Đề xuất hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông, mầm non tại các trường dân lập

08:32, 12/04/2025

Mức hỗ trợ học phí tối đa bằng mức trần học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương theo từng năm học.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú vừa chủ trì Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh trung học cơ sở (THCS), học sinh trung học phổ thông (THPT) và không phải đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập.

Theo dự thảo Nghị quyết, ngân sách Nhà nước hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại: Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; cơ sở giáo dục thường xuyên công lập; cơ sở giáo dục công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về hỗ trợ học phí đối với học sinh tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Mức hỗ trợ học phí tối đa bằng mức trần học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương theo từng năm học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất áp dụng quy định trên từ năm học 2025 - 2026.

Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị quyết. Ảnh: HM

Như vậy, sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để đảm bảo thực thi chính sách thống nhất, công bằng đối với người học theo Kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594-CV/VPTW ngày 1/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh THPT trong hệ thống trường công lập, các đối tượng khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu thống kê năm học 2023 - 2024, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh, trong đó có 4,8 triệu trẻ em mầm non, 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS, 2,99 triệu học sinh THPT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ theo mức học phí tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ước tính tổng nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là trên dưới 30 nghìn tỷ đồng.

Tổng ngân sách Nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh THCS từ năm học 2025 - 2026 là 22,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, số ngân sách Nhà nước tăng thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8,2 nghìn tỷ đồng.

Tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Quý, đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng đây là Nghị quyết quan trọng, cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung đối tượng là trẻ em mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non thuộc Bộ Quốc phòng vào đối tượng được miễn học phí như đối tượng trẻ em mầm non trong các cơ sở giáo dục công lập để không bị bỏ sót đối tượng trong quá trình thực hiện chính sách…

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại phạm vi điều chỉnh để phù hợp với Thông báo 13594 của Bộ Chính trị; đề nghị bỏ nội dung “học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí”. Trường hợp Bộ giáo dục và Đào tạo muốn để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, có thể đưa vào điều khoản thi hành và khẳng định thực hiện theo Khoản 3, Điều 99 Luật Giáo dục.

Đối với các chính sách về hỗ trợ học phí, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc phương án phù hợp, khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật; rà soát lại ngôn ngữ, kỹ thuật để đảm bảo đúng quy định; đề nghị giải trình thêm ý kiến của Bộ Quốc phòng; làm việc với Bộ Tài chính để đánh giá lại số liệu…

Đề xuất hỗ trợ học phí đối với học sinh tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đang thu hút sự quan tâm lớn của người dân.

Có con đang theo học lớp 11 tại Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy), chị Trần Thanh Tuyền mong muốn khi Nhà nước hỗ trợ học phí không phân biệt học sinh theo học tại cơ sở giáo dục công lập hay dân lập. Thực tế tại Hà Nội, nhiều cháu học trường THPT dân lập vì không thi đỗ trường công lập, khi học trường dân lập chi phí sẽ nhiều hơn, nên việc hỗ trợ cho cả các cơ sở giáo dục công lập và dân lập thật sự rất ý nghĩa vì học sinh học trường dân lập không cảm thấy bị phân biệt và giúp giảm gánh nặng chi phí cho các phụ huynh...