Việt Nam đừng nên lỡ chuyến tàu của nền sản xuất vi mạch toàn cầu

14:26, 25/10/2020

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm thay đổi và sẽ sắp xếp lại nền sản xuất công nghiệp toàn cầu. Những nhà xuất khẩu trong chuỗi cung ứng sẽ phải tính toán, giảm bớt hoạt động của họ tại Trung Quốc và tìm những quốc gia khác thay thế.

Ba quốc gia đông dân nhất ASEAN, với tổng dân số trên 90 triệu, bao gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để đón nhận làn sóng đầu tư này. Ba quốc gia phải ganh đua để thu hút đầu tư công nghiệp và thu hút nguồn nhân lực. Tính tới nay, so với hai nước bạn, Việt Nam chúng ta có nhiều lợi thế từ những bài học thành công.

SamSung, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất toàn cầu, đã đầu tư trên 17,3 tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam. Năm 2019 Samsung mang lại doanh số xuất khẩu 59 tỉ USD, tương đương 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hai cụm nhà máy của SamSung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, nằm ngoài Hà Nội giống như những thành phố vệ tinh nằm vắt qua sông Hồng. Với cơ sở vật chất khổng lồ, Samsung Việt Nam giờ đây thu hút gần 150 nghìn lao động từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Năm 2019, Việt Nam đã thu hút 38 tỉ đô la Mỹ từ nguồn FDI trong khi Indonesia với dân số gần gấp ba, đứng thứ hai với việc thu hút trên 32 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp.

 Sharp quyết định chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam (Nguồn: vir.com.vn)

Sharp – một công ty Nhật Bản đã quyết định chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc về Bình Dương, Việt Nam, và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020. Ngày 12/8/2019, Hon Hai, một trong những nhà sản xuất bán dẫn và dịch vụ sản xuất điện tử lớn nhất thế giới đã thông báo, do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, hãng sẽ mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ.

Có thể thấy, khi làn sóng dịch chuyển công nghiệp từ Trung Quốc trở thành hiện thực, chúng ta có nhiều lợi thế hơn những quốc gia láng giềng.

Mức độ sẵn sàng của lực lượng lao động

Việt Nam sở hữu hàng triệu lao động trẻ, đang ngày đêm lao động tại các khu công nghiệp ở ba miền đất nước. Ngoài ra, còn có hàng trăm ngàn lao động với tay nghề cao ở các công ty tại hải ngoại, nơi có nền công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.  Lực lượng lao động này có thể hồi hương khi công việc tại Việt Nam phù hợp với năng lực và thu nhập ổn định và nhất là không phải xa quê hương như hiện nay.

Đào tạo ngành công nghệ bán dẫn tại các trường đại học Việt Nam (Ảnh: Tùy Phong)

Trải qua hơn 30 năm cải cách kinh tế, hiện nay ý thức sản xuất của người lao động Việt Nam đã được cải tiến rõ rệt. Mặc dù vậy lực lượng lao động của chúng ta cần phải thay đổi nhanh chóng để phù hợp với yêu cầu phát triển của nền công nghiệp. Mỗi năm chúng ta có trên 100 nghìn kỹ sư tốt nghiệp. Con số này còn kém xa với yêu cầu nhân lực trình độ trung và cao cấp mỗi năm và dự kiến ngày càng thiết hụt trong 5 năm tới đây. Bên cạnh giáo dục đại học và sau đại học, chúng ta cũng cần phải chú trọng vào việc đào tạo nghề và thực tập sinh dựa trên những yêu cầu của công nghiệp.

Cởi mở hơn trong hạng mục đầu tư

Việt Nam ngày càng cởi mở hơn trong các hạng mục đầu tư. Tại Indonesia, một trong những quốc gia có khả năng thu hút FDI tương đương Việt Nam, có tới hơn 350 doanh nghiệp ở 16 ngành được Chính phủ nước này liệt vào danh sách đầu tư giới hoặc bị cấm. Ở Việt Nam, hiện nay, chỉ tập trung danh mục đầu tư giới hạn ở 14 lĩnh vực. Nền công nghiệp vi mạch, công nghệ cao, cơ khí chính xác, vật liệu mới còn được Chính phủ đưa vào danh mục các ngành công nghiệp và sản phẩm công nghiệp khuyến khích phát triển với nhiều ưu đãi đầu tư.

