Chuyển đổi số - Vấn đề cấp thiết nhất kể cả lĩnh vực môi trường

09:08, 13/02/2021

Theo PGS. TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng: “Môi trường luôn là vấn đề cấp thiết và luôn gây bức xúc trong dư luận. Chính bởi vậy, cần phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để tăng tính minh bạch, chính xác trong ngành Tài nguyên – Môi trường”.

 PGS. TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng.

Với thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia. Chuyển đổi số cũng đang làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của người dân, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 bùng nổ.

Chuyển đổi số tác động mạnh đến cuộc sống và các ngành, nghề trong đó có cả Tài nguyên - Môi trường. Liên quan đến vấn đề trên, Tạp chí Tin học và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng.

PV: Thưa PGS.TS năm 2020 được coi là năm khó khăn và nhiều thách thức. Vậy theo bà, chuyển đổi số đã tác động lên nền kinh tế và xã hội như thế nào trong năm vừa qua?

PGS.TS Bùi Thị An: Đầu tiên phải nói rằng chuyển đổi số đã thực sự bao phủ lên toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống trong năm vừa qua, từ kinh tế, chính trị, xã hội và ngay cả trong cuộc sống đời thường. Ngay như trong những ngày dịch Covid bùng nổ, toàn dân phải thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta gần như hoạt động, làm việc bằng  máy tính, mua sắm trên điện thoại,… Chính bởi vậy, tại thời điểm đó, các ứng dụng về y tế, ứng dụng họp trực tuyến ra đời và được sử dụng mạnh, điều đó đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách nhanh chóng.

Thứ hai, chuyển đổi số đã giảm được rất nhiều các thủ tục hành chính. Ngoài ra, nó còn minh bạch được rất nhiều vấn đề, đồng thời tiết kiệm được thời gian và tiết kiệm được cả con người. Việc minh bạch được các thủ tục hành chính cũng như các giấy tờ của người dân nó rất quan trọng, bởi nó bớt phiền hà cho người dân, cũng từ đó sẽ có được niềm tin của nhân dân hơn, hiệu quả công việc cũng từ đó mà nâng lên.

PV: Phải nói rằng, Chuyển đổi số đang bao phủ lên toàn bộ các ngành nghề, vậy lĩnh vực nào cần ưu tiên chuyển đổi số trước để cung cấp một trải nghiệm mới, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội thưa bà?

PGS.TS Bùi Thị An: Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết, do đó tất cả các ngành nghề đều phải ưu tiên cho công cuộc"số hoá". Đối với ngành y tế, cần phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa; Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh; không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Đối với ngành giáo dục, cần ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp cần phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Tiến hành thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.

Đối với lĩnh vực năng lượng thì cần ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả; cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn.

Nếu quá trình đánh giá mức độ chúng ta loại bớt được sự can thiệp của con người thì mọi số liệu được trung thực hơn.

PV: Đối với các ngành nghề như y tế, giáo dục, giao thông vận tải,… đang làm rất tốt công tác Chuyển đổi số. Vậy theo bà, ngành tài nguyên – môi trường có nên “gia nhập” cuộc đua chuyển đối số ngay bay giờ không?

PGS.TS Bùi Thị An: Phải nói, trong tất cả các ngành nghề thì môi trường là lĩnh vực gây nên nhiều bức xúc cho người dân nhất. Đầu tiên là từ nguyên nhân, thứ hai là liên quan đến đánh giá mức độ. Chính bởi vậy, nếu như quá trình đánh giá mức độ chúng ta loại bớt được sự can thiệp của con người thì mọi số liệu nó sẽ trung thực hơn, khách quan hơn, nó sẽ bớt bị méo mó thì từ đó chúng ta sẽ có những giải pháp xử lý tốt hơn.

Ví dụ cụ thể như, ở một địa điểm nào đó, thiết bị đo chính xác là mức độ ô nhiễm đang ở mức 0.5. Thế nhưng khi cho con người đánh giá thì nó lại được làm tròn lên thành mức độ 1 chẳng hạn, như vậy kết quả nó đã không còn chuẩn xác nữa. Khi kết quả không chuẩn xác thì việc xử lý nó sẽ không hiệu quả mà còn gây tốn kém cho nhà nước, thậm chí là gây nên bức xúc cho nhân dân.

Chính bởi vây, hơn lúc nào hết, lĩnh vực tài nguyên – môi trường cần tham gia quá trình chuyển đổi số ngay bây giờ. Chuyển dổi hoá để rút ngắn những thủ tục hành chính rườm rà. Chuyển đổi số để tăng tính minh bạch trong các khâu kiểm tra, đánh giá kết quả. Và chuyển đổi số để góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, công nghệ 4.0.

Do đó, việc “số hoá” trong lĩn vực tài nguyên – môi trường cần thực hiện một cách nghiêm chỉnh, chính xác thực sự, thực chất và tránh thực hiện theo kiểu hình thức.

PV: CNTT vốn dĩ được đánh giá là một lĩnh vực khó và rộng, vậy ngành tài nguyên – môi trường cần làm gì để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thưa bà?

PGS.TS Bùi Thị An: Để “hoà nhập” với chuyển đổi số, lĩnh vữc tài nguyên – môi trường cần xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện nhằm quản lý hiệu quả như: Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; các cơ sở dữ liệu về nền địa lý quốc gia; quan trắc tài nguyên và môi trường; đa dạng sinh học; nguồn thải; xây dựng bản đồ số quốc gia mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, cần khẩn trương hoàn thiện chương trình chuyển đổi số, Đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử ngành tài nguyên - môi trường; tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT theo Chương trình, kế hoạch công tác. Cuối cùng, đó chính là bảo đảm an toàn thông tin của hệ thống ứng dụng CNTT tài nguyên và môi trường.

Chúng ta cần phải kết hợp các phòng ban, từng các bộ phận và phải nghe ý kiến của nhân dân để kịp thời điều chỉnh. Có như vậy thì công cuộc chuyển đổi số mới thành công và được người dân tin tưởng, ủng hộ.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của PGS.TS Bùi Thị An.

Thùy Dung