Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển PMNM trong cơ quan nhà nước

15:00, 20/12/2012

Để thực hiện nhiệm vụ ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở (PMNM), ngân sách trung ương đã hỗ trợ 63 địa phương, mỗi địa phương 260 triệu đồng trong hai năm 2009-2010 (mỗi năm 130 triệu đồng). Hầu hết các địa phương đều tích cực triển khai nhiệm vụ này, và đã chủ động bố trí hàng chục tỷ đồng ngân sách đối ứng để triển khai. Qua 3 năm triển khai Chương trình, những kết quả đạt được những kết quả nhất định.

Nhận thức về PMNM được nâng cao rõ rệt

Quá trình triển khai Chương trình, Bộ TTTT đã tổ chức chỉ đạo và thực hiện rất tốt công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của PMNM thông qua nhiều Hội nghị, Hội thảo, các sự kiện và ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn sử dụng PMNM. Nhờ đó, trong giai đoạn 2007 – 2012 đã nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội về lợi ích và vai trò của sử dụng PMNM, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp PMNM Việt Nam và giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam. 

Kết quả là hầu hết các địa phương đều sử dụng các sản phẩm PMNM trên máy chủ thay vì mua phần mềm bản quyền. Một số địa phương đã chủ động đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm PMNM phục vụ cho hoạt động của mình. Tỉ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam được một số tổ chức quốc tế ghi nhận giảm trong 3 năm liên tiếp từ 2009 đến năm 2011. 

Ứng dụng PMNM ở các địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực

Đa số các địa phương bắt đầu thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng về PMNM cho cán bộ công chức thay vì chỉ thực hiện đào tạo về các ứng dụng thương mại sẵn có. Thống kê sơ bộ của Bộ TTTT cho thấy, tổng số lượt người được đào tạo (tính riêng năm 2010) theo báo cáo của 46 địa phương là: 7.300 (lượt người), việc đào tạo trước mắt tập trung vào việc sử dụng thành thạo các ứng dụng văn phòng (chiếm khoảng 95%), từng bước hướng đến việc làm chủ hệ điều hành nguồn mở. Để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo, các địa phương đã chủ động tiến hành cài đặt các PMNM như OpenOffice, Unikey, để có thể sử dụng các phần mềm ngay sau khi đào tạo. Kết quả là đã có 123 Sở, ngành trên cả nước sử dụng các phần mềm nguồn mở thông dụng.

Ứng dụng các giải pháp nguồn mở trên máy chủ được coi trọng

Bắt đầu từ năm 2010, nhiều địa phương đã nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp nguồn mở trên máy chủ khi triển khai các hệ thống như email, cổng, một cửa, hệ thống cấp phép hoàn toàn nguồn mở. Các địa phương đi đầu trong công tác ứng dụng PMNM phải kể đến Bắc Giang, Bình Định, Phú  Yên, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh. Ở TP HCM đã có 27 sở ban ngành dùng cổng thông tin trên nền nguồn mở, và 14 quận huyện sử dụng hệ thống lõi cấp phép điện tử. TPHCM đã phát triển thành công hệ thống lõi cấp phép điện tử nguồn mở có thể chuyển giao sử dụng rộng rãi trên cả nước. Các địa phương này cho biết các giải pháp PMNM nói trên đã góp phần giảm chi phí đầu tư của nhà nước chỉ bằng 30% so với chi phí mua các phần mềm đóng gói khác.
 
Những khó khăn còn tồn tại

Trước tiên đó là sự quyết tâm của ở cấp lãnh đạo còn chưa cao. Mặc dù đã nhận thức rõ vai trò và lợi ích của PMNM nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn những e ngại ở đa số các cấp lãnh đạo về vấn đề bảo mật, sự hỗ trợ sau bán hàng...Nhiều lãnh đạo cũng dè dặt về tính hiệu quả, tâm lý ngại khó khăn, sợ thất bại khi triển khai hệ thống mới, phần mềm mới. 

Việc quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm bản quyền trong cơ quan nhà nước kém hiệu quả: cán bộ trong các cơ quan nhà nước tự do sử dụng hệ điều hành Windows và phần mềm văn phòng Microsoft Office và các ứng dụng khác không có bản quyền và coi việc sử dụng những phần mềm không bản quyền này là việc đương nhiên và không chịu sức ép. Một số cán bộ còn cho rằng việc sử dụng PMNM (mà họ coi là miễn phí và không tốt bằng phần mềm thương mại nguồn đóng) là không thể hiện được đẳng cấp của cá nhân và bài trừ nó ngay từ khi chưa sử dụng. 

Chưa có quy định, chế tài, cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn mở: Đối với người dùng, do chưa có chế tài bắt buộc sử dụng phần mềm văn phòng nguồn mở trong công việc nên cán bộ chưa có ý thức chủ động trong việc sử dụng. Chưa có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ sử dụng các phần mềm nguồn mở. Đối với các nhà cung cấp máy tính, họ thường cung cấp máy tính đã cài đặt sẵn các phần mềm như hệ điều hành Windows, bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office không có bản quyền nên người sử dụng ít có động lực để chuyển đổi và sử dụng các PMNM tương ứng.

Mặc dù còn có những khó khăn, nhưng với thành công bước đầu cũng như sự quyết tâm của Bộ TTTT, hi vọng trong tương lai PMNM sẽ có chỗ đứng vững chắc hơn trong các cơ quan nhà nước và xa hơn là ở cộng đồng người dùng Việt Nam.

Hoàng Thanh
TIN LIÊN QUAN