Điều gì khiến Mỹ có thể gây áp lực lên TSMC
Từ vụ việc bộ xử lý AI mới nhất của Huawei "bị nghi" do TSMC sản xuất trong sản phẩm mới của hãng, Bộ Thương Mại Mỹ đã mở cuộc điều tra để xem liệu TSMC có thỏa thuận bán hàng hay sản xuất cho Huawei không, vì ông lớn Trung Quốc này vẫn đang bị Mỹ cấm vận do lo ngại an ninh quốc gia. Là một ông lớn trong ngành bán dẫn toàn cầu, TSMC vẫn phải tôn trọng các quyết định của nhà chức trách Mỹ trong vụ việc liên quan đến Huawei gần đây.
Huawei là một trong những ông lớn của ngành công nghệ Trung Quốc vẫn đang bị Mỹ cấm vận do lo ngại an ninh quốc gia kể từ tháng 8/2020, có nghĩa là công ty này bị cấm kinh doanh với TSMC và các đối tác sản xuất chip khác của Mỹ nếu không có giấy phép của chính phủ Hoa Kỳ.
TSMC phải tuân thủ các quy định xuất khẩu nghiêm ngặt của Mỹ.
Hầu hết mọi người đều biết rằng lệnh cấm này ngăn chặn Huawei sử dụng công nghệ Mỹ và bán thiết bị tại Mỹ (trừ khi có giấy phép đặc biệt). Nhưng, thực tế là, Mỹ cũng có quyền mở rộng lệnh cấm đến không ít các công ty quốc tế khác, ví dụ như ARM, Sony, Samsung Display..., và như trong vụ việc này là TSMC, nhằm ngăn chặn Huawei sử dụng các công nghệ, sản phẩm tiên tiến của những công ty này trong sản phẩm của họ.
Dù TSMC hiện đã có tiềm lực rất mạnh, đến nỗi Intel và Samsung gần đây còn ấp ủ kì vọng liên kết với nhau để tăng sức cạnh tranh. Song, ông lớn bán dẫn đang xếp hạng 2 thế giới vẫn phải e dè trước lời răn đe của Mỹ.
Việc Mỹ can thiệp vào hoạt động của TSMC liên quan đến việc bán công nghệ cho Huawei xuất phát từ vai trò chi phối của Mỹ trong ngành công nghệ bán dẫn toàn cầu, đặc biệt là các quy định về xuất khẩu công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ.
Phần lớn các thiết bị và công nghệ quan trọng mà họ sử dụng trong sản xuất chip của TSMC đều dựa trên công nghệ Mỹ. Đặc biệt là những chip nhỏ hơn 7nm, phụ thuộc vào các công cụ và phần mềm từ các công ty Mỹ như Applied Materials, Lam Research, KLA, và Cadence Design Systems.
Nhà chức trách Mỹ có quy định xuất khẩu rất chặt chẽ thông qua Luật Quản lý Xuất khẩu (Export Administration Regulations, EAR), theo đó nếu một sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ (thậm chí nếu chỉ là một phần nhỏ), thì công ty sản xuất phải tuân theo các lệnh cấm vận của Mỹ.
Do đó, Mỹ có thể gây áp lực khiến TSMC phải tuân thủ các quy định này khi quyết định bán sản phẩm cho một bên thứ ba và trong trường hợp này là Huawei của Trung Quốc. Những quy định xuất khẩu này của Mỹ áp dụng trên toàn cầu đối với bất kỳ công ty nào sử dụng công nghệ Mỹ và Mỹ sử dụng quyền lực này để ngăn chặn sự phát triển của Huawei, đây cũng là một phần của chiến lược lớn nhằm kìm hãm sự cạnh tranh công nghệ từ Trung Quốc.