Đề xuất nhiều giải pháp KH&CN ứng phó hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Biến đổi khí hậu, tình trạng hạn, xâm nhập mặn, sạt lở đang diễn ra ngày càng khốc liệt tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đòi hỏi các giải pháp khoa học công nghệ ứng phó linh hoạt, hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HG
Ngày 14/6, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá, trong thời gian qua, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều giải pháp về KH&CN ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu được tổ chức triển khai. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã ngày càng gắn với thực tiễn sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương và cả vùng...
Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, KHCN và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và cần làm quyết liệt, thực chất hơn nữa để thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương và cả vùng.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt hy vọng các nhà quản lý, các nhà khoa học, địa phương, doanh nghiệp cùng thảo luận để tìm ra các giải pháp hiệu quả ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình trạng hạn, xâm nhập mặn, sạt lở đang diễn ra ngày càng khốc liệt tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL…
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, vùng ĐBSCL, trong đó có Bến Tre đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (triều cường, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, sạt lở bờ sông...), giá cả và thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản thiếu ổn định...
"Bến Tre luôn mong muốn được hợp tác với Bộ KH&CN cũng như các tỉnh bạn về lĩnh vực KH&CN nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và phát huy lợi thế của vùng ĐBSCL để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, góp phần phát triển sự nghiệp KH&CN, phát triển kinh tế đất nước", ông Trần Ngọc Tam nói.
Bộ KH&CN và UBND tỉnh Bến Tre ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024-2030 - Ảnh: VGP/HG
Ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường
Tại Hội nghị, các nhà khoa học cho rằng, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai liên quan đến nước ngày càng khốc liệt hơn, gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế-xã hội và hệ sinh thái, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn.
Trong tương lai dài hạn, cần tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho ĐSBCL. Với tốc độ phát triển nhanh hiện nay, thời gian để triển khai các giải pháp ứng phó không còn nhiều, do đó cần làm ngay.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, trên cơ sở sản phẩm của đề tài do Bộ KH&CN cấp kinh phí và UBND tỉnh Bến Tre cấp kinh phí đối ứng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã chuyển giao cho tỉnh Bến Tre một hệ thống xử lý nước mặn công suất 50 m3/ngày đêm và sẽ chuyển giao cho tỉnh Bến Tre một hệ thống xử lý nước nhiễm mặn 500 m3/ngày đêm vào cuối năm 2024.
Hiện nay có một số công nghệ nhằm ứng phó với hạn hán, nhiễm mặn tại ĐBSCL như: Sử dụng hạt polyme siêu hấp thụ nước; chế tạo túi cao su mềm để lưu giữ nước ngọt; xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO); máy cấp nước từ không khí.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ đề xuất trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai các công nghệ ứng phó với hạn hán, nhiễm mặn như: Triển khai công nghệ trồng lúa tiết kiệm nước bằng công nghệ tưới khô ướt kết hợp; triển khai xây dựng đập cao su để trữ nước ngọt, ngăn nhiễm mặn; nghiên cứu triển khai công nghệ xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ chưng cất sử dụng năng lượng mặt trời, nghiên cứu triển khai xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ chưng cất tận dụng nhiệt lò đốt rác …
Đề cập tình trạng xâm nhập mặn càng trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt hầu khắp các tỉnh thành ĐBSCL, các nhà khoa học Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, thực tế đó đã và đang đặt ra bài toán lớn về nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt cần được giải quyết căn cơ, trong đó giải quyết bài toán nước cho tưới tiêu cây giống của người dân tại ĐBSCL là vấn đề cấp bách.
Một giải pháp hợp lý và kịp thời để giải quyết nhu cầu cấp bách về nước ngọt cho người dân là ứng dụng công nghệ khử mặn hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường từ các nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí thấp và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội khu vực ĐBSCL.
Trong các công nghệ khử mặn hiện nay, khử mặn theo công nghệ hấp phụ điện hóa (MCDI) đáp ứng được các yêu cầu trên do sử dụng công nghệ đơn giản, chi phí thấp và tiêu hao năng lượng thấp.
Bên cạnh đó, thiết bị khử mặn MCDI hoạt động theo nguyên lý hấp phụ điện hoá trên nền vật liệu carbon xốp nên nguồn nguyên liệu sinh khối vốn có trữ lượng dồi dào tại các tỉnh ĐBSCL có thể được tận dụng và tạo ra lợi thế về giá thành sản xuất so với các công nghệ truyền thống và có nguồn gốc nhập khẩu như công nghệ màng thẩm thấu ngược...
Ngoài ra, việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN mới vào xử lý các phế thải từ nông nghiệp thành vật liệu carbon sinh khối cho những ứng dụng trong công nghệ khử mặn hiện đại có giá trị cao sẽ nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Do đó, các nhà khoa học Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất giải pháp chuyển hóa phụ phẩm nông nghiệp thành carbon xốp làm điện cực cho thiết bị khử mặn nước tưới tiêu tại ĐBSCL nhằm góp phần ứng phó hạn mặn bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chuỗi giá trị nông sản và đóng góp vào công tác cố định carbon thông qua quá trình chuyển hóa sinh.
Công bố chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho 7 số sản phẩm chủ lực của tỉnh - Ảnh: VGP/HG
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ KH&CN và UBND tỉnh Bến Tre đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024-2030.
Theo đó, Bộ KH&CN sẽ hỗ tỉnh Bến Tre triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương như: Xử lý nước mặn; giải pháp thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở dữ liệu đất nông nghiệp; tạo sản phẩm mới từ dừa; xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp; công nghệ bảo quản nông sản; công nghệ thông minh giám sát trực tuyến vùng sản xuất nông nghiệp; công nghệ sản xuất sản phẩm tái chế không gia nhiệt từ rác thải nhựa; phục dựng, lưu giữ bộ xương cá voi...
Tại Hội nghị, Cục Sở hữu trí tuệ cũng phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bến Tre công bố tạo lập, bảo hộ xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho 7 sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre, bao gồm: Sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý, cua biển, chôm chôm, gạo và nghêu.
Theo Báo điện tử Chính phủ