Đề án nước mạnh về CNTT-TT: Ngành CNPM & ND số cơ hội cùng thách thức
Thị trường nội dung số cho mạng điện thoại di động và mạng Internet ở Việt Nam đang phát triển mạnh. Các thiết bị cầm tay, đặc biệt là smartphone phát triển đã kích thích nhu cầu người tiêu dùng, từ đó mở rộng thị trường nội dung số nội địa cho ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam.
- Công nghiệp phần mềm Việt Nam – Vai trò của chính sách?
- Thị trường nội dung số: Doanh nghiệp thiếu lạc quan!
- 3 năm nhìn lại chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam
- Thị trường nội dung số: Doanh nghiệp thiếu lạc quan!
- 3 năm nhìn lại chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam
- Công nghiệp phần mềm Việt Nam – Vai trò của chính sách?
Mặc dù Luật Đầu tư của Việt Nam đã có chính sách ưu đãi cao nhất cho hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nội dung số, nhưng các chính sách này dường như chưa đủ hấp dẫn, bên cạnh đó việc triển khai các chính sách này nhiều khi còn khó khăn. Các chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi về giá thuê đất v.v... cũng thường gặp những cản trở khi thực thi.
Điều tra lao động việc làm năm 2011 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉ lệ lao động qua đào tạo trên cả nước khá thấp: với nam giới là 17,4%, nữ giới là 13,7%. Trong ngành nội dung số, lực lượng lao động nói chung tốt về chuyên môn, kỹ thuật nhưng thiếu kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tế, yếu về các kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, đặc biệt còn yếu về các kiến thức, kỹ năng mỹ thuật, nhạc họa…
Năng lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nội dung số còn yếu: Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đều có quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm, yếu về cả khả năng quản lý, quy trình sản suất lẫn tiếp thị bán hàng. Hầu hết các doanh nghiệp đều chưa có các chiến lược phát triển sản phẩm, chiến lược thị trường. Các doanh nghiệp lại thiếu sự liên kết nhằm tạo khả năng cạnh tranh, ít có sự hỗ trợ nhau trong hoạt động.
Vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đang là một rào cản không nhỏ. Việc số hóa các sản phẩm nội dung số truyền thống cũng gặp một số khó khăn về mặt bản quyền. Ở Việt Nam hiện có không nhiều các đơn vị, tổ chức đứng ra làm đầu mối cung cấp những nội dung có bản quyền như nhạc, phim, sách, truyện,… Trong khi đó, người cung cấp nội dung số khó có thể gặp từng nhạc sĩ, từng ca sĩ, từng tác giả sách để đàm phán về bản quyền nhằm số hóa và cung cấp các sản phẩm nội dung số cho khách hàng.
Lĩnh vực công nghiệp nội dung số có tốc độ phát triển rất nhanh, vòng đời công nghệ ngắn, cần chi phí đầu tư lớn cho việc đào tạo cập nhật công nghệ, marketing tìm kiếm mở rộng thị trường. Việc mở văn phòng đại diện ở một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản là rất đắt đỏ. Trong khi đó ngành nội dung số Việt Nam lại còn non trẻ, yếu vầ nguồn lực, thiếu về kinh nghiệm. Đó là những thách thức và mạo hiểm không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia thị trường quốc tế.
Thực trạng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nội dung số
Ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam hiện có khoảng hơn 3.883 đơn vị tham gia sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm nội dung số, thuộc các lĩnh vực khác nhau. Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đều mới thành lập hoặc mới tham gia hoạt động trong ngành này. Đây là ngành có số công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm tỷ trọng cao, tiếp đó là số lượng công ty cổ phần (không có vốn nhà nước). Điều này thể hiện vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong ngành công nghiệp này. Năng suất lao động trung bình toàn ngành nói trung đạt mức khá trong ngành công nghiệp CNTT.
