Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu

11:55, 23/02/2024

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định rằng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành một đối tác đáng tin cậy và là một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực tạo ra điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định rằng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành một đối tác đáng tin cậy và một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Để hiểu rõ hơn về các cơ hội mở ra cho ngành công nghiệp bán dẫn cũng như những thách thức và giải pháp cần triển khai để phát triển ngành này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ thông tin với Phóng viên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiên phong trong việc làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kêu gọi đầu tư và hợp tác với Việt Nam. Bộ trưởng có thể chia sẻ về các kết quả đã đạt được và kế hoạch trong những năm tới không?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới hợp tác với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia để triển khai nhiều chương trình và hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp Chuyển đổi Số và đào tạo phát triển nguồn Nhân lực Số như Google, Meta, Siemens, Hitachi...

Trong năm 2023, thông qua các hoạt động tiếp xúc và trao đổi ở mọi cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động đề xuất hợp tác và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới.

Nhờ vào những nỗ lực này, đã có nhiều tập đoàn quốc tế lớn như John Cockerill, Synopsys, Cadence... ký kết các thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia. Điều này chứng tỏ rằng Việt Nam đang trở nên ngày càng hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ trên toàn cầu.

Đặc biệt, sau những thành công ngoại giao đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã tăng cường hợp tác và phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Dựa trên những thành tựu đã đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chỉ đạo Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia tập trung thực hiện các nội dung hợp tác đã thống nhất với các đối tác hiện tại và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới trong 8 lĩnh vực trọng yếu để triển khai hoạt động tại các cơ sở hoạt động của trung tâm, đặc biệt là cơ sở tại Hòa Lạc.

Nhờ đó, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển dựa trên các động lực mới như kinh tế số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như trong các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn và năng lượng tái tạo, hydrogen.

Ngành bán dẫn mang lại cơ hội lớn, nhưng theo quan điểm của Bộ trưởng, liệu có những thách thức nào và giải pháp nào cần được triển khai để hình thành ngành công nghiệp cao này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần chuyển sang các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này bao gồm hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật- công nghệ dồi dào và cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển.

Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này. Thực tế, nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 13% mỗi năm, đạt được 600 tỷ USD tính đến năm 2021. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030 theo nghiên cứu từ tập đoàn tư vấn Boston (BCG).

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh trong ngành công nghệ thế giới.

Ngành công nghiệp này đã mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia; trong đó có Việt Nam, cụ thể như: Với sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, Internet of Things (IoT), … đang tạo ra nhu cầu lớn cho các linh kiện bán dẫn.

Việc sản xuất chíp cũng có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt là khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung cấp an toàn và độc lập trong lĩnh vực bán dẫn.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và Chính phủ các nước; trong đó Việt Nam cũng đang phải đối mặt như chi phí đầu tư cao. Mức đầu tư cho sản xuất chíp là rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp.

Trong thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chíp có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD.Cạnh tranh quốc tế cũng là một thách thức khi ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.

Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chíp của mình từ 50 tới 150 tỷ USD. Cùng với đó là thách thức về công nghệ, sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển để duy trì sự cạnh tranh.

Đặc biệt, yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn và thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp bán dẫn đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 80 nhưng chúng ta chưa có chiến lược phát triển mang tầm quốc gia. Vì vậy, lĩnh vực này ở nước ta vẫn còn khá sơ khai, chưa có sự tham gia sâu của doanh nghiệp nội địa, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài.

Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung vào các nội dung sau để bước đầu hình thành ngành công nghiệp cao này; đó là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế và chính sách riêng để thu hút và tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài và đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới.

Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể 50.000 nhân lực bán dẫn trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng, cần làm gì để đề án này đạt hiệu quả?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn; trong đó, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.

Chúng tôi đã xác định rất rõ mục tiêu của Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, dự kiến đào tạo nguồn cung 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó bao gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư giai đoạn khác với cả ba bậc cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ.

Các số liệu trên được đưa ra dựa trên khảo sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam và khả năng đào tạo của các đơn vị giáo dục trong nước.

Đề án tập trung phát triển chương trình đào tạo giảng viên, sinh viên; xây dựng giáo trình chuẩn quốc tế; đào tạo sau đại học và cơ chế thu hút nhân tài trong nước và chuyên gia quốc tế; đồng thời, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế nhằm đào tạo đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao theo tiêu chuẩn quốc tế; tạo môi trường trao đổi và học tập tại nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao và học hỏi công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh đó, khuyến khích các dự án nghiên cứu và phát triển vi mạch; ứng dụng và thương mại hóa các dự án nghiên cứu; xây dựng mạng lưới nghiên cứu liên kết viện- trường; đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là Chính phủ, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các Viện nghiên cứu, trường đại học để triển xây dựng, triển khai dự án.

Đặc biệt, sẽ đảm bảo đầu ra của nguồn nhân lực bán dẫn tương lai được tiếp xúc với nhu cầu nhân sự và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ sư làm việc trong và ngoài nước; hỗ trợ khởi nghiệp; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; hỗ trợ trao đổi học tập và ưu tiên sử dụng sản phẩm hàng có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Cuối cùng, là xây dựng cơ chế tài chính vững vàng để đáp ứng nhu cầu kinh phí dự án dựa trên các nguồn ngân sách từ nhà nước; từ xã hội hóa; từ tài trợ quốc tế; từ nguồn thu hợp pháp và bố trí kinh phí hợp lý cho các chương trình đào tạo, học bổng và các tổ chức đào tạo.

Triển vọng, tiềm năng của lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới như thế nào? Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm gì để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở Hạ tầng Số ngày một phát triển.

Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này.

Việc Tổng thống Hoa kỳ cam kết và ủng hộ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu và vào ngành chíp, bán dẫn đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam gia nhập mạng lưới sản xuất có giá trị cao của quốc tế.

Thực tế, nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Việt Nam đang xây dựng chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023; đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.

Vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.

Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và ngành bán dẫn, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.

Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Tôi mong muốn các nhà đầu tư hãy đến, hãy tìm kiếm cơ hội đầu tư của mình và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.

Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng

(https://dientuungdung.vn/viet-nam-se-tro-thanh-mot-mat-xich-quan-trong-trong-chuoi-gia-tri-ban-dan-toan-cau)