Diễn tiến mới về vụ chiếc Boeing 777 bị mất tích: Nó đã nổ tung trên không?

09:24, 10/03/2014

Suốt ngày qua, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, truy tìm nguyên nhân chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines mất tích của các nước đã vào cuộc. Một số phát hiện cho thấy, nghi vấn mảnh vỡ của máy bay ở trên không và trên biển. Nếu nó đã bị nổ ở trên không, khả năng bị không tặc rất cao?!

Cuộc liên lạc cuối cùng của chuyến bay MH370 trước khi mất tích

Một phi công lái Boeing 777 khác, đề nghị không nêu danh, bay trước chuyến bay MH370 30 phút cho báo New Sunday Times hay, khi máy bay của ông đang ở không phận Việt Nam (trên đường tới sân bay Narita, Nhật) thì nhận được yêu cầu của kiểm soát viên không lưu Việt Nam, đề nghị sử dụng tần số cấp cứu của máy bay (ông) để liên lạc với chuyến bay MH370 - do kiểm soát viên không lưu mất liên lạc, trước khi máy bay của Malaysia Airlines mất tích.

"Chúng tôi cố thiết lập liên lạc với MH370 ngay sau lúc 1h30 và hỏi họ liệu đã vào không phận Việt Nam chưa. Giọng nói phía bên kia có thể là cơ trưởng Zaharie (Ahmad Shah, 53 tuổi) hoặc Fariq (Abdul Hamid, 27 tuổi), nhưng tôi dám chắc đó là phi công phụ. "Lúc đó, sóng rất nhiễu, nhưng tôi có thể nghe thấy tiếng lầm bầm ở phía bên kia. Đó là lần cuối chúng tôi nghe thấy họ sau đó chúng tôi mất liên lạc.", phi công trên cho hay.

Theo viên phi công này, những ai ở cùng tần số vào thời điểm đó đều có thể nghe thấy cuộc trao đổi. Cả những người ở trên các con tàu ở biển phía dưới, đều có thể nghe được. "Nếu máy bay gặp trục trặc, chúng tôi đã nghe thấy phi công thực hiện cuộc gọi cấp cứu. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng, giống như tôi, không ai nghe thấy nó".

"Sau một quãng thời gian im lặng, đề nghị lại được nhà chức trách Việt Nam lặp lại là cố thiết lập liên lạc với chuyến bay MH370", tuần báo trên trích lời viên phi công.

Vết dầu loang trên biển: Là thủy triều màu cam

Các vết dầu loang được xác định chiều ngày 8/3 là không có khi tổ bay tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam sáng 9/3 hạ độ cao xuống để kiểm tra và xác định kỹ. Đây là khu vực bãi cạn của Cà Mau.

Đặc thù ở bãi cạn là khi có dòng chảy thì xuất hiện màu cam, nếu nhìn từ trên cao xuống có thể nghi vấn là vết dầu loang, nhưng thực tế không phải. Đại tá Trần Văn Quang – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 không quân Việt Nam vừa thực hiện chuyến bay tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích khi trở về đất liền đã có cuộc trao đổi với báo chí và cho biết như thế. Ông nói thêm, thời tiết quanh khu vực tìm kiếm tương đối thuận lợi. Vào buổi chiều hôm nay, gió ngoài biển rất lớn, xuất hiện nhiều mây quy tụ ở độ cao thấp.

Trên tầm cao hơn, cũng có 4 máy bay của không quân Malaysia và Singapore cũng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ và quan sát.

Phát hiện mảnh vỡ máy bay mất tích?

Tờ Bưu điện Hoa Nam (Hongkong) buổi sáng 9/3 đã đăng tải các bức hình trông giống như những mảnh vỡ của máy bay MH370 - hiện vẫn chưa rõ tung tích. Những bức hình này cũng được đăng tải trên nhiều trang mạng xã hội của Trung Quốc.

