Hiệp hội IT Hà Nội: "Mái nhà chung" của những doanh nhân công nghệ

15:01, 07/10/2024

Hiệp hội IT Hà Nội là "mái nhà chung" của hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ trên địa bàn Hà Nội. Các thành viên trong nhóm có sự gắn kết sâu sắc với nhau trong kinh doanh và đời sống thường ngày. Thậm chí, nơi đây còn có những "luật bất thành văn" mà không ai dám làm trái.

Nơi gắn kết doanh nhân công nghệ

Nhắc đến phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), người ta sẽ nhớ đến chợ đầu mối công nghệ, linh kiện điện tử lớn bậc nhất cả nước. Đến nơi đây, khách hàng có thể mua các sản phẩm máy tính chính hãng đời mới nhất hay bất kỳ linh kiện điện tử quý, hiếm. Thế nhưng ít ai biết rằng, khu phố này còn là "mái nhà chung" của hàng trăm doanh nghiệp công nghệ.

Phố Lê Thanh Nghị được mệnh danh là “chợ đầu mối” về linh kiện điện tử.

Phố Lê Thanh Nghị chỉ dài chừng 1km nhưng có hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng kinh doanh, sửa chữa sản phẩm, thiết bị điện tử. Điểm đặc biệt ở chỗ, các cửa hàng san sát vừa cạnh tranh khách hàng nhưng lại có sự gắn kết mật thiết với nhau bởi sợi dây liên kết là Hiệp hội IT Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Khoa (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ điện tử Tin học Quốc Khánh; Chủ tịch Hiệp hội IT Hà Nội) là một trong những nhân kinh doanh dịch vụ sửa chữa máy tính đời đầu tại phố Lê Thanh Nghị, chia sẻ độc đáo về hoạt động kinh doanh trên khu phố này.

Theo ông Khoa, trước đây, phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) và phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) là “cái nôi” về linh kiện điện tử và sửa chữa máy tính. Thời gian sau, các trường như: Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng, Kinh tế Quốc dân… quy tụ về quận Hai Bà Trưng. Theo đó, khoảng năm 2005, các cửa hàng sửa chữa, mua bán thiết bị điện tử cũng chuyển dần từ phố Lý Nam Đế về phố Lê Thanh Nghị.

Ông Trần Quang Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ điện tử Tin học Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội IT Hà Nội.

Hiện nay, cả khu phố có khoảng 120 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị điện tử, như: Máy tính, camera, bộ đàm, máy chiếu, máy in…

Thấu hiểu được triết lý “buôn có bạn, bán có phường”, các doanh nghiệp trên địa bàn đã đoàn kết, đồng lòng và sinh hoạt với nhau trong Hiệp hội IT Hà Nội. Dù là hội nhóm tự phát nhưng lại rất nổi tiếng trong giới kinh doanh mặt hàng công nghệ trên khắp cả nước.

Gala gặp nhau cuối năm của Hiệp hội IT Hà Nội.

"Luật bất thành văn" ở chợ đầu mối công nghệ

Trong thời gian qua, khi hàng loạt các cửa hàng trên khắp cả nước gặp khó khăn, phải trả mặt bằng thì các cửa hàng trên phố Lê Thanh Nghị vẫn vượt qua nhờ sự đoàn kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong Hiệp hội.

Theo ông Phạm Thành Chung (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Công nghệ Pro One; Thành viên của Hiệp hội IT Hà Nội) cho biết, việc khu phố có nhiều doanh nghiệp kinh doanh đủ các mặt hàng công nghệ, linh kiện khác nhau nên giúp cho các sản phẩm vô cùng đa dạng. Theo đó, các cơ sở sẽ dễ dàng hỗ trợ, trao đổi hàng hóa lẫn nhau. Ví dụ khi khách hàng cần mặt hàng nào đó mà cơ sở này chưa có thì cơ sở khác sẵn sàng hỗ trợ.

Anh Chung cho biết thêm, thời gian vừa qua, dù hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh, kéo theo đó là cuộc chiến khốc liệt về giá. Tuy nhiên, các cửa hàng tại khu phố Lê Thanh Nghị vẫn chiến thắng ngoạn mục nhờ những lợi thế cạnh tranh nhất định. Đầu tiên là các cửa hàng tại đây sở hữu các nhân viên có kinh nghiệm bán hàng, sửa chữa các sản phẩm máy móc, công nghệ. Ngoài ra, chính sách bán hàng và bảo hành cũng giúp cho các cửa hàng tại đây có lợi thế so với các cửa hàng online.

Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ tại phố Lê Thanh Nghị cũng tích cực “chuyển đổi số”, tích cực tiếp thị và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Để giải bài toán về giá, các hội viên sẽ kết hợp với nhau đặt những lô hàng giá trị cao để có thể thương lượng về giá với nhà máy, đơn vị cung cấp và tối ưu hóa chi phí vận chuyển. Do đó, các sản phẩm nhập về số lượng lớn sẽ được giá tốt, tăng tính khó cạnh tranh. 

Các chủ cửa hàng trên phố Lê Thanh Nghị cũng nhất trí cho rằng, không chỉ giá thành rẻ, sản phẩm của họ còn đạt chất lượng rất tốt. Bởi lẽ, ngay từ khâu đầu vào, các đơn vị đều có bộ phận làm việc trực tiếp với nhà máy, có kiểm định chất lượng… và làm các thủ tục xuất nhập khẩu chính ngạch.

