Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp Thủ đô: Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên

14:50, 17/03/2023

Hưởng ứng sự kiện Hội báo toàn quốc năm 2023, Tạp chí Người Làm Báo - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia, Trung tâm Thông tin kinh tế (thuộc VCCI) và những đơn vị liên quan đã tổ chức Diễn đàn: “Báo chí và doanh nghiệp Thủ đô: Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên, nhằm tôn vinh những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp Thủ đô.

Tham dự Diễn đàn có Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn Ban Bên tập Tạp chí Người Làm Báo; Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Đại biểu HĐND TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP.Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; TS Mạc Quốc Anh, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP.Hà Nội cùng lãnh đạo Hội Nhà báo TP. Hà Nội, các Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương và cộng đồng Doanh nghiệp, các hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội.

Nội dung diễn đàn đề cập đến thành tựu của doanh nghiệp Thủ đô năm 2022 và triển vọng phát triển kinh tế xã hội Thủ đô năm 2023; Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp hợp tác vì sự phát triển; những kiến nghị đề xuất báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển; Vai trò của người làm báo, những thuận lợi và khó khăn khi đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. 

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn Ban biên tập Tạp chí Người Làm Báo phát biểu.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn Ban biên tập Tạp chí Người Làm Báo nhấn mạnh: Diễn đàn: “Báo chí và Doanh nghiệp Thủ đô: Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên”, nhằm tôn vinh đóng góp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như vai trò báo chí đối với doanh nghiệp Thủ đô nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung.

Diễn đàn hôm nay là dịp để lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà doanh nghiệp của Hà Nội chia sẻ những khó khăn, thuận lợi cũng như sự hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp. Đặc biệt thông qua diễn đàn này, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí và Doanh nghiệp hợp tác vì sự phát triển; bên cạnh đó cũng nêu ra những kiến nghị đề xuất báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển. Diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp Thủ đô: Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên” cũng sẽ là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Đồng thời, diễn đàn cũng là dịp chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Qua đây khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, từ đó thắt chặt mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.

Doanh nghiệp, báo chí đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô

Phiên thứ nhất với chủ đề: Thành tựu của doanh nghiệp Thủ đô năm 2022 và triển vọng phát triển kinh tế xã hội Thủ đô năm 2023.

Với vai trò điều hành diễn đàn, Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm cho doanh nghiệp. Có thể khẳng định thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội đã không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đóng góp trên 30% ngân sách cho thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Trước những yêu cầu phát triển của Thủ đô, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, doanh nghiệp Thủ đô với khát vọng tạo ra động lực mới, đóng góp tích cực cho Hà Nội phát triển xứng tầm. Trong sự phát triển đó, báo chí đã và đang đóng vai trò quan trọng giúp cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị mình”.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP.Hà Nội.

TS. Mạc Quốc Anh, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP.Hà Nội phát biểu: “Quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và báo chí luôn đồng hành, song hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển, báo chí là sân chơi tuyên truyền lan toả những mặt tích cực của doanh nghiệp, lan toả những gương điển hình tiên tiên trong sản xuất kinh doanh, đưa hình ảnh sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng ưu chuộng với chất lượng tốt, giá thành hợp lý tới cộng đồng người tiêu dùng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có sản phẩm không đảm bảo chất lượng tới cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sản xuất để từ đó có giải pháp cải tiến hợp lý hoá chất lượng và giá thành sản phẩm. Báo chí cũng là nơi cảnh báo, ngăn ngừa những sản phẩm không đảm bảo chất lượng trước khi tới đông đảo công chúng. 

TS  Mạc Quốc Anh, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội.

Khẳng định vai trò đồng hành của các doanh nghiệp trong thời khắc này là rất quan trọng. Theo đó, để thông tin trên báo chí về sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng chất lượng và hiệu quả, hai bên cần tăng cường chia sẻ thông tin, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về doanh nghiệp và doanh nhân; phát huy vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân trong thời kỳ mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Không ngừng thắt chặt mối quan hệ đồng hành, hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp chính là con đường để báo chí, doanh nghiệp cùng chia sẻ mọi khó khăn, thuận lợi. Sự minh bạch được hiểu là thái độ hợp tác tích cực, cởi mở về thông tin giữa doanh nghiệp và báo chí, ngay cả trong trường hợp thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp. Khả năng tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực diện với báo chí sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh khỏi các thông tin đồn đại, thiếu chính xác, hoặc ít nhất có thể tạo ra các cơ hội giải quyết khủng hoảng truyền thông một cách tích cực”, trong thời gian tới, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển hơn nữa, tuy nhiên, để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động và minh bạch thông tin với báo chí.

Nhà báo Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô chia sẻ về chủ đề: “Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, đảm bảo an ninh doanh nghiệp”. Tiến sĩ Chu Quốc Dũng cho biết: “Báo chí và doanh nghiệp Thủ đô giữ vững niềm tin là điều đương nhiên. Tôi muốn nhấn mạnh vế thứ hai của chủ đề diễn đàn là "tiếp bước đi lên". An ninh Thủ đô trên hành trình 47 năm, là thương hiệu báo chí của lực lượng Công an nhân dân, vẫn đang đồng hành với doanh nghiệp Thủ đô, để cùng tiếp bước đi lên”.

