Đề xuất cho phép giao dịch tiền điện tử trong trung tâm tài chính
Bộ KH&ĐT đề xuất thử nghiệm có kiểm soát sandbox trong lĩnh vực fintech, bao gồm cả tiền mã hóa, tại các trung tâm tài chính.
Giao dịch tiền điện tử tại trung tâm tài chính từ ngày 1/7/2026
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lấy ý kiến, đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).
Theo đề xuất, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính sẽ có thẩm quyền cấp phép, giám sát, đánh giá tác động và quản trị rủi ro liên quan đến sandbox trong hoạt động fintech. Quá trình thử nghiệm bao gồm cả sàn giao dịch tài sản số, tiền mã hóa.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết các biện pháp phòng, chống rửa tiền, kiểm tra và chứng nhận bảo mật, an ninh mạng đối với tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ liên quan. Việc quản lý, phát hành, sở hữu và giao dịch token tiện ích, cũng như hoạt động "đào" tiền mã hóa sẽ thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm hạn chế rủi ro liên quan đến an ninh năng lượng và môi trường.
Các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa tại trung tâm tài chính dự kiến được triển khai từ ngày 1/7/2026. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này, tập trung vào 5 nhóm nội dung: phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa; cơ chế quản lý hoạt động giao dịch tài sản số; biện pháp kiểm soát hoạt động "đào" tài sản mã hóa; phương thức quản lý, xử lý việc phát hành, sở hữu và giao dịch token tiện ích.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết này tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm nay.
Bộ KH&ĐT đề xuất thử nghiệm có kiểm soát sandbox trong lĩnh vực fintech, bao gồm cả tiền mã hóa, tại các trung tâm tài chính.
Doanh nghiệp được phép đề xuất mô hình kinh doanh và giải pháp
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý về hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo VCCI, dự thảo về sandbox đối với fintech hiện đang hướng tới việc giao Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa, token tiện ích…
Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể khiến Chính phủ gặp khó khăn trong việc ban hành văn bản hướng dẫn, do các vấn đề liên quan đến tài sản mã hóa liên tục thay đổi và khó quy phạm hóa. Do đó, VCCI đề xuất điều chỉnh phương pháp tiếp cận, theo đó, doanh nghiệp sẽ chủ động đề xuất giải pháp để đáp ứng các yêu cầu quản lý của Nhà nước.
Nhà nước cần đặt ra các mục tiêu quản lý quan trọng như bảo vệ quyền sở hữu, phòng chống lừa đảo, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, phòng chống rửa tiền, cũng như an ninh năng lượng và môi trường. Các doanh nghiệp fintech khi xin phép hoạt động sẽ phải trình bày mô hình kinh doanh cùng với giải pháp đảm bảo đáp ứng các yêu cầu này.
Cơ quan nhà nước sẽ xem xét, đánh giá và thẩm định các giải pháp trước khi cấp phép. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đúng cam kết, đồng thời báo cáo và chịu sự giám sát thường xuyên. Sau một thời gian thử nghiệm, nếu giải pháp của doanh nghiệp chứng minh được tính hiệu quả, Nhà nước sẽ chính thức đưa vào quy phạm quản lý.