Đối với thị trường trong nước, trong giai đoạn 2007 - 2012, Bộ TTTT đã triển khai nhiều hoạt động để từng bước xây dựng niềm tin người tiêu dùng về uy tín và chất lượng sản phẩm CNTT thương hiệu Việt, trong đó có các lĩnh vực nội dung số. Điển hình là Chương trình phát triển sản phẩm CNTT thương hiệu Việt (Vibrand). Chương trình Vibrand cũng là một hoạt động cụ thể nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị. Vibrand đã cung cấp một cái nhìn khách quan về sức phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm CNTT Việt Nam, giúp người tiêu dùng nhận thấy chất lượng, sự đa dạng và giá thành cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt. Đối với doanh nghiệp, Vibrand là cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng như với cơ quan quản lý, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm phát triển, quảng bá hình ảnh, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường. Vibrand đã cho thấy tiềm năng và sức phát triển của ngành CNTT Việt Nam là rất lớn, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, liên doanh với doanh nghiệp CNTT Việt Nam.
Đối với thị trường quốc tế, Bộ TTTT đã triển khai các hoạt động quảng bá về sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam thông qua các triển lãm, hội nghị tại một số thị trường trọng điểm tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản,... Hàng năm, Bộ TTTT cũng đã xuất bản các ấn phẩm, tài liệu quảng bá ngành CNTT-TT Việt Nam như Sách trắng về CNTT-TT, sách hướng dẫn đầu tư vào CNTT-TT,... và gửi tặng các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Hiện nay, có thể nói trong sản xuất sản phẩm CNTT, nội dung số là một lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự tham gia sản xuất khá tích cực. Tuy vậy, lĩnh vực trò chơi trực tuyến chưa có nhiều sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Phần lớn các trò chơi đang phát hành tại Việt Nam được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu và bán ra thị trường nội địa. Các lĩnh vực đạt doanh số đáng kể là phát triển nội dung trên mạng Internet và nội dung cho mạng di động. Tuy vậy, các sản phẩm này còn có quy mô nhỏ, chưa có tên tuổi và thương hiệu vững chắc trên thị trường nội địa, chưa kể khó có thể vươn ra thị trường quốc tế. Nhiều sản phẩm cũng mới chỉ yếu đáp ứng thị hiếu người dùng, chưa phản ánh rõ nét, chưa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Giải pháp phát triển ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam
- Phát triển nguồn nhân lực: Trước hết cần đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 1/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp theo, cần tăng cường đào tạo kiến thức mỹ thuật, hội họa, thiết kế giao diện, văn hóa xã hội tại các Khoa CNTT của các trường Đại học có đào tạo về CNTT. Nhà nước nên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, huấn luyện nâng cao kỹ năng sản xuất sản phẩm nội dung số cho nguồn nhân lực CNTT đang làm việc tại các doanh nghiệp CNTT. Ưu tiên chỉ tiêu học bổng và cử các sinh viên đi đào tạo tại nước ngoài theo định hướng phát triển các sản phẩm nội dung số.
- Phát triển, mở rộng thị trường: Tăng cường xúc tiến thương mại cho công nghiệp nội dung số, đặc biệt là các sản phẩm nội dung số thuần Việt. Đề nghị các tập đoàn viễn thông nhà nước như VNPT, Viettel ưu tiên sử dụng, khai thác các sản phẩm nội dung số mang bản sắc văn hóa Việt Nam trên mạng lưới viễn thông của mình. Xây dựng, biện soạn, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi để quảng bá cho công nghiệp nội dung số, đặc biệt là các sản phẩm nội dung số thuần Việt. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về công nghiệp nội dung số, đặc biệt là các sản phẩm nội dung số thuần Việt trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.
- Thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp nội dung số: Bộ TTTT xây dựng định mức phân chia lợi lợi nhuận giữa Content Provider và Telco để đảm bảo các Telco không ép buộc, lấn át các nhà cung cấp nội dung do sở hữu hạ tầng mạng. Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, hai bên cùng hưởng lợi ích tương xứng với công sức đóng góp vào doanh thu.
