Để “khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu”...

06:11, 22/12/2012

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS. Châu Văn Minh đã dành cho Cổng TTĐT Chính phủ cuộc trao đổi về những vấn đề mà ông đang trăn trở để đưa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.

Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS. Châu Văn Minh-Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thưa Giáo sư, ông nhận định như thế nào về hoạt động khoa học công nghệ hiện nay ở Việt Nam?

GS. Châu Văn Minh: Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI, đã phân tích rất đầy đủ, sâu sắc và sát thực tình hình hoạt động khoa học, công nghệ của đất nước, cả thành tựu lẫn những yếu kém, khó khăn, thách thức.

Riêng đối với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chúng tôi gặp một số khó khăn, thách thức như: thiếu hụt đội ngũ cán bộ nghiên cứu, nhất là các nhà khoa học đầu đàn; thiếu cán bộ trẻ, đủ năng lực thay thế các nhà khoa học nghỉ hưu; thu nhập của các nhà khoa học còn thấp...

Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm còn thiếu thốn, mới chỉ đáp ứng được một phần, nhìn chung là kém so với nhiều nước trong khu vực.

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có nhiều kết quả khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế, có thể triển khai ứng dụng nhưng thiếu cơ chế để doanh nghiệp đặt hàng, cùng đầu tư nhân lực và kinh phí cho công tác nghiên cứu, phát triển.

Kinh phí hoạt động của Viện còn thấp so với nhu cầu hoạt động của một Viện nghiên cứu quốc gia hàng đầu và so với khu vực và quốc tế.

Giải pháp khắc phục những yếu kém mà ông sẽ thực hiện đối với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong thời gian tới, thưa Giáo sư?

GS. Châu Văn Minh: Năm 2012, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện chương trình hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, thu hút cán bộ trẻ - giỏi và cán bộ có trình độ cao về công tác; đề xuất chính sách đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh; xây dựng tiêu chí và xác định các tập thể khoa học mạnh trong 7 lĩnh vực nghiên cứu cơ bản khoa học tự nhiên

Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành quản lý (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong việc đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ, nhằm tăng cường ứng dụng, đưa kết quả nghiên cứu vào thực tế.

Bản thân Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong phạm vi thẩm quyền của mình, sẽ tích cực đổi mới hệ thống quản lý khoa học công nghệ, quản lý tài chính phù hợp.

Thưa GS, hiện có không ít nghiên cứu, đề tài khoa học “nằm trong tủ” mà không đi vào cuộc sống là khá nhiều và đối với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì tình trạng này như thế nào?

GS. Châu Văn Minh: Trước hết phải phân biệt các loại hình khoa học, công nghệ để đánh giá.

Đối với lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, đó là các phát hiện mới, bổ sung cho kho tàng tri thức khoa học của nhân loại, là gốc rễ, nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền khoa học công nghệ quốc gia. Nghiên cứu cơ bản cũng là yếu tố quan trọng trong việc đào tạo cán bộ trình độ cao, để nắm bắt và làm chủ được khoa học công nghệ hiện đại. Hay những nghiên cứu trong lĩnh vực điều tra cơ bản, sản phẩm là những bộ dữ liệu, tạo nền tảng thông tin khoa học không thể thiếu cho các quyết định chính sách, quy hoạch, an ninh quốc phòng... khó nhìn thấy ngay hiệu quả trực tiếp.

Đối với những đề tài mang tính công nghệ, ứng dụng, bản chất của nó là các khâu hay quy trình công nghệ được thử nghiệm ở quy mô nghiên cứu. Có đề tài thành công, có đề tài thất bại, điều này chúng ta phải chấp nhận. Việc ứng dụng được hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, việc nói rằng phần lớn các đề tài nghiên cứu nằm trong tủ theo tôi là chưa hoàn toàn chuẩn xác.

Tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có nhiều đề tài khoa học đã được áp dụng vào cuộc sống mang lại hiệu quả lớn về kinh tế xã hội, có nhiều đề tài được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, nhưng chưa được thực tế áp dụng vì do nhiều nguyên nhân, và chúng tôi không quan niệm đề tài đó là nằm trong tủ.

Một thực trạng hiện nay là không ít nhà quản lý đi làm nghiên cứu sinh tiến sỹ, nhưng sau khi bảo vệ xong luận án thì không có thêm một công trình nghiên cứu khoa học nào. Theo ông, cần phải giải quyết thực trạng này ra sao?

GS. Châu Văn Minh: Theo tôi cần phân biệt các khái niệm nhà quản lý, nhà khoa học, nhà khoa học làm quản lý.

Phần đông các nhà khoa học Việt Nam, mặc dù còn khó khăn, nhưng vẫn hăng say với nghề nghiệp của mình. Không ít các cán bộ khoa học làm quản lý tiếp tục có nhiều đóng góp cho khoa học thông qua kinh nghiệm, kiến thức, đào tạo cán bộ của họ.

Một số cán bộ do yêu cầu công việc, tập trung công tác quản lý, không có điều kiện tiếp tục làm khoa học, cũng là điều bình thường và chiếm tỷ lệ thấp. Số cán bộ làm khoa học chỉ để lấy bằng cấp là có thực, nhưng theo tôi chỉ là cá biệt. Vì vậy, việc đánh giá cần khách quan hơn, đúng đối tượng.

Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng không ít người làm khoa học không còn đam mê và nhiệt huyết cống hiến như các thế hệ trước đây, thay vào đó là tìm đề tài, dự án với nguồn thu nhập không nhỏ?

GS. Châu Văn Minh: Tôi cho rằng, đa số các nhà khoa học Việt Nam đều đam mê, tâm huyết với nghề nghiệp, kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước. Bản chất của khoa học là sự say mê, sáng tạo, nếu không họ đã không lựa chọn con đường này.

Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường làm việc còn nhiều khó khăn, thu nhập thực tế của cán bộ làm khoa học còn thấp so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội, một số các nhà khoa học phải tìm cách mưu sinh bằng nhiều cách khác nhau cũng là một thực tế.

Việc các nhà khoa học tìm đề tài, dự án để thực hiện, trong đó có nguồn thu nhập chính đáng của mình là điều cần khuyến khích. Càng nhiều nhà khoa học say sưa tìm kiếm đề tài, dự án, say sưa sáng tạo và sống được trên chính mồ hôi, sức lao động sáng tạo của mình thì khoa học mới phát triển được.

Điều trăn trở lớn nhất của ông đối với sự phát triển của khoa học, công nghệ nước ta hiện nay là gì?

GS. Châu Văn Minh: Để “khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu”, điều trăn trở lớn nhất của tôi là cần xây dựng lực lượng cán bộ khoa công nghệ đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Nhưng rất nhiều bạn trẻ đang ưu tiên lựa chọn đi vào các ngành nghề có điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ tốt hơn làm nghiên cứu khoa học. Do đó, trước mắt đề nghị Đảng và Nhà nước ban hành những chính sách phù hợp để tạo môi trường và điều kiện làm việc để các cán bộ làm khoa học yên tâm đóng góp trí tuệ cho khoa học nước nhà.

Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!

Theo baodientu.chinhphu.vn
TIN LIÊN QUAN