Điện thoại về làng

00:00, 04/12/2009

Làng tôi nghèo xơ xác giữa mảnh đất miền trung đầy nắng và gió. Mùa nắng đến cháy da cháy thịt bởi những trận gió Lào thổi. Mùa mưa những cơn bão từ biển khơi đổ bộ vào khiến cả làng, cả xã, cả huyện, cả tỉnh oằn mình trong cơn bão, cơn lũ ác. Vậy mà người dân vẫn sống, vẫn vươn lên những trước những khó khăn và chông gai ấy.
 


Nhà tôi có của ăn của để hơn một chút bởi xưởng mộc của bố. Ngày ấy năm 1998 cả làng tôi ít người biết đến điện thoại là gì. Và trong làng cũng chưa nhà ai mắc điện thoại cả. Các anh chị thanh niên trong làng lại đi làm xa tận trong Nam nên mỗi khi có việc quan trọng hay nhớ nhà đành nhờ những cánh thư bày tỏ và hỏi thăm tình hình gia đình, làng xóm.
         
Mỗi khi có việc gì cần báo tin bố lại lôi chiếc xe Phượng Hoàng của Trung Quốc đạp đến từng nhà để thưa chuyện, rồi mua bán, rồi nhận hàng...và cuối cùng bố quyết định mắc một chiếc điện thoại cố định với chi phí gần hai triệu đồng để thuận tiện cho việc trao đổi thông tin cũng như công việc và điều tôi thấy bố nhăc đến là để cho làng xóm nhờ cậy.
         
Thật vậy, phải diễn tả như thế nào cho phải nhỉ! Bởi chỉ cần nghe chuông điện thoại là tôi mừng quýnh lên rồi, chạy bổ tới trong lòng đầy hồi hộp và bắt đầu nhấc ống nghe lên: “a lô ai đấy ạ! Vâng ạ, mười phút nữa chú gọi lại ạ!”. Mỗi khi có người thân của cô Sáu, chú Hùng, thím Phương hay ai đấy gọi điện về nhờ nhà tôi kêu họ tới để nghe điện của người thân.
         
Điều kỳ diệu của chiếc ống nghe khiến những người lắng điện mừng vui hết cỡ đến nghẹn ngào khi giọng nói của người thân vang lên, họ như đang thì thầm bên tai, như gần nhau trong gang tấc.

Vợ chồng xa nhau, con xa bố, mẹ xa con hay anh xa em, nhiều khi là hai người yêu thầm nhớ trộm yêu thì thầm qua cái ống nghe điện thoại mà thấy vui biết chừng nào.

Từ khi nhà tôi có điện thoại lúc nào cũng có khách, những hôm thứ bảy chủ nhật là đông hơn cả bởi VNPT giảm cước, nên ai cũng đợi để được trò chuyện với người chồng, với người vợ, với đứa con xa quê được lâu hơn, những lời dặn dò được chỉn chu hơn...

Không chỉ làng tôi mà cả làng bên cũng nhờ điện thoại để nghe những lời dặn dò, những trăn trở hay những công việc của người thân đi xa. Chính điều này mà tôi nhận ra rằng, chiếc điện thoại là cầu nối vô hình để xích người với người gần nhau.

Bố tôi bận tiếp khách nhiều hơn, nhưng điều này không làm bố bực tức hay khó chịu mà tôi thấy bố vui hơn. Công việc của bố cũng bớt phải đi đi lại lại nữa mà bấy giờ chỉ cần nhấc ống nghe lên và bấm số, chỉ một thoáng là công việc đã xong, thay cho trước kia bố phải đạp cọc cạch cả mấy cây số chỉ để báo tin.

Tôi có một niềm vui nho nhỏ từ chiếc điện thoại ấy là được nghe những giọng nói từ bốn phương gọi về và mỗi khi nhấc ống nghe lên, tôi cảm nhận được sự hồi hộp, sự vui mừng hệt như sau này lúc xa quê gặp được người cùng quê kiểu gì cũng đứng lại hỏi chuyện xúm xít.

Năm sau, hệ thống dây cáp cũng như các chính sách hỗ trợ để mắc điện thoại cũng dễ dàng, thuận tiện hơn nên hai nhà, ba nhà, bốn nhà...cũng mắc điện thoại. Tôi ít có cơ hội đi gọi làng xóm đến lắng điện thoại, nhưng bố tôi thì mừng lắm, bởi thấy được sự cần thiết của điện thoại và không thể thiếu đối với gia đình và làng xóm. Chiếc điện thoại đã trở nên vật thiết yếu trong mỗi gia đình.

Tôi lớn lên với tuổi thơ đầy tình yêu thương, đùm bọc của gia đình, làng xóm. Giờ đây chiếc điện thoại bàn hầu như gia đình nào trong làng tôi cũng có, nó không thể thiếu trong từng gia đình được. Những chiếc di động kêu tít tít đâu đó dần thay thế cho những chiếc điện thoại bàn, công nghệ ngày càng tiên tiến, càng phát triển.

Tôi đi học xa, lòng luôn hướng về quê hương, luôn hướng về nơi đã sinh ra và lớn lên. Mỗi khi thấy nhớ nhà lại bấm số 0373630...chỉ cần được nghe giọng nói ấm áp của mẹ hay giọng ồm ồm mà sâu lắng của bố, tôi đã thấy ấm lòng biết mấy. Lòng tôi lâng lâng một cảm giác khó tả.

“Alô mẹ ạ! Alô bố ạ!” câu cửa miệng của tôi mỗi khi nhấc máy và gọi cho bố mẹ. Nơi bình yên đang mong tôi, đang chờ tôi và trái tim tôi vẫn hướng về phía ấy. Cầm chiếc di động tôi mỉm cười và tự hỏi rằng “tại sao cuộc sống này lại  tươi đẹp thế nhỉ?”./.

 

Lê Văn Bảo