Việt Nam thúc đẩy phát triển đô thị thông minh
Là nước đi sau về xây dựng đô thị thông minh, Việt Nam vừa có cơ hội học hỏi, chắt lọc kinh nghiệm của thế giới, nhưng cũng là áp lực để không tụt lại trong xu hướng này.
Theo VTV, khu vực đô thị hiện đóng góp tới 70% GDP cả nước, nhưng vẫn cần được vận hành tối ưu, thông minh hơn và sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn. Do vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm được xác định là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số".
Mục tiêu của Nghị quyết 52 đã đề ra là đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm: phía Bắc, phía Nam và miền Trung; đến năm 2030, hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại 3 khu vực kinh tế trọng điểm và từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh khu vực và trên thế giới; tầm nhìn đến 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.
Là nước đi sau về xây dựng đô thị thông minh, Việt Nam có cơ hội học hỏi, chắt lọc kinh nghiệm của thế giới.
Hiện Việt Nam có khoảng 30 địa phương đang xây dựng thành phố thông minh. Các đô thị này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực cơ bản như: giáo dục thông minh; y tế thông minh; giao thông thông minh; dịch vụ công thông minh, hành chính công và chính quyền điện tử; du lịch thông minh; để làm được điều đó cần phải xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu mở.
Giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng, được xác định là "bứt phá" với tốc độ tăng trưởng GDP dự tính phải đạt 7 - 7,5%. Trong đó, kinh tế đô thị được xác định là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Thanh Tùng (T/h)