Đối thủ lớn nhất của iPhone nắm lợi thế giữa cơn bão thuế quan của Mỹ

10:23, 24/04/2025

Sự khác biệt giữa iPhone và Samsung Galaxy không còn nằm ở thiết kế hay tính năng, mà là nơi lắp ráp. iPhone phần lớn vẫn được sản xuất tại Trung Quốc, trong khi nhà máy của Samsung được đặt ở Việt Nam, Ấn Độ và Hàn Quốc…

Theo ước tính của Wedbush Securities, dù Apple bắt đầu dịch chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ, thì khoảng 90% iPhone hiện nay vẫn đang được lắp ráp tại Trung Quốc. 

Trong khi đó, đối thủ nặng ký nhất của Apple, Samsung lại sở hữu một lợi thế chiến lược. Đó là hệ thống sản xuất trải rộng tại nhiều quốc gia và gần như không phụ thuộc vào Trung Quốc. Tất nhiên, Samsung cũng không hoàn toàn tránh khỏi tác động từ những biến động toàn cầu.

Một cửa hàng của Samsung.

Samsung "rút chân" khỏi trung quốc từ năm 2019 

Theo CNN, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục leo thang từ đầu tuần này, sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả với bất kỳ quốc gia nào tìm cách hạn chế thương mại với Trung Quốc để làm hài lòng “nửa kia”. Trước đó, Tổng thống Donald Trump quyết định tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày đối với hầu hết các nước, ngoại trừ Trung Quốc.

Đáng nói là vì phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc, Apple có lẽ là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các chính sách thuế quan. Trước khi Tổng thống Donald Trump xác nhận điện thoại thông minh sẽ được miễn thuế đối ứng, các chuyên gia tại UBS từng ước tính nếu iPhone 16 Pro Max tiếp tục được lắp ráp tại Trung Quốc, giá bán có thể đội thêm tới 800 USD. 

Dù vậy, nguy cơ không phải không còn hiện hữu với hoạt động kinh doanh của Apple. Theo dữ liệu từ Wedbush, chỉ khoảng 5% iPhone hiện nay được sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ và 5% khác tại các quốc gia khác, còn lại phần lớn vẫn phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc.

Nhà máy Samsung Bắc Ninh.

Trong khi đó, trái ngược với Apple, Samsung đã sớm "rút chân" khỏi Trung Quốc từ năm 2019, sau khi để mất thị phần vào tay các đối thủ nội địa. Dù vẫn duy trì một số hoạt động tại đây, hãng đã dời phần lớn dây chuyền sản xuất điện thoại sang các thị trường khác.

Nguồn tin từ Samsung cho biết, phần lớn điện thoại của hãng hiện được sản xuất tại Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Brazil. Con số này cũng trùng khớp với dữ liệu từ các tổ chức nghiên cứu thị trường. Theo Counterpoint Research, khoảng 90% điện thoại Samsung được lắp ráp tại Việt Nam, trong khi Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) đưa ra con số từ 50–60%. Ấn Độ là điểm đến sản xuất lớn thứ hai, còn phần còn lại chủ yếu đặt tại Hàn Quốc và khu vực Mỹ Latinh.

Ông Ben Barringer, chuyên gia phân tích tại Công ty đầu tư Quilter Cheviot, nhận định: “Samsung đang có lợi thế nhờ vào việc họ không chỉ sản xuất thiết bị điện tử, mà còn tự làm ra các linh kiện như màn hình, chip nhớ hay bộ xử lý. Mô hình sản xuất khép kín này giúp họ chủ động hơn và ít bị tổn thương trước những biến động toàn cầu”. 

Cơ hội cho Samsung 

Dù sở hữu mạng lưới sản xuất đa dạng và ít phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng điều này chưa đủ để giúp Samsung tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ. Theo các nhà phân tích, người dùng Apple thường rất trung thành, thế nên, chưa rõ liệu giá iPhone tăng có đủ sức khiến họ chuyển sang Samsung hay không. 

Bà Linda Sui, Giám đốc chiến lược điện thoại thông minh toàn cầu tại TechInsights, cũng cho rằng Apple hoàn toàn có thể chuyển sản xuất iPhone cho thị trường Mỹ sang Ấn Độ. Theo thông tin từ The Financial Times và The Times of India, Apple hiện đang đẩy mạnh việc xuất khẩu iPhone từ Ấn Độ sang Mỹ.

Nhiều chuyên gia đồng tình mục đích cuối cùng của các biện pháp thuế quan thực chất nhằm thúc đẩy làn sóng “hồi hương” sản xuất về Mỹ. Tuy nhiên, hệ quả là không chỉ Trung Quốc, mà cả các quốc gia khác như Việt Nam và Ấn Độ, những trung tâm sản xuất lớn của ngành công nghệ, cũng bị cuốn vào vòng xoáy này. Dù hiện tại mức thuế với các nước này vẫn ở ngưỡng dưới 10%, nguy cơ gia tăng trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là tác động của nền kinh tế cũng có thể làm suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Theo chuyên gia Gerrit Schneemann, một nhà phân tích cấp cao của Counterpoint Research, khi thuế quan đẩy giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm đến đồ chơi lên cao, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt hầu bao và kéo dài thời gian sử dụng điện thoại hiện tại.

Tác động này càng rõ nét ở những thị trường đã bão hòa như Mỹ, nơi điện thoại cao cấp phổ biến nhưng chu kỳ nâng cấp thiết bị đang ngày càng dài hơn.

Trong khi đó, tại các thị trường mới nổi, nhu cầu cũng có thể chững lại nếu người tiêu dùng gặp khó khăn tài chính.