Dịch vụ Telex đã hoàn thành vai trò lịch sử
Trong danh thiếp của các đơn vị và cá nhân giờ đây, phần thông tin liên lạc chỉ thấy có tel, fax, mobile/handphone/cell và e-mail, mà không mấy khi còn thấy Telex nữa.
Năm 1989, bằng nhiều cách vận dụng linh hoạt mà Bưu điện Tp.HCM được nhập về một tổng đài điện tử của Pháp kèm theo 20 máy Telex. Chuyên giá lắp đặt và vận hành thử thành công, xong việc chuyển mạng lại bị ách tắc vì số máy Telex có thể hoạt động được trên mạng lưới lúc bấy giờ chỉ khoảng 300 chiếc. Đơn vị không thể kiếm đâu ra ngoại tệ để nhập thêm, với giá khoảng 5.600 USD/chiếc.
Người làm Bưu điện “giải mã”
Trước khó khăn này, Giám đốc Bưu điện Tp.HCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá đã yêu cầu lực lượng kỹ thuật phải tìm mọi cách phối hợp với các đơn vị điện tử của Thành phố và của ngành, phát huy nội lực để tự sản xuất máy, chứ không thể trùm mền để đó thiết bị đã khánh thành, gây tốn kém tiền của nhà nước. Trước mệnh lệnh này, ông Khuê và các anh em kỹ thuật đã không khỏi choáng vàng. Bởi lần đầu tiên tiếp xúc với máy tính và tổng đài điện tử thì việc nắm bắt để vận hành được đã khó, giờ lại nghiên cứu sản xuất thiết bị đầu cuối để kết nối với chúng lại càng là quá sức.
Thế rồi liên hệ được với Trung tâm máy tính Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM, sau mấy vòng họp bàn thảo thống nhất sơ đồ khối và kế cấu thiết bị trên cơ sở sử dụng máy tính XT làm nền tảng, 2 bên đã phân rõ từng khâu công việc: thiết kế tổng quát, thử nghiệm theo quy trình, thiết kế phần cứng, phần mềm, lắp ráp, chạy vật tư, lo kinh phí và các thủ tục khác. Để có cơ sở xin phép đưa máy đấu nối sử dụng trên mạng Eltex, họ đã đăng ký lên Sở KHCN thành phố 2 đề tài là Máy Telex điện tử và Bộ ghép kênh truyền dẫn TDM. Hội đồng khoa học của Sở đã giám định, phản biện rồi đánh giá thuộc loại xuất sắc, và cho phép đưa lên mạng sử dụng.
Trong cấm vận mà làm lợi cho nhà nước hàng triệu USD
Sau các kết quả thử nghiệm cuối cùng, kết nối hoàn hảo với hệ thống tổng đài và các thiết bị đấu nối khác, Bưu điện Tp.HCM đã cho sản xuất đượt đầu 50 chiếc Telex điện tử và 20 bộ ghép kênh, rồi chuyển các thuê bao sang tổng đài Eltex. Mạng lưới dịch vụ chạy trơn tru đến tận từng thuê bao đầu cuối, đơn vị tiếp tục sản xuất đủ số lượng đáp ứng khách hàng, cũng như cung cấp cho các Bưu điện tỉnh thành khác. Việc này đã giúp hoàn thành chuyển sang kỹ thuật công nghệ mới, và thực hiện tự động hóa hoàn toàn mạng Telex cho cả trong nước và đi quốc tế.
Ông Khuê nhẩm tính, sơ bộ chỉ với 1.300 máy và 50 bộ ghép kênh TDM, với giá nhập khẩu khoảng 5.600 USD/chiếc thì việc 2 đơn vị phối hợp nội địa hóa 100% sản phẩm đã làm lợi cho nhà nước khoảng 8 triệu USD thời bấy giờ. Chưa kể số thiết bị này về sau còn được dùng cho cả mạng điện báo nữa.
Như vậy, dịch vụ Telex ở Tp.HCM đã tồn tại trong một thời gian dài, riêng khoảng thời gian thực hiện tự động hóa đã là 18 năm (1989-2007), với chất lượng vượt trội đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin liên lạc của xã hội. Sau này với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ Viễn thông - CNTT, khách hàng đã lựa chọn nhiều phương thức thông tin liên lạc tiện ích hơn như internet, e-mail, website... và mạng Telex đã kết thúc vai trò lịch sử của nó như vậy.