Đẩy mạnh chuyển đổi số - Tối ưu hoá trải nghiệm cho người dùng

15:07, 21/02/2021

Nhằm tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy phát triển, chuyển đổi số chính là vấn đề cấp thiết của các doanh nghiệp hiện nay, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để “hoà nhập” với nền kinh tế 4.0, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng thời gian và cả sự bài bản.

Năm 2020 được đánh giá là một năm khó khăn với nhiều doanh nghiệp do ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19 tới mọi mặt của đời sống. Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ, do đó đây cũng chính là cơ hội để các công ty thay đổi tư duy và có những cách thức tiếp cận phù hợp với nhu cầu của thị trường nhằm tồn tại và phát triển mạnh mẽ.

Hơn lúc nào hết, thời điểm này con người nhận ra tính ưu việt của kinh tế số. Dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự tái phát triển của cơ sở hạ tầng, công nghệ và chuyển đổi mô hình từ offline sang online. Hay nói một cách tích cực hơn thì đại dịch COVID-19 như một "cú huých" lớn tới các sàn Thương mại điện tử (TMĐT).

Khó khăn luôn đi đôi với những cơ hội, và trong cơ hội lại luôn có những thách thức. Là một Tập đoàn có mảng kinh doanh bán lẻ & phân phối các sản phẩm tiêu dùng Nhật Bản, Phúc Thành cũng đã bị ảnh hưởng khá nhiều từ dịch bệnh. Theo ông Trịnh Đại - CEO Tập đoàn Phúc Thành, trong thời điểm dịch bùng phát, Công ty đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung ứng sản phẩm từ Nhật Bản: “Chúng tôi làm việc và nhập khẩu sản phẩm trực tiếp từ các thương hiệu Nhật, đầu vào phụ thuộc vào thị trường quốc tế nên ít nhiều ảnh hưởng tới số lượng cũng như mẫu mã sản phẩm nhập về.

Tuy vậy, 2020 cũng là dịp để công ty chúng tôi chuyển hướng đi mới và tìm ra các giải pháp để duy trì và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, điển hình là việc tập trung phát triển TMĐT”.


Sàn thương mại điện tử của Công ty Phúc Thành có tên Momart.

Trên thực tế, khi xảy ra đại dịch, hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã khiến nhiều người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng, từ thương mại truyền thống sang mua bán trực tuyến.

Nắm bắt được tâm lí ưa chuộng việc mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, Phúc Thành ưu tiên phát triển các công nghệ nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng trên sàn TMĐT của mình.

Thời điểm hiện tại, Tập đoàn Phúc Thành đã và đang tận dụng các công nghệ là xu hướng dẫn dắt TMĐT Việt Nam trong thời gian qua như: Trợ lí ảo Chatbot (tư vấn và hỗ trợ khách hàng đưa ra quyết định mua sắm phù hợp và nhanh chóng); đồng bộ và đơn giản hóa trải nghiệm người dùng bằng việc tích hợp các chức năng mua sắm (tư vấn sản phẩm, so sánh giá, thanh toán trực tuyến, vận chuyển đơn hàng,…) trên cùng một website. “Ngoài website, chúng tôi sử dụng đa nền tảng để phân phối sản phẩm tới nhiều khách hàng hơn, bao gồm các gian hàng trên các trang TMĐT và qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram,…” ông Đại cho biết thêm.

Có thể nhận thấy, năm 2020 là năm tiền đề cho việc chuyển mình của các DN Việt khi lựa chọn ứng dụng công nghệ số và TMĐT để phát triển kênh phân phối mới. Đẩy mạnh TMĐT là một trong các giải pháp được 14,6% DN lựa chọn để đối phó với đại dịch nên TMĐT đã dần trở nên phổ biến. Đây vừa là giải pháp cho DN Việt, vừa tạo nên xu hướng mới, thuận tiện cho người tiêu dùng.

Chính bởi thế dù khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, TMĐT năm 2020 vẫn chứng kiến những sự tăng trưởng bùng nổ ngay sau khi hàng hóa biên giới được thông thương thuận lợi trở lại. Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 đã ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60 giờ, tăng 267% so với cùng kỳ.

Nhận thức được điều đó, Phúc Thành hiểu chuyển đổi số thành công là yếu tố để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và đem lại lợi ích cho khách hàng của doanh nghiệp. CEO Phúc Thành cho rằng: “Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp chúng tôi phải phân tích được đầy đủ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để có thể đưa ra một chiến lược đầy đủ và chi tiết nhất. Chúng tôi đã xem xét đến nhiều nhân tố quan trọng trong quá trình số hóa như: công nghệ, trải nghiệm khách hàng, quy trình chuyển đổi cũng như những lợi ích mà nó mang lại. Sau giai đoạn phân tích để đánh giá mức độ sẵn sàng, công ty chúng tôi lên kế hoạch và thực hiện các bước chuyển đổi số với lộ trình toàn diện”.

Trong năm tới, Phúc Thành sẽ tập trung phát triển chuỗi cửa hàng chuyên nhập & PP các sản phẩm nguồn gốc rõ ràng – xuất xứ từ Nhật. Xác định đi theo mô hình O2O (online to offline) và phát triển vào việc tăng trải nghiệm khách hàng. “Chúng tôi mong muốn sẽ giới thiệu tới khách hàng nhiều sản phẩm có chất lượng cao được sản xuất tại Nhật với giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, công ty chúng tôi sẽ dần hoàn thiện quá trình chuyển đổi số để có thể tối ưu hóa trải nghiệm người dùng cũng như nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường”, ông Đại cho hay.

Công ty Cổ phần Phúc Thành Việt Nam là nhà kinh doanh phân phối các sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản duy nhất có sự đảm bảo về chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Phúc Thành đã và đang cung cấp toàn diện các cơ sở hệ thống phân phối thiết bị, quầy bán hàng, sản phẩm và dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Phúc Thành không ngừng sáng tạo ra những không gian mua sắm thoải mái thú vị và tiện ích nhằm góp phần đem đến khách hàng một lối sống phong phú hơn, tiện lợi hơn.

Dung Hoàng