Định hướng nghiên cứu đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2026-2030 của Việt Nam

14:05, 20/02/2025

Cộng đồng khoa học cùng chung tay, phối hợp chặt chẽ nhằm góp phần trực tiếp vào việc phát hiện những nút thắt cần phải giải quyết của nền kinh tế, từ đó đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2026-2030 của Việt Nam.

Ngày 19/2/2025 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã diễn ra Hội thảo khoa học “Các vấn đề cần nghiên cứu đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP hai số trong giai đoạn 2026-2030 của Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Để hiện thực hóa mục tiêu này, nền kinh tế Việt Nam cần có đột phá mạnh mẽ, đặc biệt là phấn đấu đạt tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Thứ trưởng nhấn mạnh, Hội thảo cần xác định các nhóm vấn đề then chốt của nền kinh tế, từ đó đưa ra được các khuyến nghị và định hướng nghiên cứu phù hợp để đạt mục tiêu tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn tới. 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong phát biểu của mình, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và hướng tới mức 10% trong các năm tiếp theo, cần có những giải pháp khoa học, khả thi và mang tính đột phá. Theo đó, ông gợi mở một số hướng nghiên cứu như: Những vấn đề đặt ra nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới; Nghiên cứu đề xuất phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới; Nhận diện các nút thắt thể chế ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới, coi cải cách thể chế là chìa khoá để bước vào kỷ nguyên mới của nền kinh tế; Phát triển kinh tế khu vực tư nhân…

Ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, các nghiên cứu không chỉ dừng lại ở lý luận chung mà phải gắn chặt với định hướng và chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; cần thực hiện nhanh, đảm bảo tính khoa học, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra. 

Phó Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Báo cáo tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Hồng Chương, Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” (KX.01/21-30) cho biết, các Chương trình KX.01 trước đây đã đóng góp đáng kể vào việc hoạch định chính sách và phục vụ cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở các giai đoạn trước. Tuy nhiên, một số mục tiêu vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, đòi hỏi cách tiếp cận mới phù hợp với bối cảnh thực tiễn. Vì vậy, Chương trình KX.01/21-30 đã đặt ra mục tiêu: Đánh giá toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2020, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, đặc biệt hướng đến mục tiêu cụ thể là tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Để làm được điều này, theo ông Phạm Hồng Chương, cần tập trung vào ba nhóm vấn đề chính là: Phương thức tác động đến tổng cầu; Phương thức tác động đến tổng cung; Nghiên cứu ổn định kinh tế vĩ mô. Qua đó, kỳ vọng sẽ mang lại những giải pháp đột phá, góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững trong thập kỷ tới.

GS.TS. Phạm Hồng Chương, Chủ nhiệm Chương trình KX.01/21-30 báo cáo tại Hội thảo.

Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, năm 2025 sẽ đóng vai trò như một năm tập dượt, tạo bước đệm quan trọng cho giai đoạn 2026-2030. Để đạt được tăng trưởng cao, Việt Nam cần: (i) Tổng hợp, phân tích dữ liệu và học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để rút ra mô hình tăng trưởng phù hợp; (ii) Nghiên cứu và hình thành các cụm ngành kinh tế quốc gia dựa trên Nghị quyết 57, trong đó xác định rõ bốn ngành mũi nhọn: sản xuất công nghệ cao, kinh tế số - kinh tế dữ liệu, kinh tế xanh và kinh tế y sinh, gắn với chiến lược phát triển thông minh; (iii) Nghiên cứu sâu về cơ chế đầu tư và huy động nguồn lực vào các ngành mũi nhọn, đặc biệt ưu tiên hai vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; (iv) Hình thành quỹ chính sách và chiến lược quốc gia, cho phép sử dụng vốn nhanh hơn, linh hoạt hơn và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Những định hướng này sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế và tạo nền tảng vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển bứt phá.

TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tập trung vào một số vấn đề như: Nhận diện bối cảnh phát triển mới, yêu cầu và nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Ổn định kinh tế vĩ mô trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới; Nhận diện các nút thắt trong phát triển phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam; Nhận diện những thách thức của bối cảnh thế giới và đưa ra các vấn đề cần nghiên cứu nhằm đảm bảo khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh mới; Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; Tiềm năng kinh tế của trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của AI đến nền kinh tế Việt Nam; Nghiên cứu cơ chế về phát triển đặc khu kinh tế…

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, những trao đổi của các đại biểu không chỉ mang lại góc nhìn sâu sắc mà còn đưa ra các đề xuất thiết thực, góp phần định hướng nghiên cứu trong khuôn khổ Chương trình KX.01/21-30. Thứ trưởng đề nghị, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả ứng dụng của các đề tài nghiên cứu trước đây, từ đó rút kinh nghiệm và

định hướng xây dựng đề tài mới, đồng thời có cơ chế hỗ trợ kinh phí để đảm bảo thực hiện hiệu quả đề tài. 

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Ban Chủ nhiệm Chương trình cùng các nhà khoa học sẽ chung tay, phối hợp chặt chẽ nhằm góp phần trực tiếp vào việc phát hiện những nút thắt cần phải giải quyết của nền kinh tế, từ đó đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu trong giai đoạn tới nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Toàn cảnh Hội thảo.