Ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghiệp chế tạo, bán dẫn

15:05, 22/02/2024

Ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh toàn cầu; do đó, cùng với cơ chế chính sách và những lợi thế riêng có, Hà Nội cần ưu tiên phát triển, nhanh chóng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghiệp chế tạo, bán dẫn. Ảnh: VGP/BP

Nhiều tiềm năng, lợi thế đặc thù

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn, với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, TP. Hà Nội có tiềm năng và cơ hội lớn phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Thực tế, Hà Nội đã liên tục dẫn đầu cả nước về thu thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, Hà Nội hội tụ nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và vị trí trung tâm đồng bằng sông Hồng, cho nên có điều kiện tổng hợp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Hệ thống cơ sở đào tạo và hạ tầng đang từng bước cải thiện, hiện đại hóa sẽ hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án có hiệu quả…

Thời gian qua, thành phố Hà Nội định hướng và nhất quán quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó ưu tiên tiếp nhận các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, Thành phố luôn sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để triển khai các dự án như tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư, cũng như bảo đảm cung cấp các dịch vụ hạ tầng thiết yếu như điện, nước, xử lý nước thải, chất thải, dịch vụ logistics. Đồng thời, thành phố Hà Nội tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho vận hành các dự án đầu tư.

Các lĩnh vực có sự ưu tiên là: Công nghiệp chế tạo, bán dẫn, cơ điện tử, tự động hóa; công nghiệp vật liệu mới; sinh học, hóa dược-dược phẩm và sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao…

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Hà Nội có 72 cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo, trong đó, một số địa chỉ có thể bảo đảm cho việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao về một số ngành/lĩnh vực gồm điện tử, tin học, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa. Một số trường như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội… đã có nhiều năm đào tạo nhân lực để tham gia các dự án sản xuất chíp bán dẫn.

Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp bán dẫn phát triển

Tại cuộc làm việc với đoàn doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm; chủ trương thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp này.

Liên quan đến lĩnh vực chíp bán dẫn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng đây là ngành công nghiệp rất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. "Hàng nghìn héc ta đất sạch của Hà Nội đã sẵn sàng. Chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị đầy đủ những điều kiện tốt nhất để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực này đến với Hà Nội…" - ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Hà Nội luôn chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án phù hợp với định hướng chung, trong đó, chú trọng ngành công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn kết hợp từng bước nghiên cứu, phát triển sản phẩm bán dẫn.

Ngoài ra, Thành phố chuẩn bị sẵn sàng tối đa cho dự án mới, từ mặt bằng tại các khu công nghiệp, hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng giao thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính đến cung cấp nguồn nhân lực…

Nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn, UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Danh mục dự án xúc tiến đầu tư làm cơ sở kêu gọi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu; thường xuyên kết nối với các công ty, tập đoàn có nhu cầu đầu tư tại Hà Nội để tiếp thu các đề nghị, giải đáp vướng mắc, hỗ trợ thủ tục và các điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư sớm xem xét, triển khai các hoạt động đầu tư tại Hà Nội.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất, cơ chế đầu tư và các điều kiện cần thiết khác phục vụ thu hút đầu tư các dự án nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn…

Hiện, Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cấp có thẩm quyền thông qua. Những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có vật liệu bán dẫn, sẽ tiếp tục được cập nhật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/uu-tien-phat-trien-linh-vuc-cong-nghiep-che-tao-ban-dan-103240221154029958.htm)