Trong thời gian gần đây, ở TP. HCM xuất hiện nhiều điểm bán các mặt hàng “đồ chơi laptop” với mức giá siêu rẻ. Đi kèm sự hấp dẫn về giá cả, các sản phẩm này còn tạo ấn tượng bởi được người bán quảng cáo là mới 100% và bảo hành trong thời gian dài,… do đó rất đông sinh viên, học sinh và mọi người chọn mua. Đã có không ít lời phàn nàn trên các diễn đàn công nghệ về những món sản phẩm này. Vậy thực hư những món hàng trên từ đâu ra?
Từ những cửa hàng vỉa hè
“Đồ chơi laptop giá rẻ đây anh chị ơi”, đang đi dạo trên đường Sư Vạn Hạnh (TP. HCM), chúng tôi bỗng bị gọi giật lại bởi tiếng rao của một cô gái đứng bên vệ đường. Do cũng đang có nhu cầu mua một số linh kiện cho laptop nên chúng tôi ghé vào để xem có gì hấp dẫn.
Chuột mini giá 35 nghìn đồng, chuột dây rút 40 nghìn, chuột không dây 60 nghìn,… hay các miếng cách nhiệt, bút cảm ứng, webcam,… tất cả đều có giá rất rẻ theo danh mục giá mà cô gái đưa cho chúng tôi. Khi chúng tôi tỏ ý nghi ngờ vấn đề chất lượng của các món hàng thì cô gái khẳng định chắc như “đinh đóng cột” rằng bên bán sẽ bảo hành với thời gian tương đương như sản phẩm mua trong các cửa hàng linh kiện máy tính trong thành phố…
Theo ghi nhận của chúng tôi, dạng “cửa hàng vỉa hè” này xuất hiện với tốc độ và mật độ ngày càng nhiều trong phạm vi trung tâm thành phố, nhất là ở những nơi gần với các trường đại học. “Nguồn hàng chúng em có mối từ các nhà phân phối lớn và không phải đóng thuế nên giá mới rẻ như thế đó anh”, Liêm – chủ một sạp hàng ngay trước cổng trường đại học Khoa Học Tự Nhiên TP. HCM cho chúng tôi biết khi được hỏi về nguyên nhân giá các “đồ chơi laptop” này lại rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại bán ở các cửa hàng.
Cho tới những sạp hàng online
Các món “đồ chơi laptop giá rẻ” hiện không chỉ bắt gặp ở các “sạp vỉa hè” mà hiện nay còn lan tràn trên mạng với muôn hình vạn trạng. Để thử nghiệm, chúng tôi lên Google gõ vài từ khóa quen thuộc mà bất kỳ ai cũng có thể nghĩ ra và nhanh chóng thu được hàng triệu kết quả về những địa chỉ quảng cáo bán các món đồ công nghệ cho laptop, PC với mức giá khá rẻ. Theo Hoàng, quản trị một diễn đàn Tinhte.vn thì những dạng quảng cáo này có thể được chia làm hai loại, một là nhóm các cửa hàng có thực nhưng cũng đem các sản phẩm của mình lên mạng để quảng cáo nhằm tìm thêm khách hàng. Nơi đăng quảng cáo hoặc nơi đặt các gian hàng trực tuyến của nhóm này thường nằm trên các website – chợ thương mại điện tử phổ biến ở Việt Nam.
Một dạng khác là những người “buôn bán nhỏ lẻ” nhờ các quan hệ hoặc dịp may nào đó mà có được các nguồn hàng với số lượng lớn nên đem lên các forum để rao vặt cho những ai cần mua. Thường hàng của nhóm này có giá cực rẻ và được bán trực tiếp dựa trên… niềm tin và chất lượng không được bảo đảm bằng bất kỳ cơ chế nào. “Đã có không ít lời phàn nàn trên các diễn đàn công nghệ về những món sản phẩm này hoặc tố giác nickname nào đó đưa ra các lời rao vặt lừa đảo để trục lợi nhưng dường như mọi người vẫn không thể thoát khỏi sức cuốn hút của những món hàng trên. Giá của chúng rẻ đến mức nhiều người vẫn chấp nhận mạo hiểm theo kiểu, được ăn cả, ngã về không”, Hoàng nhận định.
Người mua nên thận trọng
Theo các nhà quan sát, các món đồ công nghệ được bán ở Việt Nam hiện nay có thể được chia thành 3 dạng, một là hàng chính hãng có bảo hành từ nhà sản xuất và trên mọi sản phẩm đều có các yếu tố đánh dấu bản quyền và khẳng định đó là hàng thật. Nhóm sản phẩm này thường có giá tương đối cao nhưng bù lại chất lượng bảo đảm và bền.
Dạng thứ hai là những sản phẩm giả, nhái từ Trung Quốc được bán với mức giá thấp hơn so với các sản phẩm chính gốc từ 30-50%. Chế độ bảo hành của những sản phẩm này tương tự như sản phẩm gốc hoặc thậm chí còn được bảo hành theo dạng 1 đổi 1 (hỏng cái nào, đổi cái đó). Nhóm sản phẩm này được khá đông người ưa chuộng mua vì giá rẻ nhưng về lâu dài, các thiết bị trên thường hoạt động kém ổn định và hư hỏng lặt vặt.
Nhóm sản phẩm thứ ba là các mặt hàng dùng rồi (hàng secondhand) và được “tút” lại để đem ra bán như hàng mới. “Các món bán vỉa hè hoặc hàng siêu rẻ trên mạng thường thuộc nhóm thứ 2 và thứ ba”, phóng viên phân tích thị trường của một tờ báo mạng cho biết. “Về chất lượng, nếu người dùng mua các thiết bị không quan trọng như chuột, bàn phím, tản nhiệt, bút cảm ứng,… thì hoàn toàn có thể mua các sản phẩm này nhưng nếu trong trường hợp mua các thiết bị để lưu dữ liệu như USB, ổ cứng,… thì nên tránh bởi các thiết bị trên có thể hư hỏng vào bất kỳ lúc nào khiến dữ liệu mất hết. Khi ấy, lợi sẽ bất cập hại”.
Ngoài ra, khi mua các sản phẩm như thế này, bạn cần “hỏi địa chỉ người bán để được bảo hành khi có các trục trặc bởi nhiều trường hợp, người bán, bán xong là… biến mất luôn khiến khổ chủ không biết đường nào để liên lạc. Nếu có thể, mua tại các cửa hàng có địa chỉ nhưng mắc hơn 5-10 nghìn đồng vẫn an toàn hơn”, một chuyên gia kết luận.
Quyên Thi