Theo đó, một hành khách trên chuyến bay khác của Malaysia, bay sau chuyến bay MH370 đã chụp được những bức hình xuất hiện những mảnh vỡ ở trên không, được cho là những mảnh vỡ của máy bay MH370 bị mất tích sáng ngày 8/3. Những hình này này được chụp vào thời điểm cách thủ đô của Malaysia khoảng 90 phút bay.

 

Ảnh chụp từ độ cao 11.000m, của một hành khách, nghi là mảnh vỡ của máy bay.

Hiện chưa thể khẳng định rõ rằng các mảnh vỡ này gồm những gì, có phải là những mảnh vỡ từ chiếc Boeing 777, chuyến bay MH370 hay không, nhưng hình ảnh và địa điểm mà hành khách này chụp được gần như trùng khớp với khu vực mà vào thời điểm ở đó, chiếc máy bay Boeing 777 kia đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu.

Việt Nam phát hiện mảnh vỡ trên biển, nghi là cửa sổ của chiếc Boeing mất tích

Vào khoảng 18h35, khi bay ở tầm thấp, chiếc thủy phi cơ của cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện được “một vật thể lạ”, nghi là mảnh vỡ từ cửa sổ của máy bay Boeing 777 bị mất tích, tại tọa độ có vị trí 8 độ 47 phút 32 giây vĩ bắc, 103 độ 22 phút 26 giây độ kinh đông, cách đảo Thổ Chu 80km. Mảnh vỡ được xác định là composite, nghi là miếng ốp bên trong cửa sổ của máy bay.

Tọa độ điểm phát hiện vật thể nghi vấn là mảnh vỡ chiếc Boeing 777.

Tuy nhiên, do trời đã gần tối nên chiến thủy phi cơ phải bay về, ngày 10/3 (hôm nay) sẽ quay trở lại tìm kiếm, vớt vật thể lạ để xác minh. Cùng đó, ngay tối 9/3, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam đã điều tàu ra vị trí vừa phát hiện vật thể nghi là cửa sổ máy bay vỡ để xác minh, trục vớt nếu có điều kiện phù hợp.

 

Hình ảnh vật thể nghi là mảnh cửa sổ máy bay (Chụp từ thủy phi cơ của cảnh sát biển).

Máy bay Boeing 777 mất tích định bay vòng trở lại?

Ở góc độ khác, trang tin AsiaOne dẫn lời ông Rodzali Daud, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia, cho biết: "Tất cả những gì chúng tôi đã làm là theo dõi lại dữ liệu trên ra đa mà chúng tôi có và nhận thấy rằng có khả năng máy bay đã định quay trở lại. Một trong những khả năng đó là chiếc máy bay đã định trở lại Kuala Lumpur".

Ông Rodzali cho biết, việc máy bay định quay trở lại “được thấy rõ trên ra đa dân sự'.

Điều này chắc chắn sẽ được làm rõ trong quá trình xác minh nguyên nhân chiếc Boeing 777 bị mất tích.

Có ít nhất 4 hành khách khả nghi trên chiếc máy bay mất tích

Các nhà chức trách Malaysia đang điều tra bản kê khai hàng hóa của toàn bộ hành khách trên chuyến bay MH370 sau khi phát hiện ra 4 hành khách khả nghi trên chuyến bay mất tích hôm 8/3.

Ngoài hai người đàn ông khả nghi, một Italia và một người Áo đã cho biết, họ không có mặt trên chuyến bay Boeing 777-200ER cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur như thông tin Xã Hội Thông Tin đã đưa, còn có hai hành khách người châu Âu khác vẫn chưa được làm rõ danh tính.

Bốn hành khách khả nghi này đều mua vé của China Southern Airlines, hãng hàng không đối tác của Malaysia Airlines trên chặng Kuala Lumpur-Bắc Kinh, báo Malaysia Insider cho hay.

"Chúng tôi sẽ điều tra toàn bộ chứ không chỉ 4 hành khách", báo Malaysia Insider dẫn lời quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein tuyên bố sáng 9/3.

