Việt Nam trước cơ hội vàng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

10:17, 20/12/2023

Việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang mở ra cơ hội vàng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, từ đó thúc đẩy sự phát triển và nâng cao vị thế đất nước. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam cần có chiến lược, kế hoạch dài hạn phù hợp.

Ngành công nghiệp bán dẫn - ngành then chốt của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4

Công nghiệp bán dẫn là tập hợp các hoạt động thiết kế, sản xuất các linh kiện, thiết bị điện tử trên chất bán dẫn. Đây là ngành công nghiệp thiết yếu cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác trong thời đại kỹ thuật số như: Điện thoại thông minh, máy tính, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, thành phố thông minh...

công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, Chip bán dẫn, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà cùng các lãnh đạo tham quan Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC).

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều dấu mốc, thành tựu quan trọng. Trong ngành công nghiệp bán dẫn. Gần đây nhất, ngày 16/9/2023, Công ty bán dẫn Hana Micron (Hàn Quốc) đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc nước ta. 

Hãng nghiên cứu Tâm Mưu (Trung Quốc) nhận định thế giới đang cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp bán dẫn và các nước Đông Nam Á đang được hưởng lợi khi thu hút nhiều tập đoàn quốc tế đến đầu tư. “Trong đó, Việt Nam đang trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn với nhiều khu công nghiệp chuyên về kiểm nghiệm và đóng gói chip, có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc”.

công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, Chip bán dẫn, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

Kiểm tra tấm wafer - nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cho chất bán dẫn tại nhà máy của Công ty TNHH Hana Micron Vina (FDI Hàn Quốc), Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh TUẤN ANH)

Theo dự báo, đến năm 2029, quy mô thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt khoảng 1.400 tỷ USD. Đây quả thực là một ngành công nghiệp hấp dẫn, có giá trị hàng nghìn tỷ USD. Do tầm quan trọng, gần đây nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu và phát triển công nghiệp bán dẫn.

Với vị thế địa kinh tế - chính trị quan trọng cùng nguồn nhân lực trẻ dồi dào, Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá mạnh mẽ trong lĩnh vực then chốt này. Đây chính là cơ hội vàng để đất nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, góp phần thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ và vị thế của đất nước.

công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, Chip bán dẫn, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

Việt Nam là một mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. (Ảnh: Đức Trung)

Những lợi thế của Việt Nam

Tại châu Á, các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư và hợp tác quốc tế để duy trì vị thế là những nhà sản xuất chip hàng đầu của châu lục và thế giới. Các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang tăng tốc và tích cực tham gia lĩnh vực bán dẫn… Cuộc đua bán dẫn giữa các nền kinh tế lớn đang tạo động lực giúp ngành bán dẫn toàn cầu phát triển mạnh mẽ.

Cùng với xu thế phát triển trên thế giới, theo đánh giá của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (CNTT), Đại học Quốc gia Hà Nội, lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực Công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử, kỹ thuật máy tính đang dành được nhiều sự quan tâm của thế hệ trẻ. Bởi thế,  tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực để tận dụng lợi thế này.

Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn như vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên hành lang kinh tế sầm uất, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài; Nền kinh tế đang phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh; Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có năng lực cao trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật.

Đáng chú ý, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới - nguyên liệu thiết yếu cho công nghiệp bán dẫn. Đây là vật liệu không thể thiếu của ngành công nghiệp bán dẫn, phục vụ rất nhiều công đoạn trong chế tạo, sản xuất. Với những lợi thế kể trên, thời quan qua chúng ta đã thu hút được các dự án đầu tư lớn về bán dẫn của các tập đoàn đa quốc gia.

Những lợi thế trên cho thấy Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng vươn lên thành cường quốc về công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để tận dụng triệt để cơ hội, Việt Nam cần có lộ trình, kế hoạch đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.

công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, Chip bán dẫn, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

Quang cảnh làm việc trong Nhà máy Intel Products Việt Nam. Ảnh: IPV

Thực trạng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5/2023, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu của Mỹ trên toàn thế giới trong 7 tháng liên tiếp. Xét về mặt doanh số, Việt Nam đứng hạng 3 châu Á, sau Đài Loan và Malaysia trong xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ. Trong tháng 2-2023, Việt Nam đã xuất khẩu chip vào Mỹ đạt doanh số 562,5 triệu USD, tăng so với tháng 2-2022 (đạt 321,7 triệu USD).

Hiện có khoảng 40 công ty nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ đã đầu tư tại Việt Nam, hoạt động chủ yếu trong khâu thiết kế và đóng gói. Có một số rất ít công ty (Viettel, FPT) trong nước tham gia ở công đoạn thiết kế chip.

Mặc dù, ngành công nghiệp bán dẫn đã có mặt ở Việt Nam từ sớm, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, theo các chuyên gia cần tập trung vào 3 nội dung chính: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế thu hút, tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài; sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý.

Tuy nhiên theo các chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta hoạt động không theo chiến lược, kế hoạch dài hạn mang tầm quốc gia. Các nhà máy, công ty hoạt động manh mún, thiếu sự liên kết.

Hiện nay chúng ta chủ yếu dừng lại ở khâu lắp ráp, đóng gói - công đoạn có giá trị gia tăng thấp. Phần lớn nguồn nhân lực Việt Nam vẫn đang tập trung ở công đoạn thiết kế đơn giản; Chưa làm chủ được công nghệ thiết kế, sản xuất chip bán dẫn và thiếu hụt cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu và đào tạo.

Những hạn chế trên cho thấy ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, chưa tương xứng với tiềm năng. Muốn vươn lên, Việt Nam cần có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, Chip bán dẫn, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, chip 5G viettel

Dòng Chip 5G do tập đoàn Viettel thiết kế, phát triển.

Đột phá cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 

Năm 2024 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Mười năm trở lại đây, ngành bán dẫn ở nước ta có nhiều tín hiệu chuyển mình rõ rệt. Nhiều công ty bán dẫn và điện tử hàng đầu thế giới đã có trụ sở tại Việt Nam như Intel, Samsung, Microsoft, LG… Sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Phòng thí nghiệm Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đánh dấu sự tham gia sâu hơn của nước ta vào mảng thiết kế chip.

Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta đang hướng đến xây dựng chính phủ số, thành phố thông minh, nhà máy thông minh, nền nông nghiệp thông minh… tất cả những thứ đó sẽ gặp phải nhiều khó khăn nếu ngành bán dẫn của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn từ nước ngoài. Điều này lại càng quan trọng hơn trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Vậy đâu là cách tiếp cận tối ưu nhất của chúng ta về ngành bán dẫn? 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tích hợp thông minh, có một cơ hội mà chúng ta không nên bỏ lỡ, đó là thế giới đang trong thời kỳ nhiều nhà khoa học có sự trải nghiệm, am hiểu tường tận về ngành bán dẫn đến tuổi nghỉ hưu. Chính phủ, các cấp, ngành, các trường nên chăng có cơ chế để quy tụ những người này.

Tận dụng lợi thế có nguồn đất hiếm đứng thứ hai thế giới. Chúng ta có thể đàm phán, thỏa thuận với các đối tác có nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu này với điều khoản như phải đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là cơ hội để chúng ta đào tạo và tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Khi đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, trong điều kiện cấp bách chúng ta vẫn có thể yêu cầu nhà sản xuất ưu tiên, tạo điều kiện nhập khẩu cho các doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, Việt Nam cần có chiến lược và kế hoạch cụ thể, tập trung vào một số đột phá trọng tâm sau:

Xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn.

  • Chiến lược phải xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn cho đến 2030, 2045;

  • Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho từng công đoạn như: thiết kế, sản xuất, đóng gói, phân phối...;

  • Có cơ chế đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu hiện đại

  • Ưu tiên đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm nghiên cứu bán dẫn hiện đại tại các trường đại học, viện nghiên cứu;

  • Xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về thiết kế, sản xuất chip bán dẫn;

  • Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất sản xuất.

Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

  • Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề cho ngành bán dẫn;

  • Đào tạo chuyên sâu về thiết kế, sản xuất chip bán dẫn;

  • Thu hút chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước tham gia đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Hợp tác, liên kết quốc tế sâu rộng

  • Hợp tác với các nước phát triển về đào tạo, nghiên cứu bán dẫn;

  • Thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn hàng đầu thế giới;

  • Hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất chiều dọc với các đối tác nước ngoài.

Ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thời đại mới. Với nhiều lợi thế sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vàng để phát triển mạnh mẽ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Đây chính là cơ hội vàng để đất nước bứt phá trở thành cường quốc công nghiệp, làm chủ công nghệ cao. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, tầm nhìn chiến lược, lộ trình và giải pháp cụ thể, phù hợp để phát triển ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 6 tháng 12/2023).

Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng

(https://dientuungdung.vn/viet-nam-truoc-co-hoi-vang-trong-nganh-cong-nghiep-ban-dan-toan-cau)