Nhật Bản, Hàn Quốc chi mạnh ngân sách phát triển công nghiệp bán dẫn
Đầu năm 2024, Nhật Bản và Hàn Quốc đã công bố các kế hoạch phát triển công nghiệp bán dẫn với các gói tài chính lớn, hướng tới mục tiêu làm chủ các sản phẩm bán dẫn cho các ngành công nghiệp trong nước.
Ngày 30/1, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) công bố kế hoạch trợ cấp khoảng 45,2 tỷ yên (tương đương 307 triệu USD) cho sáng kiến phát triển công nghệ quang học sử dụng trong các con chip nhằm giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của nước này.
Sáng kiến nói trên có sự tham gia của một số công ty Nhật Bản gồm: NTT, NEC, Furukawa Electric, Shinko Electric và Kioxia, với sự tư vấn của 2 tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới là Intel (Mỹ) và SK Hynix (Hàn Quốc).
Với gói trợ cấp này, ngành công nghiệp chip Nhật Bản hướng tới việc khai thác ánh sáng mặt trời để gửi tín hiệu, tăng tốc độ truyền tải và cắt giảm mức tiêu thụ điện năng.
Nhật Bản kỳ vọng công nghệ chip quang học sẽ là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” trong tương lai.
Sáng kiến của METI được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang cố gắng giành lại vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp sản xuất chip vốn bị xói mòn trong nhiều thập niên qua.
Hàn Quốc thành lập Cụm công nghiệp siêu bán dẫn
Chính phủ Hàn Quốc ngày 15/1 công bố kế hoạch thành lập “Cụm công nghiệp siêu bán dẫn” ở phía nam Seoul vào năm 2047 với việc sắp xếp tổng vốn đầu tư 622.000 tỷ won (472 tỷ USD) cùng với các tập đoàn tư nhân hàng đầu.
Cụm công nghiệp bán dẫn bao gồm nhiều khu công nghiệp khác nhau đóng trên địa bàn tỉnh Gyeonggy, sẽ có tổng diện tích 21 triệu m2.
Đây sẽ là một trung tâm bán dẫn hệ thống tiên tiến, nơi tích hợp toàn bộ hệ sinh thái bán dẫn hệ thống, tập trung vào bốn nhiệm vụ chính gồm cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư, hệ sinh thái, công nghệ siêu khoảng cách, đào tạo tài năng.
Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch thiết lập các khu vực độc quyền cho ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt ở Pangyo, cùng với các cơ sở sản xuất chip ở Hwaseong, Yongin, Icheon và Pyeongtaek.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sẽ xây dựng một khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vật liệu, linh kiện và thiết bị tại Anseong, với các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Giheung và Suwon. Khu vực này với 21 cơ sở chế tạo hiện tại, sẽ có thêm 16 nhà máy vào năm 2047, trong đó có ba cơ sở dành cho nghiên cứu. Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, khi cụm công nghiệp trên hoàn thành, sẽ tạo ra thêm 70.000 việc làm.
Theo kế hoạch trên, Công ty Samsung Electronics Co. có kế hoạch đầu tư tổng cộng 500.000 tỷ won cho dự án, bao gồm khoản đầu tư 360.000 tỷ won cho sáu nhà máy mới ở Yongin, cách Seoul 33 km về phía nam. Cùng với đó, nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc này cũng sẽ đầu tư 120.000 tỷ won để xây dựng ba nhà máy mới ở Pyeongtaek, cách Seoul 54 km về phía nam, cùng với ba cơ sở nghiên cứu ở Giheung với khoản đầu tư 20.000 tỷ won.
Cùng với việc xây dựng cụm công nghệ lớn, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ hỗ trợ hệ sinh thái bằng cách nâng cao khả năng tự cung, tự cấp của nước này trong chuỗi cung ứng nguyên liệu, phụ tùng và thiết bị quan trọng lên 50% vào năm 2030 từ ước tính hiện tại là 30%; hỗ trợ chính sách khác bao gồm triển khai cơ sở thử nghiệm cho các nhà cung cấp vật liệu, bộ phận và thiết bị liên quan đến chip tại khu phức hợp Yongin vào năm 2027, nơi các công ty có thể chạy thử sản phẩm của mình.
Theo Tạp chí điện tử Tự động hóa ngày nay
(https://vnautomate.net/nhat-ban-han-quoc-chi-manh-ngan-sach-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan.html)