Quảng Ninh: Chủ động các biện pháp phòng, chống mưa to, lũ ống, lũ quét, sạt lở
Tối ngày 14/8/2020, UBND tỉnh vừa ban hành Công điện khẩn số 14/CĐ-UBND về công tác chủ động các biện pháp phòng, chống mưa to gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở trên địa bàn tỉnh.
- Quảng Ninh: Sở Văn hóa và Thể thao ra mắt bộ mẫu maket tuyên truyền cổ động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV
- Quảng Ninh: Gần 900 trường hợp có kết quả âm tính trở về từ địa phương có người mắc Covid-19
- Bộ VHTT&DL và tỉnh Quảng Ninh vượt mốc 30% dịch vụ công online mức 4
- Quảng Ninh tập trung phát triển các đô thị thông minh
- Quảng Ninh: Sở Du lịch tổ chức toạ đàm giải pháp ứng dụng khách sạn xanh ASEAN
- Quảng Ninh: Sân bay Vân Đồn, xuất hiện đặc sắc trong đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10
- Quảng Ninh có thể gửi, nhận văn bản điện tử với hơn 2.500 đơn vị trong toàn quốc
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ ngày 15-21/8, trên địa bàn tỉnh xuất hiện đợt mưa lớn trên diện rộng, cường độ từ to đến rất to, cao điểm vào 2 ngày cuối tuần lượng mưa tương đương đợt mưa cao điểm năm 2015. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh ở mức đặc biệt nguy hiểm.
Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa, lũ quét, sạt lở đất gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tình hình mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt gây ra. Cảnh báo thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, đến tận tổ dân, khu phố và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở các bãi thải khai thác than, ngập lụt các khu vực trũng, mưa, lũ lớn, sạt lở đất đá xảy ra. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê, các hồ đập. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mọi tình huống khi có mưa, lũ, sạt lở.
Quảng Ninh có mưa lớn diện rộng và cảnh báo sét, gió giật mạnh. Ảnh: Thái Bình
Chủ tịch UBND các địa phương khẩn trương yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra cụ thể từng thôn, bản, khu phố, tổ dân; đặc biệt lưu ý các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, khu vực ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, khu vực bãi thải, khu vực chân các núi đá; có phương án di chuyển dân về nơi an toàn. Tuyệt đối không được để xảy ra thiệt hại về người.
Các xã phường, thị trấn cử người trực, canh gác 24/24h thường xuyên tại các vị trí ngầm, tràn giao thông, kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại khi có lũ xuất hiện; có phương án huy động các phương tiện, thiết bị và lực lượng kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt.
Đồng thời, khẩn trương yêu cầu các chủ đầu tư các dự án đang thi công có biện pháp ngăn chặn tối đa bùn, đất và nước tràn xuống đường quốc lộ và khu vực dân cư khi có mưa lớn; có phương án xử lý ngay các điểm ngập úng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông chỉ đạo các địa phương, Công ty TNHH MTV Thủy lợi theo dõi thường xuyên mực nước tại các hồ chứa nước, chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn hồ chứa và công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Sở Giao thông Vận tải kiểm tra và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở tuyến giao thông, phương án bảo đảm giao thông tại cầu Bãi Cháy, các tuyến đường cao tốc trên địa bàn tỉnh.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc và các địa phương khẩn trương rà soát và có các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối với các khu vực khai thác hầm lò, khai trường, đặc biệt là các bãi thải có nguy cơ sạt lở cao.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và Công an tỉnh duy trì lực lượng trực ban, kiểm tra, rà soát lại các phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các ngành: viễn thông, điện, nước, tổ chức kiểm tra để có phương án bổ sung gia cố kịp thời các vị trí cột ăng ten, cột điện, đường ống cấp thoát nước bị suy yếu có nguy cơ dễ xảy ra sự cố.
Riêng Điện lực Quảng Ninh có phương án cho việc cấp điện và thực hiện thông báo khi cắt điện để đảm bảo an toàn.
Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ninh theo dõi diễn biến của mưa lũ để cung cấp kịp thời cho Trung tâm Truyền thông tỉnh và các sở, ngành liên quan, địa phương để kịp thời thông tin đến người dân.
Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức thường trực và thường xuyên liên tục cập nhật thông tin, diễn biến của mưa, lũ để thông tin truyền tải đến từng người dân biết, chủ động phòng chống.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, phân công lãnh đạo trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; nghiêm túc thực hiện việc tổng hợp và báo cáo kịp thời, thường xuyên kết quả triển khai và biện pháp ứng phó với mưa, lũ về Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh.
Hoàng Dung