Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ công tác tham mưu cho Thành uỷ Hà Nội
Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy Đảng luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện… để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Quang cảnh Hội thảo.
Chiều 28/3, Đoàn công tác của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương do GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về khảo sát hoạt động nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy Hà Nội giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Tham dự hội nghị về phía thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên cùng đại diện các ban Đảng của Thành ủy, các sở, ngành liên quan.
Hà Nội đã triển khai 493 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học của Đảng, thời gian qua, Thành ủy và các cấp ủy Đảng luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện… để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên trình bày báo cáo tại hội nghị.
Trong giai đoạn 2016-2022, có 145 đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy, quận ủy, huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc. Việc nghiên cứu khoa học đã góp phần làm rõ cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn, chỉ ra các luận cứ khoa học, góp phần tham mưu giúp Thành ủy và các cấp ủy xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các chương trình hành động, kế hoạch, đề án, dự án, các khâu đột phá về công tác xây Đảng và hệ thống chính trị; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công tác cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã phê duyệt và triển khai 493 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố, trong đó 145 đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Hằng năm, thành phố đã bố trí kinh phí cho sự nghiệp khoa học, công nghệ, bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, chương trình về khoa học, công nghệ của thành phố. Các nhiệm vụ nghiên cứu đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín và sự phối hợp của các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học, công nghệ trên địa bàn. Các kết quả nghiên cứu đều có đóng góp phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố.
Đặc biệt, năm 2018, thành phố đã triển khai Chương trình số 20-CTr/TU về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học và thực tiễn đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Chủ nhiệm chương trình, các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy là Phó Chủ nhiệm chương trình...
Chương trình 20-CTr/TU gồm 8 đề tài, mục tiêu nghiên cứu nhằm cung cấp các luận cứ khoa học để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020 và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Thông qua kết quả nghiên cứu, kịp thời cập nhật, bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn, nhất là những vấn đề mới để đánh giá, tổng kết kinh nghiệm, dự báo tình hình, xu hướng phát triển; định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đảng bộ thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, làm cơ sở cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Chương trình số 20-CTr/TU xác định các nhiệm vụ, trong đó có 8 nhiệm vụ cụ thể tương ứng với 8 đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai.
PGS.TS Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phát biểu tại hội nghị.
Thành ủy Hà Nội luôn đặc biệt chú trọng đến công tác nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố tích cực triển khai nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm phục vụ trực tiếp công tác tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước và Thủ đô; góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị của thành phố một cách có hiệu quả...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đơn vị của thành phố và Đoàn khảo sát thảo luận làm rõ kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố. Đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, bất cập; đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu chiến lược cho Thành ủy trong tình hình mới.
Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu bật những kết quả của thành phố trong việc nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy Hà Nội giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố Hà Nội luôn chú trọng việc phối hợp với các cơ quan Trung ương trong đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy. Đồng thời, thành phố tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm của thế giới trong lĩnh vực này. Trong đó, tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và khả năng triển khai thực tiễn trên địa bàn; nghiên cứu những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn. Cùng với đó, thành phố huy động nguồn lực trong và ngoài nước để giải quyết những “điểm nghẽn” trong phát triển hiện nay về xây dựng thể chế, phát triển văn hóa, chuyển đổi số… theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nêu bật các nhóm nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, trong đó có việc sửa đổi Luật Thủ đô để hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo cơ chế chính sách đột phá để phát triển Thủ đô. Đồng thời, thành phố tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu khoa học thông qua các trường, cơ sở đào tạo của thành phố. Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thành ủy kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp khơi thông Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và cơ chế cho các chủ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này nhằm từng bước hoàn thiện thị trường khoa học, công nghệ.
GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học
GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú đánh giá cao những kết quả mà thành phố đạt được trong việc nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác tham mưu của Thành ủy Hà Nội thời gian qua; đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể với Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác này. Nhấn mạnh tầm quan trọng việc nghiên cứu khoa học nói chung và phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy nói riêng, đồng chí Phùng Hữu Phú cho biết, thành phố Hà Nội đã triển khai nghiên cứu khoa học một cách bài bản, công phu, phân công rõ trách nhiệm từng đơn vị; triển khai phong phú trên cơ sở thực tiễn.
Chia sẻ với những khó khăn của thành phố trong công tác này, đồng chí Phùng Hữu Phú cho rằng, thành phố cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về vai trò của nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trong đó, cần nhận thức rằng nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính trị của các ban Đảng, cơ quan tham mưu. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để khuyến khích, động viên các cán bộ, nhân viên có khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học, để nghiên cứu khoa học trở thành nhu cầu; xem nghiên cứu khoa học là 1 tiêu chí đánh giá cán bộ (luân chuyển, điều động, bổ nhiệm và tăng lương).
Đồng chí Phùng Hữu Phú mong thành phố tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tham mưu cho Đảng thông qua đầu tư cho các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu chính sách của thành phố và một số công trình văn hóa của Thủ đô. Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu tích hợp để có những đề xuất xứng đáng trong việc sửa Luật Thủ đô với những cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài; xây dựng các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ.
Uyên Thư (T/h)