá. Sau khi được hội đồng thông qua, nhà trường sẽ triển khai giảng dạy cho các khối lớp. Theo đúng tiến độ, từ năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học, THCS & THPT Đa Trí Tuệ sẽ đưa AI vào giảng dạy trong toàn hệ thống một cách đại trà.

Tháng 3 vừa qua, Nhà trường đã tổ chức lớp tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI cho giáo dục” cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn hệ thống, cùng với đó đã thành lập cộng đồng “Trí tuệ nhân tạo AI cho Giáo dục” trên mạng xã hội với hơn 1.000 lượt GV các trường tiểu học, THCS, THPT trên khắp cả nước tham gia hưởng ứng. Khóa học này nằm trong chuỗi các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục. Trong khóa học, GV được tìm hiểu về AI, sử dụng các ứng dụng trong các hoạt động tương tác trên lớp, soạn bài giảng, kiểm tra, đánh giá HS… Chuyển đổi số trong giáo dục luôn đòi hỏi GV phải không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực. Trước đây, yêu cầu đổi mới chỉ đòi hỏi GV thay đổi phương pháp dạy học. Hiện nay, đổi mới giáo dục đặt ra cho GV năng lực ứng dụng công nghệ trong dạy và học, sử dụng AI trong dạy học thế nào cho phù hợp. Thầy Nguyễn Đức Anh, đại diện Trung tâm CNTT của nhà trường chia sẻ: “AI giống như một đứa trẻ và chính GV sẽ "nuôi dưỡng" theo cách của mình. Sử dụng AI như thế nào để hỗ trợ công tác giảng dạy lại phụ thuộc vào chính mỗi GV. Theo đó, GV phải có kiến thức để thẩm định và phải biết điều chỉnh theo thực tế của bài học để không bị lệ thuộc. Chính vì vậy, GV cần được trang bị cái nhìn đúng đắn, để không còn e dè từ đó tận dụng hiệu quả các ứng dụng của AI giúp bài giảng sống động. Qua đó, GV mạnh dạn khi xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong môn học và hoạt động giáo dục để đạt mục tiêu chuyển đổi số của ngành giáo dục cũng như xây dựng các lớp học số, trường học số".

PV (Theo Tạp chí Tin học và Đời sống)