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư: Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, cả từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, vốn ODA để đầu tư phát triển công nghiệp nội dung số, đặc biệt là các sản phẩm nội dung số thuần Việt. Trong chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, ưu tiên cho các hoạt động xúc tiến đầu tư vào công nghiệp nội dung số, đặc biệt là các sản phẩm nội dung số thuần Việt. Tăng cường vai trò của Bộ TTTT trong chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. Các Ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các Ngân hàng Thương mại Nhà nước ưu tiên cho vay vốn đối với các dự án đầu tư phát triển các sản phẩm nội dung số thuần Việt. Đẩy mạnh các hoạt động thu hút của Việt kiều vào lĩnh vực công nghiệp công nghiệp nội dung số, đặc biệt là các sản phẩm nội dung số thuần Việt.
- Hoàn thiện khái niệm, định nghĩa về sản phẩm nội dung số : Khái niệm nội dung số được đề cập tại Điều 4, Luật Công nghệ thông tin 2006. Theo đó, công nghiệp nội dung số là một lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp công nghệ thông tin, bao gồm các hoạt động sản xuất và cung cấp sản phẩm nội dung thông tin số, tức các thông tin được tạo lập bằng phương pháp dùng tín hiệu số. Khái niệm sản phẩm, dịch vụ nội dung số được thể hiện rõ hơn trong Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật CNTT về công nghiệp công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, trên thực tế, phạm vi lĩnh vực nội dung số rất lớn dẫn đến các khái niệm hoạt động nội dung số chưa bao quát được hết. Trong các năm qua, Công ty GHP Far East đóng tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung đã gặp các khó khăn khi hoạt động “số hóa” chưa được làm rõ trong các văn bản quy phạm phá luật. Trong năm 2013, Công ty Esoftflow của Đan Mạch cũng gặp khó khăn, vướng mắc về dự án đầu tư của Công ty Esoftflow đối với hoạt động “nâng cấp hình ảnh số” các bất động sản. Cụ thể, Công ty Esoftflow nhận các bức ảnh dưới dạng thô mô tả các bất động sản ở Châu Âu và Bắc Mỹ, sau đó tiến hành chỉnh sửa, tô vẽ, trang trí lại bức ảnh để làm nổi bật các góc nhìn, các ưu điểm của bất động sản. Kết quả là có được các bức ảnh sống động hơn, cuốn hút hơn cho các bất động sản của khách hàng.
- Hoàn thiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp: Theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì các hoạt động “...sản xuất sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số; cung cấp các dịch vụ phần mềm” thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Theo quy định tại Nghị định 24/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì các hạot động sản xuất kinh doanh thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (trong đó có hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số) được hưởng ưu đãi cao nhất, gồm có: được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% trong vòng 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, được miễn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Việc có cac ưu đãi này đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nội dung số. Ví dụ như công ty Esoftflow nêu trên đã mở công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam vào năm 2007 và đã được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2007, trong đó, Giấy chứng nhận đầu tư ghi rỗ công ty được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% trong vòng 15 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, được miễn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì chỉ có lĩnh vực “sản xuất sản phẩm phần mềm” được hưởng mức ưu đãi thuế như trên. Lĩnh vực nội dung số không còn được hưởng các ưu đãi đầu tư như trong giai đoạn từ năm 2007 trở về trước như trước đây.
- Xây dựng và ban hành Thông tư phân loại hoạt động sản xuất phần mềm và nội dung số : Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng chính sách thuế trong lĩnh vực CNTT, Bộ TTTT nên xây dựng dự thảo Thông tư phân loại hoạt động sản xuất phần mềm và nội dung số trên cơ sở chi tiết hóa các quy định về sản xuất phần mềm và nội dung số trong Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật CNTT về công nghiệp CNTT. Việc xây dựng và ban hành Thông tư này sẽ đưa ra Danh mục các hoạt động sản xuất phần mềm và nội dung số rõ ràng hơn. Từ đó, góp phần giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số.
Sơn Tùng