Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cảnh báo thiên tai
Trong 5 năm gần đây, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục, tái thiết sau thiên tai.
Tại phòng trực ban 24/24h của Tổng cục tại Hà Nội, hệ thống quan sát, cảnh báo cho 62 tỉnh thành với các hình thái thời tiết như mưa, sạt lở, đường đi của bão đã được hoàn thiện. Dựa trên thời tiết thực tế, hệ thống sẽ hiện các bảng màu cảnh báo khác nhau để có hướng dẫn địa phương cách phòng chống.
Ứng dụng công nghệ bản đồ số trong cảnh báo thiên tai.
Lần đầu tiên, Bộ NN&PTNT có một hệ thống cảnh báo thiên tai hội tụ nhiều nền tảng công nghệ, trong đó công nghệ truy cập trên nền tảng Internet sẽ cho phép quản lý, cập nhật, theo dõi thông tin, dữ liệu trên bản đồ số. Đây sẽ là cơ sở để nâng cao hơn nữa tính chủ động trong cảnh báo và công tác điều hành, ứng phó với thiên tai.
Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp mới, cốt lõi cũng không thể quên phương châm 4 tại chỗ gồm chỉ huy, lực lượng, vật tư phương tiện và hậu cần tại chỗ, đặc biệt không thể có nhận thức chủ quan.
Theo các chuyên gia và ngành khí tượng thủy văn dự báo, ngoài xuất hiện muộn, mùa bão năm nay còn có thể nhiều về số lượng, mạnh về cường độ và dồn dập từ tháng 10 đến tháng 12, đặc biệt, cần đề phòng, cảnh giác cao với sự xuất hiện trở lại của siêu bão.
Trạm thời tiết thông minh
Việc tăng cường nhận thức cho người dân đang được coi là một trong những giải pháp then chốt giúp nâng cao tính chủ động.
Khẳng định sự cần thiết trong ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai, các nhà khoa học cho rằng, ứng phó với thiên tai là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và phải triển khai trên quy mô lớn, nên đòi hỏi phải có sự nghiên cứu toàn diện một cách khoa học các điều kiện khách quan của Việt Nam và học hỏi vận dụng kinh nghiệm của thế giới.
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam cho rằng, với 3/4 diện tích đất đai ở miền núi, các giải pháp khoa học áp dụng cho toàn bộ các vùng này không thể đủ kinh phí cho nên vấn đề đầu tiên vẫn là ý thức của người dân cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và việc quản lý khu dân cư như thế nào để chủ động phòng tránh. Liên quan đến khoa học công nghệ cũng phải tìm những giải pháp để phòng tránh sạt lở hữu hiệu nhất. Trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn khó khăn vì vậy việc áp dụng giải pháp khoa học công nghệ nào phải phù hợp về kinh phí và điều kiện của Việt Nam, điều này cũng phụ thuộc vào sự sáng tạo, nghiên cứu cụ thể của các nhà khoa học.
Theo Bộ trưởng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam hiện là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nên các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, ảnh hưởng lớn đến môi trường, cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Với tiềm lực khoa học công nghệ chưa cao, nền tảng hạ tầng còn hạn chế, nhưng với nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân đã góp phần giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ứng dụng khoa học công nghệ phải chú trọng vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai. Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học mà cần đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật trong phòng chống thiên tai.
“Ứng phó, thích ứng với thiên tai đã trở thành nội dung thường xuyên trong quá trình tồn tại và phát triển. Để thích ứng phải có các nhóm giải pháp. Bất kỳ giải pháp nào cũng phải gắn với ứng dụng với khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ là giải pháp phù hợp và hợp lý nhất tại 1 thời điểm, và phải tận dụng cho được thành tựu của loài người về khoa học công nghệ” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh
Minh Thùy (T/h)