6 tháng đầu năm 2025, có hơn 80.000 gian hàng rời bỏ sàn thương mại điện tử

11:50, 28/07/2025

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, có hơn 80.000 gian hàng rời bỏ sàn thương mại điện tử so với cùng kỳ, tức giảm hơn 55.000 shop so với nửa cuối năm 2024.

Theo Báo cáo thị trường bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2025 và dự báo quý 3-2025 do nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn công bố, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang ghi nhận những diễn biến trái chiều.

Tổng doanh số toàn ngành tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm, cho thấy nhu cầu tiêu dùng trực tuyến vẫn đang mở rộng. Tuy nhiên, số lượng shop có phát sinh đơn hàng đang sụt giảm mạnh, kéo theo làn sóng rút lui khỏi thị trường ở quy mô chưa từng có.

6 tháng đầu năm 2025, có hơn 80.000 gian hàng rời bỏ sàn thương mại điện tử- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Theo Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2025 của nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn, tổng doanh số toàn thị trường (phân tích trên 4 sàn: Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop) đạt 202.300 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng sản phẩm bán ra đạt 1.923 triệu đơn vị, tăng 25,4%. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ mùa cao điểm tiêu dùng gồm lễ hội, du lịch hè và nhu cầu hàng thiết yếu.

Đáng chú ý, tháng 5 và tháng 6 ghi nhận mức tăng trưởng đột biến, lần lượt 44,54% và 46,49% so với cùng kỳ năm 2024. Trước đó, tháng 4 cũng duy trì mức tăng ổn định 32,03%, cho thấy xu hướng tiêu dùng online vẫn trên đà mở rộng.

Về doanh thu theo sàn, TikTok Shop nổi bật với mức tăng trưởng lên tới 69%, qua đó nâng thị phần từ 29% lên 39%.

Dù vậy, Shopee vẫn là sàn dẫn đầu với 58% thị phần. Tuy nhiên, mức tăng trưởng doanh thu của Shopee chỉ đạt 16%, một con số khá khiêm tốn so với 63% của cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Lazada và Tiki đang hụt hơi rõ rệt. Doanh thu của Lazada giảm tới 48%, còn Tiki thậm chí lao dốc 63%, khiến thị phần của cả hai bị thu hẹp đáng kể. Theo các chuyên gia của Metric.vn, điều này cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ giữa các sàn và cuộc chơi thương mại điện tử ngày càng khắc nghiệt, chỉ dành cho những nền tảng đủ sức đổi mới nhanh và nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới.

Một điểm đáng lo ngại là số lượng nhà bán hàng phát sinh đơn hàng đang giảm mạnh. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, hơn 80.000 shop đã rời bỏ thị trường so với cùng kỳ 2024, giảm thêm 55.000 shop so với nửa cuối năm ngoái. Điều này phản ánh mức độ đào thải ngày càng khốc liệt, khi thị trường đang nghiêng về nhóm nhà bán lớn có năng lực duy trì đơn hàng ổn định.

Trong nửa đầu năm nay là sự trỗi dậy của nhóm hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt trên sàn Shopee. Với mức giá trung bình khoảng 45.625 đồng/sản phẩm, nhóm hàng này đang áp đảo trong phân khúc phổ thông nhờ lợi thế về giá thành cạnh tranh và mẫu mã phong phú.

Song song với sự lên ngôi của hàng nhập khẩu giá rẻ, thị trường cũng chứng kiến xu hướng rõ rệt: người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm nằm trong khung giá vừa túi tiền. Cụ thể, nhóm sản phẩm có giá từ 100.000 - 200.000 đồng hiện chiếm tới 26,3% thị phần doanh số, tăng đáng kể so với mức 24,2% cùng kỳ năm ngoái.

Xét theo ngành hàng, nhóm làm đẹp tiếp tục dẫn đầu với doanh số 35.762 tỷ đồng, theo sau là nhà cửa - đời sống (26.964 tỷ đồng) và thời trang nữ (26.694 tỷ đồng). Những ngành hàng này đều được thúc đẩy bởi xu hướng tiêu dùng cá nhân hóa và trải nghiệm trực tuyến ngày càng phát triển