Doanh nghiệp lớn với trách nhiệm phát triển đất nước nhanh và bền vững

14:54, 11/02/2025

Ngày 10/2/2025, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài viết chia sẻ sâu sắc về trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Cổng TTĐT Bộ TT&TT trân trọng giới thiệu nội dung bài viết của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Hội nghị của Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tăng trưởng bằng các động lực truyền thống đã dần tới hạn. Chúng ta có thể tăng trưởng tới 7% bằng các động lực truyền thống. Tăng thêm, từ 7% tới 10% thì phải tìm các động lực tăng trưởng mới. 3% tăng trưởng mới này chỉ có thể đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS). Nông nghiệp đã giúp Việt Nam thoát nghèo. FDI, công nghiệp đã giúp Việt Nam thành nước thu nhập trung bình. Để trở thành nước thu nhập cao thì phải dựa vào KHCN, ĐMST và CĐS. Bộ 3 KHCN, ĐMST và CĐS là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển KT-XH, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, phát triển bứt phá, giầu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn phải đi đầu về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số (CN và CĐS), từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng ứng dụng CN và CĐS, khơi dậy làn sóng KHCN của nước nhà. Các doanh nghiệp lớn nên tăng chi cho đổi mới CN, cho CĐS. Tăng chi thì thúc đẩy tăng trưởng GDP của đất nước. Tăng chi cho CN và CĐS thì tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tăng chi cho CN và CĐS thì tạo thị trường cho các doanh nghiệp CN và CĐS của Việt Nam, làm phát triển các doanh nghiệp này. Vậy là một mũi tên trúng mấy đích.

Hiện nay, nhu cầu về các trung tâm dữ liệu đang rất lớn, ở phạm vi toàn cầu. Mỗi năm, thế giới tăng thêm 10 GW, các trung tâm dữ liệu xây chưa xong đã có người thuê ngay, hợp đồng thuê từ 10-15 năm. Việt Nam nếu chỉ đáp ứng 5% của nhu cầu này thì đã là 500MW, tức là mỗi năm phải xây dựng gần 20 trung tâm dữ liệu tương đương trung tâm dữ liệu lớn nhất hiện có của Việt Nam, là trung tâm của Viettel trên Hoà Lạc, công suất 30MW. Việt Nam có thuận lợi là đáp ứng được điện, nước sạch, điện xanh, đất đai và kết nối viễn thông tốt. Các doanh nghiệp của chúng ta hãy coi đây là một lĩnh vực đầu tư tiềm năng, thường thì chúng ta chỉ đầu tư nhà cửa, làm lạnh, công suất điện còn máy tính là do các công ty thuê các trung tâm dữ liệu sẽ đầu tư và lắp đặt. Nó hơi giống đầu tư bất động sản, nhưng sẽ biến Việt Nam thành Hub dữ liệu toàn cầu. Và đây cũng là định hướng lớn của Chính phủ.

Các công ty dịch vụ có xu hướng trở thành công ty công nghệ, nhất là công nghệ số. Hiện nay, nhiều ngân hàng, nhiều tập đoàn lớn như Vin, như Sovico, như VPB, như MB,... đã có các công ty con công nghệ số với hàng ngàn kỹ sư công nghệ số. Đây là hướng đi đúng. Các tập đoàn thương mại, dịch vụ rồi sẽ trở thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hướng đi này vừa giúp các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh bằng công nghệ, vừa chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, công nghiệp để giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây vừa là hướng đi vừa là trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị định hướng giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về CĐS, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: Vừa làm chủ tiến trình CĐS, làm chủ công nghệ CĐS và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Các doanh nghiệp lớn phải tham gia nhận làm chủ một số công nghệ chiến lược, một số dự án CĐS trọng điểm của đất nước. Nhà nước nên giao các dự án lớn của quốc gia cho doanh nghiệp Việt Nam, nếu họ chưa đủ nguồn lực thì họ thuê nước ngoài làm thuê cho họ, chứ không nên để Tây thuê ta làm các dự án Việt Nam. Có việc lớn thì doanh nghiệp Việt Nam mới lớn nên được. Doanh nghiệp sau khi đã giầu rồi thì cần có việc lớn, thách thức để tạo ra tự hào Việt Nam. Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành 5 tập đoàn công nghệ số lớn ngang tầm các nước tiên tiến.

Năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ $. Quan trọng hơn, nó đang tăng với tốc độ trên 30% mỗi năm. Chúng ta đặt mục tiêu, đến năm 2035, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tiến tới con số 100 tỷ $ và vượt xuất khẩu nông nghiệp. Tức là xuất khẩu công nghệ số Việt Nam phải cao hơn xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đây thực sự là mục tiêu rất cao, rất thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng nếu không làm được việc này thì không thể nói Việt Nam là một trung tâm khu vực và thế giới về KHCN, ĐMST và CĐS, như Nghị quyết 57 đã đặt ra. Xuất khẩu công nghệ cũng chính là phép thử đối với công nghệ Việt Nam, phép thử đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp của chúng ta phải hướng ra nước ngoài nhiều hơn, để vừa mở rộng thị trường, quy mô, vừa tăng năng lực cạnh tranh quốc tế.

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông