Doanh nhân Việt với tâm thế và sứ mệnh bước vào "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn thuộc top hàng đầu thế giới. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân
Năm nay, đánh dấu cột mốc kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), nhưng không phải giới doanh nhân chỉ mới được vinh danh trong từng đó thời gian. Sự đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp Việt đã được ghi nhận trong suốt chiều dài lịch sử, đồng hành với những thăng trầm của nền kinh tế đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu doanh nhân tiêu biểu.
Ngày 13/10, chỉ hơn một tháng sau khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã có thư gửi giới Công - Thương. Trong thư, Người viết: “Hiện nay, Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới Công Thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập Công Thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân."
Bức thư là sự nhìn nhận vai trò quan trọng của giới Công Thương mà sau này là doanh nhân Việt Nam với sự nghiệp phát triển đất nước hưng thịnh, đó là “ích quốc, lợi dân". Trải qua những biến thiên của lịch sử, sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, tầng lớp doanh nhân đã góp phần vào vị thế lớn mạnh của đất nước.
Tại chương trình Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ: Trong bối cảnh hiện nay của nước ta (với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả), chúng ta khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khuyến khích phát triển, phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam đối với sự thịnh vượng của đất nước vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc và tính thời sự nóng hổi, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước ta. Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp. "Cổ nhân có câu: "Phi công bất phú, phi thương bất hoạt" để nói nên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng".
Những phát biểu sâu sắc của Thủ tướng Phạm Minh Chính là sự ghi nhận của Đảng, nhà nước và nhân dân với doanh nhân Việt Nam trong sức vươn mình, đồng hành trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tuy nhiên doanh nhân Việt Nam vẫn cần có những bước đi mạnh mẽ hơn và cần có sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước để doanh nhân Việt Nam sẽ vững bước đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc hưng thịnh của đất nước Việt Nam. Trong bài trả lời phỏng vấn với Vietnamnet, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã nhận định: Để hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước vào nhóm các quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, mô hình phát triển như Thái Lan hay Malaysia là không đủ. Việt Nam cần hướng đến mô hình phát triển Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan - Trung Quốc). Tuy nhiên, chúng ta đã và đang phải cố gắng rất nhiều để theo kịp các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia. Việt Nam vẫn thiếu vắng các doanh nghiệp đủ tầm cạnh tranh khu vực. Trong số 50 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á năm 2024 theo bảng xếp hạng của Fortune 2024, Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp. Vingroup là doanh nghiệp lớn của Việt Nam nhưng cũng chỉ đứng ở vị trí 43.
20 năm trước, nước ta mới có chưa đầy 20.000 doanh nghiệp. Hiện tại, Việt Nam có 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động.
Nhận thấy đội ngũ doanh nhân là một trong những yếu tố cốt lõi để xây dựng kinh tế, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cũng như tầm nhìn đúng đắn, sáng tạo và cơ cấu hợp lý. Phấn đấu đến năm 2045, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ phát triển về cả quy mô và năng lực, nâng cao vị thế và uy tín khu vực quốc tế, một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu trên thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Trở lại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam mới đây, một không khí đầy tính xây dựng đã diễn ra. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gọi đó là “Hội nghị Diên Hồng”, nơi mà Chính phủ và các doanh nghiệp lớn cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước.
“Đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn. Các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác”, ông Dũng nói.
Thủ tướng với các doanh nhân tiêu biểu.
Đã đến lúc, các doanh nghiệp lớn phải đón nhận những sứ mệnh lớn lao hơn. Bởi lẽ, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói. Mà chỉ có người Việt, chỉ có những doanh nghiệp dân tộc mới có thể thực sự đưa đất nước mình đi đến đích thịnh vượng. |
Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã thảo luận các quyết sách liên quan đến xây dựng những công trình hạ tầng chiến lược, biểu tượng phát triển đất nước như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam… Nhưng trên hết, những định hướng đột phá trong phát triển đất nước giai đoạn tới tiếp tục được khẳng định là đột phá thể chế, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Đặc biệt, những quyết tâm chính trị cao nhất đang được gửi đi để hai thập kỷ tới, tính từ năm 2021 đến năm 2045, chính là kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Không gian phát triển vô hạn cho cả nền kinh tế và doanh nghiệp Việt đang mở ra. Nhưng thể chế, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn kinh tế, gồm cả tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân lớn đi cùng, tham gia giải các bài toán lớn của quốc gia chính là chìa khóa.
“Chúng tôi không muốn và không thể vắng mặt trong các dự án, công trình mang dấu ấn Việt Nam trong kỷ nguyên mới”.
Nhiều doanh nhân các thế hệ đã chia sẻ điều này, khi trăn trở gửi tới Chính phủ các sáng kiến, đề xuất, giải pháp và cả những kế hoạch cụ thể, ngay sau khi Chính phủ gửi đi thông điệp “các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn cần chủ động tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia”. Đó chính là tinh thần tiên phong của Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt trong thời đại mới. Đó cũng chính là điều mà đất nước cần ở mỗi doanh nhân, để luôn giữ vững sự tự tôn dân tộc, để mỗi người là một viên gạch xây nền thịnh vượng muôn đời cho đất nước mai sau.
Như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kỳ vọng ở đội ngũ doanh nhân, đó là những con người có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hóa kinh doanh. Đồng thời khẳng định tương lai năm 2045 liệu nước ta có thể trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao hay không là nhờ sự gánh vác của đội ngũ doanh nhân hôm nay và tương lai.