Đông Nam Á sẽ là “thỏi nam châm” hút các hãng công nghệ

02:16, 17/02/2013

Các quốc gia Đông Nam Á thường bị lu mờ trước hai quốc gia đông dân nhất thế giới Trung Quốc và Ấn Độ, hoặc những thị trường công nghệ cao như Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng Đông Nam Á thực sự có thể là một trong những thị trường công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới, bởi không ở đâu mà công nghệ lại có một tác động rõ ràng và to lớn lên cuộc sống như ở Đông Nam Á.


Với khoảng 600 triệu dân, Internet và công nghệ được sử dụng ở Đông Nam Á không khác gì ở Mỹ hay châu Âu. Ngày càng nhiều công ty nhận ra Đông Nam Á không chỉ đông dân và sinh lợi, mà còn nhiều tiềm năng chưa được các đối thủ khai thác. Nhận thức này bắt đầu từ cuối năm 2011 và tiếp tục đến năm 2012 khi người dùng Twitter và Facebook tại những nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan ngày càng gia tăng.

Lượng người dùng Twitter và Facebook lớn của Indonesia, dân số Instagram ở Thái Lan và nhiều yếu tố khác đang giúp đưa khu vực này lên bản đồ đầu tư của các công ty web. Các hãng như dịch vụ âm nhạc Airbnb, Deezer, ứng dụng Line của Naver đều đã và đang có kế hoạch đầu tư vào Đông Nam Á. Đại gia Trung Quốc Baidu đã ra các sản phẩm mới để khai thác tiềm năng của Thái Lan và Việt Nam, mở trung tâm nghiên cứu ở Singapore.

Việt Nam: một trong những thị trường chính của Đông Nam Á

Dấu hiệu tăng trưởng của Đông Nam Á là số người dùng smartphone gia tăng, khiến số người truy cập Internet cũng tăng mạnh. Android là yếu tố lớn nhất khiến smartphone “phổ cập” mạnh mẽ tại Đông Nam Á.

Trong một nghiên cứu, GfK ước tính doanh số smartphone trong khu vực Đông Nam Á đang tăng ở mức 78%/năm. Hãng nhận ra rằng – trong 7 thị trường chính gồm Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Philippines – doanh thu điện thoại bán ra đạt mức cao 13,7 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2012.

Phát hiện thú vị nhất của GfK là smartphone đã chiếm 25% tất cả ĐTDĐ bán ra ở 7 thị trường trên. Điều đó có nghĩa là vẫn còn rất nhiều “đất” cho sự tăng trưởng nơi đây.


Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rào cản về giá khiến nhiều người chưa sắm smartphone. Do người dân thường dùng gói cước trả trước, và nhiều nhà mạng không trợ giá, nên smartphone chưa bủng nổ mạnh tại Đông Nam Á. Nếu nhà mạng trợ giá thiết bị và kèm hợp đồng sử dụng 2 năm, sẽ không còn nhiều người dân Đông Nam Á bỏ số tiền lớn để mua iPhone 5 bẻ khoá.

Nhiều chính sách khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ

Nhằm khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị 3G, mới đây chính phủ Malaysia đã cho phép người dân được nhận lại 65 USD khi mua một số mẫu smartphone 3G có giá dưới 163 USD. Chính sách này nhằm khuyến khích mọi người “lên đời” điện thoại 3G. Không chỉ chính phủ mà các công ty Internet cũng triển khai các sáng kiến giảm giá cho người dùng. Cuối năm 2012, Google đã ra sáng kiến “Free Zone” để người dùng di động sử dụng miễn phí các dịch vụ của Google tại Philippines.

Nhiều nhà mạng cũng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ - như các hãng nhắn tin WhatsApp và Opera – để đưa ra những gói dịch vụ giá rẻ, cho phép dùng các dịch vụ web không hạn chế với mức phí thấp. Hiện nay, tablet chưa được dùng nhiều tại đây, nhưng điều này sẽ thay đổi khi những thiết bị rẻ hơn như Kindle Fire mới và Google Nexus 7 đến khu vực này.


Số lượng người dùng smartphone tăng, vì thế số người truy cập Internet di động cũng tăng theo. Thực tế này không chỉ mang lại lợi ích về mặt thông tin cho các công dân Đông Nam Á, mà nó cũng tạo điều kiện cho các dịch vụ web phát triển, như chính phủ điện tử, thương mại điện tử, học trực tuyến từ xa…. Tuy nhiên, ngoài yếu tố “thiên thời, địa lợi” như trên, cũng cần nhắc đến yếu tố “nhân hoà” mang lại sức hấp dẫn cho các quốc gia Đông Nam Á. Đó chính là những chính sách thu hút người tài và nguồn vốn đầu tư của các chính phủ Đông Nam Á.

Nhờ các chương trình khuyến khích đầu tư của chính phủ, Singapore tiếp tục là trung tâm thu hút đầu tư của nhiều công ty toàn cầu. Tuy nhiên, mấy năm gần đây các khoản đầu tư kinh doanh đó đã lan tràn ra cả khu vực, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia,…. Nói cách khác, các đại gia toàn cầu đang có hướng đầu tư mạnh mẽ ra nhiều nước khác, chứ không chỉ Singapore. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến khu vực này.

Thách thức

Tuy vậy, Đông Nam Á cũng đang phải đối phó với nhiều thách thức. Chính sách mở cửa thị trường đón các công ty nước ngoài rất khác nhau ở các nước trong khu vực – từ việc cởi mở, thân thiện như Singapore đến những chính sách khắt khe ở Thái Lan – các công ty nhận thấy chất lượng tuyển dụng và nhân sự ở đây có nhiều khó khăn.


Tâm lý người dân khu vực này vẫn thích làm việc cho các công ty lớn, vì thế rất ít công ty nhỏ, mới thành lập có thể cạnh tranh được về tiền lương, các khoản hỗ trợ mà các công ty đa quốc gia và các tập đoàn lớn có được. Ngoài ra, còn những vấn đề bất cập như phân phối thu nhập còn chưa đồng đều, hệ thống thanh toán còn chưa phát triển mạnh và thiếu tương thích, tỷ lệ sử dụng ngân hàng và phi tiền mặt ở cả khu vực còn thấp.

Dù vậy, Đông Nam Á vẫn được tin là khu vực hấp dẫn nhất trên thế giới, có nhiều tiềm năng phát triển và thay đổi trong năm 2013.

Trần Thị Huyền