Interpol: Không có ai kiểm về 2 cuốn hộ chiếu mất cắp

Hãng tin Reuters dẫn nguồn của Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) ngày 9/3 cho hay, tổ chức này đang "điều tra thêm một số cuốn hộ chiếu đáng ngờ khác." Interpol cho biết, ít nhất 2 cuốn hộ chiếu, được xác định là thất lạc hoặc bị mất cắp, trong cơ sở dữ liệu của họ đã được hành khách trên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines sử dụng.

Theo Interpol, không hề có quốc gia nào kiểm tra dữ liệu của họ về một cuốn hộ chiếu Áo và một cuốn hộ chiếu Italy trong thời gian chúng bị đánh cắp và thời điểm máy bay cất cánh.

"Dù còn quá sớm để phỏng đoán về bất kỳ mối liên hệ nào giữa những cuốn hộ chiếu bị đánh cắp này và chiếc máy bay bị mất tích. Điều lo ngại rõ ràng là bất kỳ hành khách nào cũng có thể lên một chuyến bay quốc tế với cuốn hộ chiếu bị mất cắp mà thực tế đã nằm trong hồ sơ của Interpol." - Tổng thư ký Interpol Ronald Noble phát biểu trong một tuyên bố.

Dữ liệu của Mỹ cho thấy máy bay Malaysia không bị nổ

Tờ New York Times cho biết "các dữ liệu tình báo sơ bộ" của Lầu Năm Góc cho thấy, chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines không hề bị nổ ở Biển Đông. Báo này đã dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên, nói rằng "Một hệ thống đặc chủng phát hiện mọi đốm sáng trên toàn thế giới" không hề phát hiện dấu hiệu nào của một vụ nổ trong khoảng thời gian đó.

Các quan chức Mỹ cho biết, họ đang điều tra những mối quan ngại về khủng bố.

Còn các phi công và các chuyên gia hàng không thì cho rằng, có vẻ một vụ nổ trên máy bay là nguyên nhân của thảm họa. Chiếc máy bay khi đó đang ở độ cao phù hợp, là giai đoạn an toàn nhất của chuyến hành trình và có khả năng đang để ở chế độ lái tự động.

"Đó không phải là một vụ nổ, không phải bị sét đánh hay một vụ giảm áp suất nghiêm trọng nào," - Một cựu phi công của Malaysia Airlines đã nói với Reuters. "Chiếc Boeing 777 có thể bay cả khi có sét hay thậm chí một vụ giảm áp suất nghiêm trọng. Nhưng nếu xảy ra một vụ nổ thì không có cơ hội nào. Thế là hết."

John Goglia, một cựu ủy viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho rằng việc không hề có một cuộc gọi cấp cứu nào chứng tỏ có thể máy bay bị nổ do áp suất hoặc bị phá hủy do một thiết bị nổ. "Chắc là nó xảy ra rất nhanh vì không hề có liên lạc nào," Goglia nói.

Thắt chặt an ninh tại nhiều sân bay

Từ ngày 9/3, sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng về việc tăng cường kiểm tra, giám sát an ninh hàng không, vấn đề an ninh đã được thắt chặt, được nâng lên cấp độ I tại các Cảng vụ Hàng không và sân bay trong nước.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất công tác an ninh tại nhà ga quốc nội và quốc tế đã được tăng cường. Lực lượng an ninh hàng không phối hợp cùng Cảnh sát 113 và công an quận Tân Bình tuần tra liên tục tại các khu vực bên trong và ngoài nhà ga. Những người không phải là hành khách trên các chuyến bay được khuyến cáo không nên ra vào khu vực hạn chế.

Theo nguồn tin từ Trung tâm hàng không Tân Sơn Nhất, đơn vị này đã nâng quân số thêm 40% đề tăng cường tuần tra phòng ngừa những bất trắc có thể xảy ra.

Các thiết bị như máy ngửi mùi cũng được sử dụng nhằm phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm an ninh hàng không, nhằm ngăn ngừa những tình huống xấu.

Tại nhiều sân bay của các nước khác, như Trung Quốc, Malaysia, Indonexia,… công tác thắt chặt an ninh cũng diễn ra tương tự.

Thanh Trà (tổng hợp)