Đẩy nhanh cơ chế sandbox ở Việt Nam

19:51, 07/04/2025

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đã được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ mới. Tại Việt Nam, cơ chế sandbox đã được nghiên cứu và quy định trong một số lĩnh vực, xong việc áp dụng vẫn khá dè dặt.

Đồ họa: Khiếu Minh.

Năm 2014, hãng taxi công nghệ Grab bắt đầu hoạt động tại Việt Nam và nhận được sự đón nhận tích cực của người dân. Nhưng thị trường đã chứng kiến sự xung đột rất lớn giữa Grab và các hãng taxi truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh mô hình kinh tế chia sẻ này vẫn nằm trong “vùng xám” pháp lý trong khoảng vài năm đầu trước khi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô được ban hành. Sự chậm trễ, lúng túng của những người làm chính sách trong việc đón nhận một mô hình kinh tế mới đã khiến doanh nghiệp gặp khó khi vận hành và triển khai. Hệ quả là thị trường chưa được kiểm soát một cách hiệu quả, dẫn đến sự cạnh tranh thiếu minh bạch và lành mạnh cho các thành phần tham gia.

Hạn chế từ chậm ban hành cơ chế sandbox

Grab không phải là câu chuyện riêng biệt. Nhìn rộng sang nhiều lĩnh vực kinh tế số khác, nơi mà công nghệ hiện diện với sự thay đổi nhanh chóng đang đặt ra nhiều bài toán mới về chính sách. Trong đó có thể kể đến công nghệ tài chính, công nghiệp giải trí số, du lịch số... ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bị động và chậm trễ vẫn là phản ứng chung của các cơ quan hoạch định chính sách.

Sandbox cũng là cơ chế cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh liên quan đến công nghệ trong điều kiện quy định pháp lý chưa kịp điều chỉnh các loại hình kinh doanh mới.

Trong lịch sử phát triển, cơ chế này được áp dụng chính thức lần đầu tiên bởi Cơ quan Quản lý tài chính Vương quốc Anh (FCA) vào tháng 6/2016 trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Được phát triển với mục đích ban đầu là thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dịch vụ tài chính, nhưng hiện nay sandbox được mở rộng sử dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, năng lượng, giao thông vận tải… đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi của Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện đã có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng cơ chế thử nghiệm, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính và nó đang ngày càng hoàn thiện.

Giới công nghệ Việt Nam rất nhạy bén, có tinh thần khởi nghiệp cao, đã sớm làm quen với những công nghệ mới và mong muốn Chính phủ có các “mô hình sandbox” cho doanh nghiệp. Nhưng mặc dù các diễn đàn kinh tế, kinh doanh và diễn đàn chính sách liên tục kêu gọi sớm ban hành các thí điểm, đến nay vẫn chưa có một sandbox nào được thực hiện trên thực tế. Về mặt chủ trương, Chính phủ luôn khích lệ phong trào khởi nghiệp, Cách mạng 4.0, “make in Vietnam” và khuyến khích phát triển công nghệ. Những đề án ở tầm vĩ mô liên tục được đề xuất nghiên cứu và soạn thảo. Tuy nhiên, các quy định pháp lý cụ thể cho doanh nghiệp hoạt động lại chưa được đề cập; thậm chí là cơ chế ở mức thử nghiệm như sandbox - dù đã có nhiều thời điểm được nhắc đến nhưng đều chỉ dừng lại ở mức được đề cập.

Sau gần hai thập kỷ được thực hiện trên toàn thế giới; và 5 trong số 6 nước ASEAN 6 (gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Thailand) đã có sandbox thì Việt Nam vẫn tiếp tục chậm chân.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông: “Việc chưa có sandbox không chỉ ảnh hưởng chung đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn làm thiệt hại, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Thí dụ như dịch vụ P2P, các app mọc như nấm, phổ biến tình trạng lừa đảo… Và chịu hậu quả cuối cùng là khách hàng, người tiêu dùng”.

Còn theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, bước vào kỷ nguyên kinh tế số, khi tốc độ triển khai và thực hiện ý tưởng (không còn đơn thuần là có ý tưởng) là yếu tố quan trọng hàng đầu với thành bại của doanh nghiệp; thì việc hoàn thiện khung khổ pháp lý ở Việt Nam lại vẫn giẫm chân tại chỗ. Những vấn đề thực tiễn như pháp lý cho taxi công nghệ, cho dịch vụ chia sẻ điểm lưu trú (Airbnb, Trip Advisor), cho dịch vụ video trên internet (VOD), cho công nghệ tài chính (tiền điện tử, dịch vụ cho vay ngang hàng…) - đều ở dạng nằm “chờ”.

