Giá trị đồng USD được "gia cố" nhờ đạo luật GENIUS về stablecoin

11:06, 21/07/2025

Đạo luật GENIUS luật hóa stablecoin sẽ củng cố vai trò của đồng USD nhờ vai trò là đồng tiền dự trữ...

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây đã chính thức ký ban hành Đạo luật GENIUS, một khuôn khổ pháp lý đầu tiên dành riêng cho stablecoin, loại tiền điện tử thường được neo giá theo đồng USD.

Stablecoin là loại tiền điện tử được thiết kế để giữ giá ổn định, thường neo theo tỷ lệ 1:1 với tài sản cụ thể.

"Thắng lợi lớn" cho ngành công nghiệp tiền điện tử

Các chuyên gia đánh giá đây được xem là một bước ngoặt có thể giúp tài sản kỹ thuật số trở thành phương tiện thanh toán và chuyển tiền phổ biến trong đời sống hằng ngày.

Dự luật đã được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ 308-122, nhận được sự ủng hộ từ gần một nửa số thành viên Đảng Dân chủ và đa số Đảng Cộng hòa, sau khi vượt qua Thượng viện trước đó.

Việc ban hành luật được coi là “thắng lợi lớn” đối với ngành công nghiệp tiền điện tử, từ lâu đã kêu gọi cần có một khung pháp lý rõ ràng để ngành này hoạt động ổn định và được công nhận chính thức.

Kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2009, thế giới tiền số thường bị xem là "miền Tây hoang dã" vì sự phát triển nhanh nhưng thiếu kiểm soát.

“Tôi ký đạo luật này để ghi nhận tinh thần đổi mới và sự nỗ lực bền bỉ của các bạn. Đây là điều tốt cho đồng đô la và cho nước Mỹ”, ông Trump phát biểu trong buổi lễ có sự tham dự của nhiều quan chức chính phủ, lãnh đạo ngành tiền điện tử và các nghị sĩ. 

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành kỳ vọng đạo luật sẽ giúp tăng tính minh bạch, củng cố niềm tin vào stablecoin, từ đó khuyến khích ngân hàng, doanh nghiệp và người dân sử dụng chúng trong thanh toán hằng ngày.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với đạo luật này. Nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ và các nhà quan sát cảnh báo rằng văn bản luật vẫn còn nhiều kẽ hở. Họ cho rằng lẽ ra luật cần cấm các tập đoàn công nghệ lớn phát hành stablecoin riêng, vì điều này có thể mở rộng thêm quyền lực cho những "gã khổng lồ" công nghệ vốn đã có ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế số. Đồng thời, họ cũng kêu gọi tăng cường các biện pháp chống rửa tiền và hạn chế các đơn vị phát hành stablecoin đến từ nước ngoài.

Ông Scott Greytak, Phó Giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Mỹ, cảnh báo: “Việc không khắc phục những lỗ hổng rõ ràng và thiếu các biện pháp bảo vệ cho hạ tầng kỹ thuật số của đồng đô la Mỹ có thể biến hệ thống tài chính nước này thành nơi trú ẩn cho tội phạm và các thế lực đối đầu”.

Đồng USD được "gia cố" vị thế 

Sau khi đạo luật được thông qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh trong tuyên bố  rằng luật mới sẽ góp phần củng cố vai trò của đồng USD như loại đồng tiền dự trữ toàn cầu, mở rộng phạm vi tiếp cận nền kinh tế đô la và thúc đẩy nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ Mỹ – loại tài sản được dùng để bảo chứng cho stablecoin.

Stablecoin là loại tiền điện tử được thiết kế để giữ giá ổn định, thường neo theo tỷ lệ 1:1 với tài sản cụ thể. Trong những năm gần đây, stablecoin được sử dụng phổ biến, đặc biệt trong các giao dịch tiền điện tử, nhờ khả năng chuyển tiền nhanh và ổn định về giá.

Luật mới của Mỹ quy định rằng mọi stablecoin phải được bảo chứng bằng các tài sản có tính thanh khoản cao như đô la Mỹ hoặc trái phiếu chính phủ ngắn hạn. Ngoài ra, các đơn vị phát hành cũng phải công bố công khai dữ liệu dự trữ mỗi tháng.

Nhiều chuyên gia cho rằng đạo luật mới sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc ngắn hạn của Mỹ. Lý do là các tổ chức phát hành stablecoin sẽ buộc phải nắm giữ nhiều tài sản có tính thanh khoản cao, trong đó trái phiếu chính phủ là công cụ chủ lực để đảm bảo giá trị cho đồng tiền mà họ phát hành.

Một số công ty lớn trong ngành như Circle và Ripple hiện đang xin giấy phép hoạt động như ngân hàng. Nếu được chấp thuận, họ có thể giảm bớt chi phí vận hành nhờ bỏ qua các ngân hàng trung gian trong quy trình giao dịch.

Về phía các ngân hàng truyền thống, theo hãng tin Reuters, nhiều ngân hàng lớn tại Mỹ cũng đang cân nhắc mở rộng sang lĩnh vực tiền điện tử. Tuy nhiên, họ vẫn thận trọng, dự kiến chỉ tham gia ở mức độ thử nghiệm, thông qua các chương trình hợp tác hoặc cung cấp dịch vụ hạn chế.

Trước đó, vào tháng 3, Tổng thống Trump cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm thành lập Quỹ dự trữ Bitcoin chiến lược, thể hiện rõ định hướng biến tiền điện tử thành một phần trong chiến lược tài chính quốc gia. Ngoài việc sở hữu đồng tiền kỹ thuật số $TRUMP, ông Trump hiện còn nắm giữ cổ phần trong công ty tiền điện tử World Liberty Financial.

Mới đây, thị trường tiền điện tử chính thức cán mốc kỷ lục 4.000 tỷ USD. Bitcoin, trong tuần vừa qua, đã vượt ngưỡng 120.000 USD, lập mức cao kỷ lục mới. Công ty chứng khoán Bernstein thậm chí dự đoán giá bitcoin có thể tăng lên 200.000 USD vào cuối năm 2025.