Quảng Ninh: Xây dựng đô thị thông minh trong cách mạng công nghệ 4.0

14:35, 18/08/2020

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, với nhiều đột phá về cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính.

Trung tâm Điều hành thành phố Móng Cái hiện đại, cập nhật thông tin

Tỉnh Quảng Ninh xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc ứng dụng đô thị thông minh đem lại hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý đô thị. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh tập trung nghiên cứu xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh theo hướng tăng trưởng bền vững, khai thác hiệu quả các sản phẩm của Đề án chính quyền điện tử và Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành

Đề án mô hình thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2016, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng phát triển kho tích hợp dữ liệu dùng chung trong tất cả các lĩnh vực; hình thành công cụ quản lý tất cả trong một nền tảng, các tiện ích cho người dùng. Qua đó, thúc đẩy đổi mới, thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch... Đề án hoạch định ra các giai đoạn hình thành, phát triển, xây dựng các dự án thành phần.

Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh tập trung xây dựng 32 nhiệm vụ, dự án, hình thành hệ thống trung tâm điều hành, cơ sở hạ tầng, nguồn lực cho thành phố thông minh. Phấn đấu đến cuối năm 2020, xây dựng thành phố Hạ Long cơ bản trở thành thành phố thông minh; đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành thành phố thông minh, hiện đại trong các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN.

Tháng 4/2019, xuất phát từ đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC đề xuất và giới thiệu demo Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh. Ngày 28/8/2019, Trung tâm Điều hành thành phố thông minh (đặt tại trụ sở UBND tỉnh, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long) vận hành hoạt động thử nghiệm để lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, đơn vị sử dụng và nhân dân, tiếp tục phát triển hoàn thiện.

Trung tâm có quy mô tích hợp đồng bộ nhất hiện nay tại Việt Nam, tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có, toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Ninh.

Trung tâm sẽ cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để người điều hành ra những quyết định sáng suốt, kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp…

Tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường… bằng thao tác bấm nút đơn giản trên thiết bị di động. Tính ưu việt của Trung tâm có thể theo dõi tất cả các vấn đề thông qua hệ thống camera và cảm biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…

Khi có sự cố hay cảnh báo, có thể quan sát từng camera kết nối trên bản đồ số. Các thông tin sẽ được tập hợp, phân tích vào các hoạt động quản lý từ một đầu mối điều hành duy nhất. Qua đó, có thể dự báo các vấn đề xảy ra, phản ứng trước các tình huống.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh là mô hình thể hiện sự tiên tiến, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn yêu cầu trong đổi mới quản lý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh là sẽ quyết tâm cao nhất để hoàn thành Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh. Đây là việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế đổi mới, phát triển của tỉnh và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các đơn vị quán triệt chỉ đạo của tỉnh về việc xây dựng thành phố thông minh đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, đơn vị và người dân để chuyển đổi nhận thức, chủ động làm quen với công nghệ sử dụng mô hình thành phố thông minh. Trong quá trình sử dụng, phát hiện, phản hồi thông tin, ý kiến để hiệu đính, hoàn thiện hệ thống. Thường xuyên đôn đốc các Sở, ban, ngành, địa phương, nhân dân cung cấp, tổng hợp dữ liệu dùng chung để phục vụ vận hành hiệu quả Trung tâm.

Tháng 3/2020, tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND về phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến 2025, Quảng Ninh có 4 đô thị thông minh tại 4 thành phố; đến năm 2030, các địa phương còn lại đạt được các tiêu chí của đô thị thông minh, tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý đô thị, chiếu sáng, giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, lưới điện, hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, dữ liệu về xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS tại tối thiểu 4 thành phố trên địa bàn, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân.

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư, thực hiện 16 dự án, nhiệm vụ: Đề án chính quyền số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đến năm 2020; Đề án xây dựng trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh; triển khai Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025; hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh; Đề án nhân rộng mô hình thành phố thông minh tại Uông Bí giai đoạn 2018 - 2022, tại Cẩm Phả giai đoạn 2018 - 2025, tại Móng Cái giai đoạn 2020 - 2025.

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đô thị thông minh cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức và người dân; hệ thống wifi công cộng trên địa bàn. Tỉnh Quảng Ninh huy động, kêu gọi đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ đô thị thông minh, phát triển đô thị thông minh: Khu đô thị mới có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ứng dụng công nghệ đô thị thông minh; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh và các dự án hạ tầng đồng bộ...

Địa phương cấp huyện đầu tiên cả nước kết nối với Chính phủ

Ngày 25/2/2020, thành phố Móng Cái phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Móng Cái. Đây là địa phương đi đầu trong 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh khai trương, vận hành thí điểm mô hình Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm.

Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Móng Cái thực hiện 8 hợp phần bao gồm: Hệ thống cảnh báo; chỉ đạo điều hành và tương tác nội bộ; họp thông minh; văn bản đi, đến; lịch làm việc; ý kiến người dân; hành chính công Móng Cái; báo chí và mạng xã hội; đọc văn bản; giám sát dịch Covid-19 và công tác phòng chống; dự án thành phần, hệ thống camera giám sát tại các nút giao thông, khu vực trọng điểm trên địa bàn…

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái, thành phố Móng Cái xây dựng phòng điều hành vật lý, là địa phương đầu tiên trong tỉnh và thứ 2 cả nước vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến, ngày 19/8/2020, thành phố Móng Cái sẽ kết nối với Trung tâm thông tin - điều hành Chính phủ, Trung tâm điều hành tỉnh Quảng Ninh. Các điều kiện phục vụ việc kết nối: Cơ sở dữ liệu, thiết bị ngoại vi, đường truyền, hệ thống trực tuyến để tương tác với Thủ tướng Chính phủ đã sẵn sàng.

Thành phố Móng Cái là đơn vị cấp huyện đầu tiên cả nước kết nối Trung tâm thông tin - điều hành của Chính phủ. Thành phố Móng Cái đã thành lập tổ công tác trực, vận hành tại trung tâm với 18 nhiệm vụ, theo mô hình thống nhất các nhiệm vụ giữa chính quyền điện tử, Trung tâm Hành chính công và Trung tâm điều hành - thành phố thông minh đảm bảo tập trung, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến nay, thành phố Móng Cái triển khai, vận hành thử nghiệm 22 tính năng, hợp phần của thành phố thông minh, trong đó có 10 tính năng dành cho công chức (của App IOC) và 12 tính năng, hợp phần dành cho công dân (app Smart Quảng Ninh).

Hiện nay, có 5 tính năng, hợp phần đã đưa vào vận hành chính thức. Trong đó, tính năng của hợp phần “Họp thông minh”, phục vụ 393 cuộc họp, thực hiện tại các cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, các kỳ họp của HĐND thành phố, họp giao ban của UBND thành phố hỗ trợ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính, công sức của công chức.

Thông qua ứng dựng hệ thống camera cảm biến để giám sát các hoạt động tại Hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Bộ phận tiếp dân của các xã, phường; Hệ thống camera tại các cửa khẩu, điểm kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh… nâng cao ý thực trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, ý thức chấp hành pháp luật của công dân.

Một số tính năng thông minh phục vụ người dân và tổ chức (Smart Quảng Ninh), trong đó có tính năng “ý kiến người dân/phản ánh hiện trường” và ”dịch vụ công” đang được triển khai đồng bộ giữa tỉnh và thành phố, các ý kiến người dân gửi lên hệ thống được Trung tâm điều hành thành phố tổng hợp và chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết kịp thời.

Về cơ sở dữ liệu và kết dữ, chia sẻ dữ liệu: Hoàn thành việc cập nhật dữ liệu các năm, hàng tháng của 24 phòng ban về Trung tâm điều hành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; phục vụ các cuộc họp giao ban, họp chuyên đề…; thực hiện kết nối, theo dõi quản lý giám sát theo dõi nhiệm vụ tỉnh, thành phố giao; tích hợp hệ thống giám sát, quan trắc môi trường nước, không khí trên địa bàn thành phố. Tính năng “Tương tác nội bộ” hỗ trợ cán bộ, công chức trao đổi công việc trên mọi nền tảng, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

HĐND thành phố Móng Cái tập huấn bỏ phiếu điện tử

Để nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm điều hành – Thành phố thông minh, thành phố Móng Cái sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, đầu tư trang thiết bị ngoại vi; hoàn thiện các tính năng của trung tâm. Trong đó, bố trí kinh phí triển khai Dự án lắp đặt 60 camera có tính năng thông minh để giám sát an ninh tại các điểm trọng yếu: Ngã tư, khu vực đông khách du lịch; Tiến hành khảo sát lắp đặt camera giám sát dọc tuyến biên giới. Đề xuất báo cáo UBND tỉnh triển khai hệ thống camera giám sát dọc tuyến biên giới.

Bố trí kinh phí lắp đặt bổ sung các thiết bị kết nối tại Trung tâm điều hành phục vụ chỉ đạo điều hành cho phòng làm việc của lãnh đạo thành phố và phòng họp trực tuyến tại trung tâm. Đang nghiên cứu triển khai Dự án xây dựng hệ thống quản lý, quy hoạch đô thị thông minh. Triển khai xây dựng Trung tâm hành chính (Tòa liên cơ quan) áp dụng công nghệ thông minh, đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Trung tâm hành chính gồm: Các cơ quan hành chính Nhà nước – Trung tâm Hành chính công – Trung tâm Điều hành thông minh. Đây sẽ là “sản phẩm du lịch thể chế”, biểu tượng “sản phẩm du lịch công nghệ”. Tập trung cập nhật dữ liệu hoàn thiện tính năng “du lịch”, “giao thông”, “giáo dục”… để phục vụ người dân, doanh nghiệp và du khách.

 

Theo Báo Xây dựng