Doanh thu linh kiện điện tử của Vĩnh Phúc ước đạt 57,5 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm
Trong quý 1/2025, doanh thu từ dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử của Vĩnh Phúc ước đạt 57,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,27% so với cùng kỳ năm trước…
Hiện tại, Vĩnh Phúc có hơn 200 dự án điện tử đang hoạt động, chiếm 60% tổng số dự án công nghiệp tại các khu công nghiệp. Các sản phẩm công nghệ cao như máy vi tính, linh kiện điện tử sản xuất tại đây không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là EU với các đối tác tiêu biểu tại Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc...
Nhằm tiếp tục thu hút đầu tư, Chính phủ đã quy hoạch 4.500 ha đất dành riêng cho các dự án công nghiệp công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn. Xác định công nghiệp điện tử là lĩnh vực then chốt, Vĩnh Phúc không ngừng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu và duy trì đà tăng trưởng hai con số trong năm 2025. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mạnh dạn mở rộng đầu tư tại địa phương.
Năm 2024, Công ty TNHH UTI Vina Vĩnh Phúc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu, đã đầu tư 35 triệu USD vào một dự án sản xuất linh kiện điện tử. Nhờ hoạt động hiệu quả, đến cuối tháng 3/2025, công ty tiếp tục ký kết hợp tác với Công ty CP Tập đoàn CNCTech để triển khai dự án mới trị giá 105 triệu USD.
Hay Công ty TNHH BHFlex Vina, nhà cung cấp của các tập đoàn hàng đầu như Samsung, LG, SK… trong hơn 12 năm có mặt tại Vĩnh Phúc, luôn duy trì được đà tăng trưởng. Năm 2024, doanh thu xuất khẩu của công ty tăng 49%, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động với thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, công ty đã đầu tư tổng cộng 140 triệu USD vào Vĩnh Phúc, tăng gần 150 lần so với thời điểm ban đầu.
Không chỉ tận dụng lợi thế về vị trí chiến lược và nguồn nhân lực dồi dào, Vĩnh Phúc còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, bao gồm bán dẫn, chip và trí tuệ nhân tạo. Cơ sở hạ tầng giao thông, logistics và hệ thống điện được đầu tư bài bản, giúp kết nối thuận lợi với các trung tâm công nghiệp trọng điểm trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của ngành công nghiệp chip và bán dẫn, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp điện tử hàng đầu cả nước.