Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024: Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm
Ngày 11/4, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”.
Tới dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhấn mạnh phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, là đòi hỏi khách quan cũng như yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Khu vực kinh tế tập thể không nằm ngoài quỹ đạo đó.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại chương trình.
Hiện nay, cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác. Bên cạnh đó, kể từ tháng 7/2024, Luật Hợp tác xã năm 2023 sau khi được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực thi hành gồm 12 Chương, 115 Điều, với nhiều điểm mới nổi bật giúp các tổ chức kinh tế tập thể phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các hợp tác xã.Ngoài ra, kinh tế tập thể và hợp tác xã cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
“Câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững" . bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy hiện nay, trong hơn 31.000 hợp tác xã, hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Đáng lưu ý, trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên.
Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững. Bên cạnh đó, việc tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế tất yếu của kinh tế tập thể, hợp tác xã ở những lĩnh vực khác.
Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia 2024 có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); Nhãn hàng NPK Phú Mỹ - Kali Phú Mỹ.
Đặc biệt, không ít hợp tác xã, tổ hợp tác tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, môi trường, thính ứng cao và chống chịu cao, giúp chuỗi giá trị phát triển bền vững trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài.
Do vậy, ở cấp độ quốc gia, địa phương phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển chuỗi giá trị bền vững.
Riêng ở cấp độ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác, để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững đòi hỏi sự đổi mới tư duy, đảm bảo liêm chính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bà Cao Xuân Thu Vân kỳ vọng với những ý kiến đóng góp, những giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, các kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững được đưa ra một cách thiết thực tại Diễn đàn, sẽ nhận được sự quan tâm, tiếp thu sâu sắc từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Để từ đó, việc phát triển bền vững trong chuỗi giá trị của hợp tác xã sẽ mang lại kết quả cụ thể, đồng bộ và hữu ích hơn, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách về ưu đãi tín dụng, hợp tác xã được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và lãnh đạo Bộ ngành đã chứng kiến lễ Ký kết Phối hợp giữa Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.
Ngoài ra, HTX còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm, khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay, theo Điều 16, Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng…
Tuy nhiên, ông Thịnh cho hay, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) rất khó thực hiện liên kết do không tìm được HTX nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên DN phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro.
“Nhiều DN rất muốn tìm HTX nông nghiệp để liên kết nhưng gặp khó khăn vì không có HTX hoạt động có hiệu quả. Rõ ràng, phát triển HTX nông nghiệp không chỉ giúp cho hộ nông dân thành viên, mà còn thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị nông sản” - ông Thịnh khẳng định.
Bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách hiện nay, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các HTX hiện đang gặp phải như: tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và thương mại, miễn thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm trao đổi giữa các thành viên HTX với nhau.
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng