Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hệ thống khám chữa bệnh theo vùng
Ngày 15/7, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội tham dự và chủ trì hội nghị.
Thời gian qua Hà Nội tiếp tục đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Ảnh: VGP/TT.
Theo báo cáo Sở Y tế, tình hình dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn được kiểm soát, toàn thành phố ghi nhận 1.058 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; không có ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023, với tổng số 18 ổ dịch. Đối với dịch bệnh tay chân miệng có 1.627 ca mắc tại 30 quận, huyện, thị xã; không có ca tử vong và ghi nhận 39 ổ dịch, hiện tất cả đã kết thúc hoạt động, không có ca tử vong.
Ngoài ra, thành phố ghi nhận 162 ca mắc ho gà; 2 ca viêm não Nhật Bản; 3 ca mắc liên cầu lợn; 679 ca thủy đậu; 8 ca mắc uốn ván…
Về công tác khám chữa bệnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, đối với khối bệnh viện thực hiện được hơn 4,1 triệu lượt khám chữa bệnh; công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch đạt 90%; tổng số lượt điều trị nội trú tăng 11,7% so với cùng kỳ 2023. Đối với khối các Trung tâm Y tế đã thực hiện trên 1,3 triệu lượt khám chữa bệnh.
Sở Y tế Hà Nội triển khai thí điểm mô hình "Bệnh viện Chị-Em" giữa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và các đơn vị y tế tuyến huyện, xã tại huyện Ba Vì. Trong đó, các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ toàn diện đơn vị tuyến huyện trong việc phát triển, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật, phát triển nguồn lực, hỗ trợ cải tiến quy trình vận hành bệnh viện, quy trình khám chữa bệnh.
Hà Nội cũng duy trì hoạt động sàng lọc, khám phát hiện, quản lý điều trị bệnh tim mạch - tăng huyết áp, đái tháo đường tại các cơ sở y tế. Kết quả phát hiện mới 46.327 người tiền tăng huyết áp, 12.726 người tăng huyết áp; có tổng số trên 370.000 người bệnh được quản lý, điều trị (96,6%). Hơn 29.100 người tiền đái tháo đường được quản lý can thiệp dự phòng (83,4%); tổng số người bệnh được quản lý, điều trị là 118.007 người (96,5%); 11.781 người thừa cân béo phì được tư vấn kiểm soát; 25.248 người cơ nguy cơ tim mạch được tư vấn điều trị dự phòng.
Duy trì hoạt động 23 cơ sở điều trị Methadone (19 cơ sở thuộc ngành y tế quản lý, 04 cơ sở thuộc ngành Sở Thương binh và Xã hội quản lý) đang điều trị cho 4.882 bệnh nhân Methadone (đạt 91,5% so với chỉ tiêu thành phố giao).
Năm 2023, UBND Thành phố đã công nhận 488/579 (đạt 84,3%) xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Bộ tiêu chí quốc gia của Bộ Y tế. Trong năm 2024, Sở Y tế đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế năm 2024 theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 09/3/2023 của Bộ Y tế của 14 quận, huyện, thị xã, với tổng số hồ sơ đề nghị là 85 xã, phường, thị trấn. Như vậy, đến thời điểm hiện tại có 573/579 (đạt 98,9%) xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Bên cạnh đó, Thành phố duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã; duy trì 20 tuyến phố an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát tại 16 quận, huyện, thị xã; triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học thuộc hai phường Tràng Tiền, Hàng Trống của quận Hoàn Kiếm…
Về công tác dân số, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 68%; 79% phụ nữ mang thai được tầm soát từ 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến trở lên; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát từ 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến trở lên đạt 82%.
Tại hội nghị, một số đơn vị bệnh viện và Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đã báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, giá dịch vụ y tế, những quy định pháp luật có hiệu lực trong thời gian tới liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh.
Phát triển hệ thống cơ sở khám chữa bệnh theo các cấp
Trong 6 tháng đầu năm, ngành Y tế Thủ đô đã tham mưu Thành phố xây dựng Đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội đến năm 2030. Với mục tiêu phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe theo vùng và theo các cấp khám bệnh, chữa bệnh được phân công (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu), chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cụ thể:
Đồng thời hình thành 4 bệnh viện đảm nhận chức năng vùng gồm: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Phát triển các bệnh viện đa khoa hạng I và bệnh viện chuyên khoa đáp ứng khám chữa bệnh cấp chuyên sâu; phát triển các bệnh viện đa khoa hạng II đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản theo quy định Bộ Y tế.
Đội ngũ Y tế Thủ đô luôn làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và phục vụ nhân dân. Ảnh: VGP/TT.
Cùng với đó, phát triển các phòng khám đa khoa và trạm Y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu; củng cố, phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân trên địa bàn thành phố; phát triển nguồn nhân lực y tế đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức, với cơ cấu và phân bố hợp lý.
Thành phố cũng triển khai nhiệm vụ và giải pháp trong việc nâng cao chất lượng kỹ thuật chuyên môn trong khám chữa bệnh; công tác cấp cứu ngoại viện; chuyển đổi số toàn diện hướng tới y tế thông minh; tăng cường hợp tác quốc tế; nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục sức khỏe…
Sở Y tế cũng đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số, xây dựng hệ thống y tế thông minh năm 2024 của ngành Y tế Hà Nội, triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố; kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa, 297 trạm y tế với trên 3,5 triệu hồ sơ đã được đẩy thành công lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm để sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VneID; hơn 16,2 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh lên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe thành phố…
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời; tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, tập trung tư vấn xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao, kết nối điều trị.
Đẩy mạnh kết nối phản hồi, cập nhật thông tin người nhiễm từ các cơ sở điều trị với xét nghiệm HIV; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về công tác dân số cho đội ngũ cán bộ dân số các cấp và chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ thực hiện các Đề án, Kế hoạch nâng cao chất lượng dân số.
Các đơn vị tiếp tục tham mưu, triển khai hiệu quả Đề án "Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội đến năm 2030", Luật Thủ đô (sửa đổi); đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia Bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh; mở rộng triển khai mô hình "Bệnh viện Chị - Em" nhằm hỗ trợ chuyên môn giữa các bệnh viện, trung tâm y tế.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý điều hành, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị về công nghệ thông tin; hoàn thành triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khoẻ điện tử, Sổ sức khoẻ điện tử; kết nối, liên thông làm giàu dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử; mở rộng triển khai Bệnh án điện tử đến toàn bộ các cơ sở y tế, kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh và với hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố…
Về công tác cải cách hành chính, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương lưu ý, các đơn vị khẩn trương xây dựng sáng kiến về cải cách hành chính, thực hiện đầy đủ quy trình thủ tục hành chính về khám chữa bệnh, y tế dự phòng; rà soát, công bố các cơ sở đủ điều kiện thực hành khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