Boeing 777 của Malaysia vừa mất tích là mẫu máy bay an toàn nhất
Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines gặp nạn sáng nay (8/3) tại vùng biển tiếp giáp giữa Malaysia và Việt Nam là một trong những chiếc máy bay nổi tiếng nhất thế giới về độ an toàn.
Mẫu máy bay phản lực khổng lồ có tầm bay xa này đã giúp kết nối những đường bay dài trên khắp thế giới, với các chuyến bay lên đến 16 tiếng. Nhưng ấn tượng hơn hết chính là hồ sơ an toàn của nó: Vụ tai nạn chết người đầu tiên và duy nhất trong lịch sử 19 năm tồn tại của Boeing 777 chỉ đến vào tháng 7 năm ngoái khi một máy bay của hãng Asiana Airlines (Hàn Quốc) gặp tai nạn vì thiếu đường băng khi hạ cánh xuống sân bay ở San Francisco. Vụ tai nạn đó đã cướp đi sinh mạng của 3 trong số 307 người có mặt trên máy bay.
Nhiều hãng hàng không trên thế giới ưa chuộng Boeing 777 bởi nó có khả năng bay vượt khoảng cách dài nhờ trang bị 2 động cơ khổng lồ. Mỗi động cơ của 777 lớn đến nỗi 5 chiếc xe buýt có thể xếp thành hàng vừa vặn bên trong nó. Và với công nghệ 2 động cơ này, 777 tiết kiệm nhiên liệu hơn rất nhiều so với các loại máy bay có 4 động cơ - như Boeing 747 chẳng hạn. Về cơ bản, 777 cũng được làm ra để thay thế cho 747.
Theo Richard Aboulafia, một chuyên gia tư vấn hàng không của tập đoàn Teal Group, “777 đã mang lại một tiêu chuẩn mới trong trong cả 2 lĩnh vực hiệu quả và an toàn. Riêng về độ an toàn thì 777 đang là mẫu máy bay có hồ sơ an toàn đứng số 1 trong tất cả các loại máy bay từng được làm ra".
Bên cạnh vụ tai nạn của Asiana Airlines năm ngoái, chỉ có sự cố nghiêm trọng khác xảy đến với 777 vào tháng 1/2008 khi một máy bay của British Airways đã trượt đến 305m ra khỏi đường băng tại sân bay Heathrow (London).
Và tháng 8/2005, Malaysia Airlines cũng đã gặp phải một sự cố nhỏ với 777 trong chuyển bay thẳng từ Perth (Australia) đến Kuala Lumpur - thành phố lớn nhất của Malaysia. Theo đó, trong khi đang bay ở độ cao 11.580m trên vùng biển Ấn Độ Dương, phần mềm đo đạc của chiếc máy bay này đã không đo chính xác tốc độ và khả năng tăng tốc, gây sự cố đột ngột mất độ cao 915m. Phi công của chuyến bay này đã phải bỏ chế độ lái tự động, quay lại và hạ cánh an toàn ở Perth. Ngay sau đó, bản sửa lỗi phần mềm này đã nhanh chóng được cập nhật cho tất cả mẫu 777 đang lưu thông trên thế giới.
Hiện tại, Malaysia Airlines đang có 15 chiếc Boeing 777-200ER trong phi đội tổng cộng 100 chiếc của mình. 200ER là một trong 4 phiên bản của 777. Chiếc đầu tiên của model này được chuyển giao vào ngày 23/4/1997, chiếc gần đây nhất chuyển giao vào ngày 13/12/ 2004, dựa theo công bố chính thức của Boeing.
777 có khả năng bay 7.250 dặm không nghỉ, sử dụng hai động cơ Rolls-Royce Trent 875, mỗi động cơ có thể tạo ra lực đẩy nặng 74.600 pound (~33,8 tấn). Boeing 777 có thể bay với tốc độ Mach 0,84 , tương đương gần 640 dặm/giờ (~1.000 km/giờ). Gần đây, Boeing đã giới thiệu phiên bản mới của 777 với giá 261,5 triệu USD (giá công bố, giá mua từ các hãng thường được thỏa thuận riêng).
777 mẫu máy bay hai động cơ đầu tiên được chứng nhận bay vượt đại dương (hay thời gian bay trên 180 phút) từ bất kỳ sân bay hạ cánh khẩn cấp nào. Nhiều cơ quan quản lý an toàn bay ở khắp nơi trên thế giới cũng đã xác định rằng 777 có thể bay trong gần ba giờ liền chỉ với một động cơ duy nhất trong trường hợp khẩn cấp.
Việc có được nhiều sự chấp thuận từ chính phủ các nước như vậy đã cho phép các hãng hàng không mở tuyến bay thẳng xuyên lục địa - ví dụ như từ New York đến Hong Kong - sử dụng Boeing 777.
Chuyến bay vào sáng thứ Bảy 8/3 của Malaysia Airlines đi từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh kéo dài trong 5,5 tiếng - một trong những đường bay ngắn nhất thế giới của 777. Chiếc 777 xấu số này của Malaysia Airlines đã được hiệu chỉnh để chở được tổng cộng 282 hành khách với hạng thương gia và ghế thông thường.
Ngoài sự an toàn bay đường dài, các hãng hàng không cũng rất yêu thích 777 bởi khoang bụng khổng lồ mang lại khả năng chứa hàng cực lớn của nó sẽ mang lại lợi nhuận cao cho mỗi chuyến bay. Khi trống, 777 có trọng lượng 316.800 pound (~143 tấn) nhưng khi bay có thể mang theo đến 340.000 pound (~155 tấn) bao gồm hành khách, hành lý, hàng hóa và nhiên liệu. Lưu ý rằng, tổng số lượng hành lí của tất cả hành khách nhiều nhất cũng chỉ chiếm chưa tới 1/3 không gian chứa hàng của 777.
Kể từ chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không United Airlines vào tháng 6/1995, Boeing đã chuyển giao 1.030 chiếc 777 trên toàn thế giới. Vào năm ngoái, Boeing đã công bố kế hoạch xây dựng thêm 1 phiên bản mới hơn, lớn hơn để bổ sung vào đội ngũ 4 mẫu 777 đang có hiện nay.
Phương Thảo (Theo Wall Street Journal)