Đề xuất thành lập trung tâm hỗ trợ thí nghiệm để phát triển vi mạch tại Việt Nam
Tại Hội thảo quốc tế về thiết kế và sản xuất vi mạch, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, tiềm năng và dư địa để phát triển ngành công nghiệp vi mạch ở Việt Nam là vô cùng lớn.
Trong 2 ngày 14 - 15.11, Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về thiết kế và sản xuất vi mạch (WEFAB 2022).
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, cho biết "tiềm năng và dư địa để phát triển ngành công nghiệp vi mạch ở Việt Nam là vô cùng lớn". Hiện Việt Nam đứng thứ 9 toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Trong 8 tháng đầu năm, điện thoại và linh kiện điện tử có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 39,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại sự kiện.
Tại Việt Nam ngành thiết kế và chế tạo vi mạch đang trở thành ngành công nghệ hấp dẫn, thu hút nguồn vốn FDI của một số tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới như Samsung, Amkor Technology Inc, Hana Micron (Hàn Quốc); Intel, Synopsys, Qorvo (Mỹ)...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức với cộng đồng vi mạch ở Việt Nam. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp thảo luận, đề xuất hoàn thiện chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam phát triển.
Theo Giám đốc Qorvo Trịnh Khắc Huề, nhiều công ty lớn mong muốn thiết lập nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, ở đó mô hình cần sự kết hợp trường đại học và các công ty. Để phát triển đòi hỏi cần có các trung tâm hỗ trợ, ở đó các startup có nguồn lực chung để phát triển như được phân tích các lỗi sai, thực hiện thí nghiệm. Đồng thời, cần có một đầu mối tập trung để tạo lập cộng đồng.
Các chuyên gia đề xuất thành lập trung tâm hỗ trợ thí nghiệm để phát triển vi mạch tại Việt Nam.
Qua nghiên cứu và khảo sát, TS. Trần Phú Duy, Đại học Nam Australia cho biết, Việt Nam có tới 7 khu vực phù hợp trong triển khai cơ sở sản xuất điện tử, vi điện tử. Các quốc gia mạnh về vi mạch như Đức cũng có liên minh, liên hiệp các cơ sở nghiên cứu để kết nối khi cần. Do đó, Việt Nam có thể lựa chọn công nghệ cảm biến vi mạch phù hợp với điều kiện tùy thuộc ngân sách, tận dụng các nguồn lực hiện có và các khoản đầu tư trước đây nhằm nâng cấp các mức độ sẵn sàng liên quan đến công nghệ cho nghiên cứu ứng dụng, tập trung ngân sách cho phát triển công nghệ lõi. Các trường đại học đào tạo về thiết kế vi mạch, chip, y sinh sẽ cung cấp nguồn nhân lực.
PGS Mai Anh Tuấn, trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội cũng đề xuất xây dựng liên minh Vietnam IC Alliance (VICA) với sự phối hợp liên ngành từ trường đại học kỹ thuật, liên hiệp khu công nghệ cao và ngành công nghiệp. Ở đó, vai trò các High-Tech Parks giúp hỗ trợ đánh giá kiểm chuẩn IC, điều kiện phù hợp, trong khi các trường đào tạo sinh viên, nghiên cứu mang tính dẫn hướng, các viện ứng dụng hướng dẫn thực hiện.
Khôi Nguyên (T/h)