Dịch vụ phi thoại: Quyết định hạng đại gia
15:00, 28/01/2013
Cạnh tranh cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng (dịch vụ phi thoại) không chỉ làm thay đổi doanh thu, mà có thể ảnh hưởng đến cả thị phần của nhà mạng Việt Nam.
Suốt một thời gian dài, các mạng di động tại Việt Nam đã chạy đua phát triển thuê bao, hiện lượng thuê bao đã đạt ngưỡng 140 triệu. Nhưng kỷ nguyên của phát triển theo chiều rộng đã chững lại, khi năm 2012, chỉ phát sinh thêm 12 triệu thuê bao. Thị trường dường như đã bão hòa và các nhà mạng đang chuyển hướng sang khai thác dịch vụ phi thoại để tăng doanh thu.
Ông Tô Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu Chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đánh giá, tốc độ tăng trưởng thuê bao đã chậm lại. Năm 2013, VNPT sẽ tập trung vào việc phát triển dịch vụ phi thoại và ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa doanh thu.
Ông Lâm Hoàng Vinh, Giám đốc VinaPhone cho biết, năm 2012, doanh thu các dịch vụ phi thoại của VinaPhone đã tăng mạnh, chiếm hơn 52% trên tổng số doanh thu cước của VinaPhone. Hiện VinaPhone có hơn 80 dịch vụ giá trị gia tăng được cung cấp tới khách hàng. Đặc biệt, dịch vụ 3G của VinaPhone đạt tốc độ tăng trưởng hơn 60% về doanh thu, với hơn 7 triệu thuê bao 3G đang hoạt động trên toàn mạng.
Năm 2011, tổng doanh thu của VinaPhone đạt 28.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các dịch vụ phi thoại chiếm 40% tổng doanh thu cước của nhà mạng (tương đương 11.200 tỷ đồng). Con số này của năm 2012 là 25.579 tỷ đồng, trong đó, dịch vụ phi thoại đạt 12.300 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011. Trước đó, dịch vụ phi thoại của VinaPhone chỉ chiếm 15% tổng doanh thu của VinaPhone trong năm 2009 và 20% trong năm 2010.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ phi thoại của VinaPhone tăng dần từng năm và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng doanh thu của nhà mạng này. Cũng chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi lãnh đạo nhà mạng này cho biết, năm 2013, VinaPhone sẽ tiếp tục đầu tư và tăng cường triển khai các dịch vụ phi thoại trên nền mạng 3G, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng mới lạ cho khách hàng.
Để tăng sức cạnh tranh dịch vụ phi thoại, VinaPhone đã lắp đặt bổ sung thêm hơn 5.000 trạm phát sóng (cả 2G và 3G) và phủ sóng 3G trên cả nước (chưa kể gần 30.000 trạm thu phát, phủ sóng trên toàn quốc). VinaPhone cũng đã nâng cấp hệ thống 3G lên 3,5G với tốc độ download tối đa lên tới 21,6 Mbps và upload là 5,76 Mbps.
Đối với MobiFone, năm 2008, tỷ trọng doanh thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng trên tổng doanh thu của MobiFone là 18%, năm 2010 tăng lên 25% và năm 2011 chiếm hơn 40% tổng doanh thu của MobiFone. Ban đầu, các dịch vụ của MobiFone chỉ là thoại và SMS, nay đã phát triển lên đến gần 60 dịch vụ trên nền 2G và 3G. Riêng trong năm 2012, một loạt dịch vụ giá trị gia tăng mới như dịch vụ mạng xã hội Zoota, cổng dịch vụ ZOOM360, MobiClip, EasyMail, thông tin thời tiết… đã được nhà mạng này phát triển rầm rộ.
Ông Nguyễn Mậu Khuê, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Giá trị gia tăng MobiFone cho biết, đến hết năm 2012, MobiFone đã phát triển hơn 20 gian hàng tư vấn dịch vụ giá trị gia tăng và đang nhân rộng mô hình trên cả nước.
Không chịu kém cạnh, từ năm 2006, Tập đoàn Viettel đã thành lập Trung tâm Kinh doanh Vas Viettel (Vas-Viettel) để triển khai kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng cho Công ty Viễn thông Viettel. Tuy không tiết lộ cụ thể về doanh thu, nhưng theo nguồn tin của Báo Đầu tư, đến hết năm 2012, doanh thu của dịch vụ phi thoại của Viettel đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, với hơn 40 dịch vụ.
Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom khẳng định, chiến lược của Viettel trong thời gian tới là tập trung phát triển về các dịch vụ giá trị gia tăng. Theo ông Sơn, đây là lĩnh vực còn nhiều dư địa cho các nhà mạng, nếu có mức giá phù hợp, doanh thu từ các thuê bao di động sẽ tăng đáng kể.
Thị trường viễn thông cũng bước vào thời kỳ bão hòa tương đối, sự cạnh tranh giữa các nhà khai thác ngày càng quyết liệt, tập trung rõ nét vào cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Sự cạnh tranh này không chỉ mang lại doanh thu “khủng” cho các nhà mạng, mà còn là cuộc chiến giành thuê bao, thị phần.
Dự kiến từ tháng 10/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cho triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số. Theo đó, các thuê bao điện thoại di động có thể được đổi mạng, sử dụng các dịch vụ của mạng khác, nhưng vẫn được giữ số cũ. Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone sẽ thực hiện trước việc đổi mạng giữ số, sau đó mới đến các nhà mạng khác.
Như vậy, từ nay đến năm 2014 là khoảng thời gian nước rút để các nhà mạng “khoe hàng” chuẩn bị cho cuộc chiến giành thuê bao, giành thị phần trong tương lai gần. Trong cuộc đua này, chỉ có những nhà mạng nào có chất lượng dịch vụ tốt, hữu ích, giá cả hợp lý, thì mới mang lại nguồn doanh thu lớn. Một lần nữa, cán cân giành thị phần giữa 3 đại gia Viettel, MobiFone và VinaPhone có thể sẽ thay đổi bởi chính dịch vụ phi thoại.
Theo Báo đầu tư