Động lực phát triển công nghiệp bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn hay còn gọi là vi mạch điện tử được đánh giá là một trong những ngành quan trọng nhất với doanh thu hàng trăm tỷ USD và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là mục tiêu Việt Nam đang hướng tới với quyết tâm làm chủ công nghệ để tận dụng tiềm năng và cơ hội phát triển ngành công nghiệp tỷ đô này.
Còn nhiều tiềm năng chưa khai thác
Việt Nam hiện đang nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế về vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, lực lượng lao động dồi dào, có sức sáng tạo; thu hút nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ thông tin… Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027. Trong khi đó, Bain & Company khẳng định, cùng với Ấn Độ, Việt Nam trong nhóm quốc gia hàng đầu được các tập đoàn bán dẫn toàn cầu cân nhắc đầu tư thời gian tới.
Việt Nam đã và đang là địa điểm được lựa chọn của các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn… Đây cũng là minh chứng cho thấy sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cho các nhà đầu tư ngành bán dẫn.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, tại Hội nghị Cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam với chủ đề “Việt Nam: Điểm đến triển vọng cho công nghiệp bán dẫn toàn cầu” được tổ chức vào tháng 10/2023, các chuyên gia đầu ngành tới từ Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), BCG Hàn Quốc, Qualcomm, Cadence, Amkor… đều đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Hoa Kỳ vào tháng 9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NIC) đã có những ký kết hợp tác cụ thể với các đối tác Hoa Kỳ để phát triển các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, xây dựng các vườn ươm, đẩy mạnh thiết kế, phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn như với Synopsys, Cadence, Đại học Bang Arizona.
Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối năm 2023 vừa qua, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ được nâng tầm lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong tuyên bố chung, Việt Nam và Hoa Kỳ đã quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hoa Kỳ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và sẽ tích cực phối hợp với Việt Nam, nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Bên cạnh các nguồn lực kể trên, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, để tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hoàn thiện cơ chế “một cửa” giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư thông qua các Ban quản lý khu công nghệ cao (KCNC), khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) tại các địa phương.
Việt Nam đã và đang là địa điểm được lựa chọn của các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn.
Đẩy mạnh giải pháp phát triển
Đến nay, Việt Nam đã xây dựng và phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam gồm hàng nghìn chuyên gia trí thức công nghệ của Việt Nam trên khắp thế giới; thành lập NIC cùng với 03 khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn với cơ chế chính sách ưu đãi cao. Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp đủ năng lượng cho ngành công nghệ cao, trong đó có khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… nâng cao sức cạnh tranh, phục vụ cho các doanh nghiệp.
Để có nguồn lực đón đầu doanh nghiệp bán dẫn, đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030. Đề án đang được lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành lần thứ hai và sẽ sớm trình Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và ngành bán dẫn, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các KCN, KKT, KCNC, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn; Nghị quyết đang được Bộ tích cực xây dựng và sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024. Theo đó, Đề án được lấy ý kiến chuyên gia về dự báo nhu cầu và khả năng đào tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đang làm việc tại Hoa Kỳ, Đài Loan, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ…). Bên cạnh đó, NIC đã khảo sát, tham vấn các tổ chức tư vấn, các hiệp hội, các trường đại học và các tập đoàn lớn trên thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn về xu hướng phát triển, nhu cầu tuyển dụng, kinh nghiệm triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành; tổ chức làm việc, đánh giá nhu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở đào tạo quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn có tiềm năng đầu tư, hợp tác, cung cấp học bổng cho Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia người Việt Nam tại Sillicon Valley, Hoa Kỳ và các doanh nghiệp, đại học hàng đầu về ngành công nghiệp bán dẫn như Cadence, FPT, Đại học bang Arizona… tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn cho giảng viên, sinh viên, kỹ sư ngành gần mong muốn tham gia chuyển đổi sang ngành công nghiệp bán dẫn./.
Theo Tạp chí in số 1 tháng 4/2024