Theo một số thành viên khác trong hội, tại khu phố này còn có các quy định “luật bất thành văn” mà bất kỳ thành viên nào trong nhóm đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Cụ thể, các thành viên phải tuân thủ các điều cấm kỵ như: Không được kinh doanh gian lận, không bán hàng giả hàng nhái... Đặc biệt là không được bán phá giá hoặc các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến các thành viên trong nhóm. Trường hợp vi phạm sẽ bị loại ra khỏi nhóm, dẫn đến mất uy tín trong giới kinh doanh lĩnh vực này.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Bên cạnh việc hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh, các thành viên trong Hiệp hội IT Hà Nội cũng có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày. Bất cứ gia đình nào có công việc đại sự như ma chay, cưới hỏi thì mọi người cùng chung tay giúp sức, hỗ trợ nhau. Thậm chí, khi một doanh nghiệp thành viên nào đó gặp khó khăn cũng được các đơn vị đồng lòng, hỗ trợ vượt qua khó khăn để tiếp tục xây dựng và phát triển.

Bên cạnh đó, Hiệp hội còn tổ chức các giải đấu thể thao như: Giải Bóng Đá IT Hà Nội Open hàng năm; Giải Tennis IT Hà Nội Open... Qua đó tạo sân chơi, sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm. Đồng thời mở rộng giao lưu, kết nối với các đơn vị khác.

Chung kết giải bóng đá IT Hà Nội Open 2018.

Được biết, Hiệp hội IT Hà Nội còn đồng hành, phát triển với hiệp hội IT các tỉnh khác trên khắp cả nước. Thường xuyên giao lưu học hỏi và hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong vấn đề chuyên môn, kinh nghiệp, chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác trong đời sống.

Gala giao lưu giữa IT service Đã Nẵng và Hiệp Hội IT Hà Nội.

Chủ tịch Hiệp hội IT Hà Nội cho biết, hoạt động thiện nguyện đã trở thành truyền thống của Hiệp hội và sẽ được tổ chức thường xuyên hàng năm hay các sự kiện đặc biệt. 

Nhiều năm qua, Hiệp hội IT Hà Nội đã tổ chức rất nhiều các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa trên khắp cả nước. Ví dụ như các hoạt động quyên góp từ thiện cho vùng thiên tai bão lũ, xây dựng trường mầm non cho trẻ em nghèo vùng cao hay chúc Tết những gia đình khó khăn…  

Hiệp hội IT Hà Nội thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện trên khắp mọi miền đất nước.

Cụ thể, năm 2016, Hiệp hội đã vào tâm bão lũ ở Nghệ An để ủng hộ tiền mặt, quần áo, thực phẩm với tổng giá trị 95 triệu đồng; Năm 2017, Hiệp Hội IT Hà Nội cũng có chuyến đi phát quà cho các hộ gia đình khó khăn ở xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. 

Đến năm 2018, Hiệp hội IT Hà Nội đã đồng hành cùng Câu lạc bộ Tennis IT Hà Nội xây Trường Tiểu học Cốc Mun (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang). Ngôi trường có tổng chi phí hơn 230 triệu đồng. Dù chỉ góp một phần công sức nhỏ bé nhưng các thành viên luôn cảm thấy rất hạnh phúc vì đã reo những mầm yêu thương, niềm tin vào tương lai tươi sáng cho những trẻ em nghèo vùng cao.

Khi bão số 6 năm 2020 đổ bộ và gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung, Hiệp hội IT Hà Nội đã kêu gọi các cá nhân, tập thể hội viên, các mạnh thường quân đóng góp được 115 triệu đồng để ủng hộ các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai. Sau đó, Hiệp Hội IT Hà Nội đã đến Đồn Biên phòng Hướng Phùng (tỉnh Quảng Trị), trao ủng hộ tiền mặt và các thực phẩm, chăn màn quần áo để hỗ trợ bà con nơi đây.

Hiệp Hội IT Hà Nội đã trao những phần quà thiết thực cho bà con vùng lũ ở Quảng Trị.

Có thể thấy, các hoạt động của Hiệp hội IT Hà Nội không đơn giản chỉ là giúp đỡ nhau trong việc phát triển kinh tế mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn, tích cực trong cộng đồng và góp phần vào công cuộc chuyển đổi số.

Tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động

Hàng trăm cửa hàng kinh doanh công nghệ trên phố Lê Thanh Nghị đã tạo ra rất nhiều việc làm cho xã hội. Bên cạnh đó, các cơ sở này còn đào tạo tay nghề sửa chữa, kiến thức về công nghệ cho các học viên trên khắp mọi miền tổ quốc. Sau khóa học, những học viên này có thể xin việc tại các doanh nghiệp về công nghệ, thậm chí nhiều em về mở công ty riêng và tiếp tục tạo công ăn việc làm, tạo ra giá trị cho xã hội, đóng thuế cho Nhà nước. Đặc biệt, những lao động trong lĩnh vực công nghệ này sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc chuyển đổi số trong tương lai.