Tổng kết phiên thứ nhất, Nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết thêm: Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 318.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước. Với vai trò nòng cốt, thúc đẩy phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đã chủ động, tích cực khẳng định là doanh nghiệp đi đầu của cả nước. Đây cũng là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đồng thời có vai trò lớn trong việc góp ý xây dựng cơ chế chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Có thể khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự cần thiết không chỉ vì sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp, mà còn vì nền kinh tế Việt Nam. 

Báo chí – doanh nghiệp đồng hành, hợp tác cùng phát triển

Phiên thứ 2 với chủ đề: Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp Thủ đô, hợp tác vì sự phát triển.

Tiến sĩ Nhà báo Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - xã hội chia sẻ: “Sự “cộng sinh” của các doanh nghiệp với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua “cầu trung gian” báo chí, doanh nghiệp có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, thậm chí tạo áp lực đến những thay đổi chính sách và xu hướng thị trường lớn cả cấp vi mô và vĩ mô, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển bền vững. Thúc đẩy và tăng cường sự kết nối của doanh nghiệp về kinh tế được hiểu là việc làm chặt chẽ, phong phú, đa dạng và đầy đủ hơn các quan hệ tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp của cộng đồng doanh nghiệp với nhau và với thị trường, các cơ quan quản lý và người tiêu dùng trong chuỗi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của đời sống mỗi doanh nghiệp nói riêng và đời sống kinh tế-xã hội nói chung, cả trên phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế, cả hiện tại và tương lai. Trong số các công cụ hỗ trợ sự kết nối này của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, báo chí chiếm một vị trí quan trọng và đắc lực không thể thay thế.”

Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu tại diễn đàn chia sẻ: Doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất phục vụ xã hội. Quốc gia mạnh thì tạo ra doanh nghiệp mạnh, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Báo chí thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, truyền thông nhân rộng các mô hình tiên tiến của doanh nghiệp đồng thời cảnh báo những vấn đề không tốt, định hướng dư luận. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, sản phẩm của báo chí rất đa rạng từ báo giấy, báo điện tử, truyền hình… có một sức mạnh truyền thông rất lớn giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình. Báo chí có một vai trò rất quan trọng trong việc kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động qua các hội thảo, đối thoại… tạo  ra mối quan hệ hài hòa. Báo chí giúp doanh nghiệp truyền tải những chế độ chính sách đến người lao động. Với cương vị là Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô, bà Lê Thị Bích Ngọc có ý kiến đề xuất trong thời gian tới cần có cơ chế giúp báo chí tiếp cận thông tin với doanh nghiệp một cách thuận lợi, để có sự hợp tác truyền thông hiệu quả.

Doanh nhân Đinh Thị Thuý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Misa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP .Hà Nội.

Doanh nhân Đinh Thị Thuý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Misa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội khi chia sẻ nội dung về “Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế” đã thông tin: Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được coi là động lực tăng trưởng và cũng là “trụ cột” của nền kinh tế. Trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng diễn ra song hành với tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, SME đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không ít thách thức.

Nhận thức được các khó khăn mà các doanh nghiệp SME gặp phải, MISA đã đồng hành và đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh chung ảm đạm, chỉ có doanh nghiệp thích ứng và chuyển đổi số kịp thời là doanh nghiệp có nhiều cơ hội nhât. Doanh nghiệp có thể tối ưu hóa lợi nhuận, củng cố vận hành và ứng biến kịp thời với nhiều diễn biến của thị trường. Theo đó, MISA chú trọng đẩy mạnh nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS và nền tảng kết nối vay vốn tín chấp MISA Lending. Hai giải pháp này sẽ như một liều thuốc giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn chung. 

MISA cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hành trình chuyển đổi nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Chúng tôi tin rằng những kinh nghiệm triển khai cho hơn 270.000 doanh nghiệp cùng giải pháp công nghệ đặc biệt và uy tin, MISA có thể giúp các doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng kế hoạch chuyển đổi số rõ ràng và cam kết về lộ trình và tiến độ thực hiện. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tự tin chuyển đổi số để tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế.

Tổng kết phiên thứ 2, Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu, tích cực, đâu đó vẫn còn một số những thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp. Nguyên nhân căn bản là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; Trong khi một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội để đưa tin chưa chính xác hoặc lợi dụng sai phạm của doanh nghiệp để phục vụ lợi ích riêng…”

Đại tá, Nhà báo Nguyễn Hoà Văn, nguyên Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam dánh giá cao nội dung tọa đàm, đây là chủ đề mang ý nghĩa thiết thực, bởi trong thời buổi hiện nay báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong truyền thông doanh nghiệp. Doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn, chuyển đổi số cũng mang đến nhiều thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn với những chính sách của Nhà nước chưa theo kịp. Với vai trò đồng hành, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình truyền thông, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp. 

Bảo Ngọc (T/h)