“Hệ quả là doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh với những rủi ro treo lơ lửng trên đầu và không thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Hệ quả của chậm trễ chính sách là quốc gia sẽ tụt hậu trong nền kinh tế số - không chỉ so với Singapore, Hàn Quốc, mà ngay với chính Malaysia, Indonesia, Philippines”, bà Thảo phân tích.

Doanh nghiệp du lịch hướng dẫn khách hàng sử dụng app dịch vụ. Ảnh: HẢI NAM.

Tư duy mở cho công nghệ mới

Khẳng định vai trò, đóng góp của công nghệ số và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực số trong nhiệm kỳ này, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV vừa qua, một trong những nội dung của Luật Công nghiệp công nghệ số được các đại biểu quan tâm thảo luận là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, từ Điều 42 đến Điều 45.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) phân tích, Nghị quyết 57 yêu cầu đổi mới tư duy quản lý, tránh tư duy không quản được thì cấm, mở đường cho công nghệ mới qua cơ chế thí điểm có kiểm soát. Dự thảo Luật đã có bước tiến quan trọng với quy định cơ chế thử nghiệm ở Chương V, nhưng phạm vi thử nghiệm còn quá hẹp ở Điều 42, bỏ sót một số đối tượng hoặc nhiều đối tượng trong đổi mới sáng tạo, đồng thời liệt kê nhiều hành vi bị cấm rất chung chung ở Điều 12 và đặt thêm một số điều kiện kinh doanh. Cách quản lý quá thận trọng như vậy sẽ kìm hãm đổi mới sáng tạo, khiến doanh nghiệp e ngại thử nghiệm công nghệ mới tại Việt Nam.

Ông Trần Văn Khải cũng kiến nghị mở rộng phạm vi sandbox cho mọi sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới chưa được pháp luật điều chỉnh, đơn giản hóa thủ tục phê duyệt thử nghiệm và lược bỏ các quy định cấm, điều kiện không thật sự cần thiết. Đồng thời, cần trao quyền cho Chính phủ tạm thời cho phép thí điểm những công nghệ, mô hình mới, chưa có luật điều chỉnh có thể báo cáo Quốc hội sau, nhằm kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển.

Trên cơ sở các đề xuất và góp ý, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới đây. Với những quy định mới về sandbox, Dự thảo Luật khi được thông qua kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mới trong lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số của Việt Nam.

Trong văn bản góp ý với Dự thảo Luật, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang vận hành bằng cách “vá víu” quy định cũ, và rất cần sandbox để có thể hợp thức hóa mô hình. Chính vì vậy, các tiêu chí như “có tính đổi mới sáng tạo” có thể dẫn tới việc loại bỏ các mô hình đang tồn tại trên thị trường mà chưa có cơ chế pháp lý. Hay tiêu chí về “có rủi ro thấp” không phản ứng đúng bản chất của mô hình thử nghiệm.

Cũng theo VCCI, một trong những điểm nghẽn là dự thảo hiện nay thiết kế sandbox theo từng mô hình, từng doanh nghiệp riêng lẻ, mà chưa có cơ chế điều phối chung. Trong bối cảnh nguồn lực quản lý có hạn, việc lựa chọn doanh nghiệp nào được thử nghiệm trước, doanh nghiệp nào sau dễ phát sinh xung đột lợi ích.

“Sandbox có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh. Nếu một doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm trước, họ có thể chiếm lĩnh thị trường trước các đối thủ khác”, VCCI cảnh báo. Không chỉ tạo ra rủi ro về độc quyền, điều này còn dễ gây ra sự thiếu công bằng trong môi trường kinh doanh.

Để giải quyết vấn đề này, VCCI đề nghị kết hợp song song hai cơ chế: Vừa xét duyệt theo từng dự án riêng biệt, vừa có cơ chế xét duyệt theo nhóm mô hình chung. Cơ chế phối hợp này sẽ giúp bảo đảm minh bạch, tối ưu hóa nguồn lực quản lý, đồng thời mở rộng cánh cửa tham gia sandbox cho nhiều doanh nghiệp hơn.