Sự ổn định về hệ thống chính trị và pháp lý

Những Tập đoàn đa quốc gia cảm thấy yên tâm hơn khi hoạt động tại các thị trường tôn trọng sự tôn nghiêm của hợp đồng, có hệ thống pháp lý minh bạch và có nền chính trị ổn định. Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện tốt những cam kết với nhà đầu tư, luôn lắng nghe và thay đổi cách phục vụ, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi. Rõ ràng, việc xóa bỏ những thủ tục không cần thiết sẽ tạo ra một sự khác biệt đáng kể để mở rộng kinh doanh.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã lắng nghe nguyện vọng của các nhà đầu tư, trên cơ sở đó điều chỉnh, cải thiện hệ thống hành chính theo hướng phục vụ, đơn giản hóa các thủ tục có thể để Doanh nghiệp FDI nhanh chóng bắt tay vào sản xuất.

Sự chuyển mình của công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ được đánh giá là một trong những gót chân “Achilles” của nền công nghiệp điện tử Việt Nam. Nay, mọi thứ đang tốt dần lên khi Chính phủ dành hẳn một chương trình hỗ trợ cho nền công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp trong nước dần bắt kịp với chuỗi cung ứng.

JK Việt Nam, một trong những Doanh nghiệp của Công nghiệp hỗ trợ sản xuất các chi tiết cơ khí chính xác (Ảnh: Tùy Phong)

Tháng 4/2018, Chính Phủ Hàn Quốc, Chính Phủ Việt Nam thông qua Bộ Công thương và Công ty Samsung Việt Nam đã triển khai lớp các đào tạo tư vấn viên công nghiệp để hiện thực hóa điều này.

Cũng như các ngành công nghiệp khác, ngành sản xuất vi mạch không thể hành động một mình (Ảnh:Tùy Phong).

Chương trình hỗ trợ khuôn mẫu, tự động hóa của Samsung Việt Nam cũng nhằm cùng một mục đích đó. Ngành công nghệ phụ trợ cho công nghiệp bán dẫn, vi mạch như khí, chân không, hóa chất và khoa học vật liệu giờ đây đã hiện hữu và sẵn sàng phục vụ.

Tinh thần vượt khó của người Việt Nam

Một điều diệu kỳ để tin rằng chúng ta có nhiều lợi thế trong cuộc đua này, đó là tinh thần chịu khó, chịu học hỏi và tính cần cù lao động của người Việt, không chỉ trong thời chiến mà còn nổi bật trong thời kỳ Đổi mới. Trong vòng 30 năm cải cách kinh tế, GDP đã không ngừng tăng một cách bền vững từ 36,65 tỷ USD (1987) lên gần 240 tỷ USD (2017). Thế hệ trẻ Việt Nam sẵn sàng gạt những đau thương chiến tranh sang một bên, tập trung vào phát triển kinh tế, phát triển tri thức, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước, khu vực và thế giới.

Hãy chuẩn bị kỹ càng, hành động triệt để khi cơ hội đến (Ảnh: Tùy Phong)

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung còn tiếp diễn, và theo như phân tích của một nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, cuộc chiến này còn có thể kéo dài vài chục năm, thì Việt Nam, với những lợi thế so với các nước láng giềng, cần phải cân nhắc, đưa ra những quyết định, quyết sách kịp thời và phù hợp để hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Nếu không, cơ hội lịch sử này sẽ bị lãng phí và hàng triệu việc làm trong sản xuất công nghiệp, trong đó có sản xuất IC sẽ bị chuyển sang những quốc gia láng giềng.

Theo https://vnautomate.ne