ĐTDĐ thương hiệu Việt: "Trông người mà ngẫm đến ta…"
09:05, 17/09/2008
XHTTOnline: Khi một số nhà sản xuất điện thoại di động “đình đám” toàn cầu đang "lao đao", khi mà các thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc không chiếm được cảm tình của người dùng, thị trường đã xuất hiện lại nhiều nhãn hiệu ĐTDĐ được các chủ sở hữu gọi là thương hiệu Việt – một tín hiệu đáng mừng cho ngành sản xuất trong nước hay cho các thương hiệu Việt (?).
Ưu điểm duy nhất… giá rẻ.
Nổi nhất trong số này là Bavapen, Q mobile, Mobell… những nhãn hiệu được gọi là thương hiệu Việt, vì chủ sở hữu của chúng là các công ty có trụ sở tại Việt Nam. Thực tế, trước đây vài năm thị trường Việt Nam cũng đã xuất hiện điện thoại thương hiệu Việt – chiếc V-Fone, nhưng nhãn hiệu này đã nhanh chóng bị xóa tên thị trường vì nhiều lý do khác nhau.
Điều khẳng định trước tiên, các thương hiệu như Bavapen, Mobell hay Q mobile v.v… là nhãn hiệu do các công ty Việt Nam đặt ra, không phải là thương hiệu toàn cầu hay nổi tiếng như 1 số khách hàng lầm tưởng. Hầu hết các điện thoại này đều được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc (đây là thông tin không phải bao giờ cũng được công bố rộng rãi cho người dùng biết). Thực tế, đây là hình thức OEM, hay nói nôm na là đặt hàng sản xuất, một thực tế phổ biến trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông.
OEM có nhiều cấp độ khác nhau. Hình thức nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang làm là ở cấp độ OEM thấp nhất: hợp tác với công ty sản xuất điện thoại, chọn các mẫu đã thiết kế, sản xuất sẵn, yêu cầu gắn nhãn hiệu mà người mua yêu cầu, rồi nhập vào thị trường Việt Nam.
Nói ngắn ngọn, đây là điện thoại của Trung Quốc gắn thương hiệu Việt và được nhập khẩu chính thức cũng như có đầu mối chịu trách nhiệm về khâu hậu mãi tại Việt Nam. Tuy nhiên, các thương hiệu này tồn tại được bao lâu thì không ai biết (!).
Nhiều chuyên gia trong ngành khi được hỏi đã tỏ ra khá hồ nghi vào khả năng tồn tại lâu dài của các thương hiệu điện thoại di động Việt Nam, bởi trong số các công ty đang sở hữu thương hiệu Việt Nam, có một số công ty đã khá nổi tiếng trong việc thay đổi các nhãn hiệu điện thoại mà họ kinh doanh như thay áo.
Ngoài ưu thế về giá (đa phần các sản phẩm này đều có giá dưới 3 triệu đồng), các sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt không có ưu điểm nào vượt trội, xét trên cả phương diện thiết kế cũng như tính năng. Các model này đều phải qua khâu hợp chuẩn của ngành chức năng theo qui định của pháp luật mới có thể bán được tại Việt Nam.
Thế nhưng, khác với điện thoại của các thương hiệu toàn cầu, hầu các model điện thoại Việt đều không được cấp tiêu chuẩn chất lượng CE (Nhãn hiệu bắt buộc đối với hàng hoá được nhập khẩu vào châu Âu, được cả thế giới thừa nhận) hay bất cứ tiêu chuẩn nổi tiếng toàn cầu nào khác.
Cần một hướng đi riêng
Trong ngành điện thoại di động toàn cầu, hình thức OEM không phải là trường hợp hiếm gặp, ví dụ như O2. Họ không sản xuất nhưng thương hiệu điện thoại của họ nổi tiếng toàn cầu. Cách O2 làm là chọn những nhà sản xuất uy tín (HTC chẳng hạn) để "đặt hàng", và bất cứ ai dùng O2 cũng có thể thấy "dấu ấn" của họ, đó là các phần mềm, các ứng dụng… cài đặt sẵn trong các máy gắn thương hiệu O2.
Nhưng để có thể để đạt đến tầm cỡ như O2 lại không phải là điều dễ dàng. Chỉ cần nhìn sang Thái Lan với thương hiệu i-Mobile làm ví dụ. Giống như các điện thoại thương hiệu Việt, i-Mobile được 1 công ty Thái Lan OEM tại Trung Quốc. Vẫn là điện thoại giá rẻ nhưng i-Mobile được cấp CE (dù chưa bao giờ bán ở châu Âu), nhãn hiệu được toàn cầu chứng nhận này khiến người dùng có thể tin tưởng hơn vào chất lượng của i-Mobile.
Chưa hết, i-Mobile luôn tìm được những điểm khác biệt so với các model điện thoại khác có trên thị trường để người dùng thấy được ngoài giá cả họ còn có những tính năng vượt trội. Ví dụ như, tính năng nghe radio FM không cần tai nghe, hay như họ sử dụng công nghệ âm thanh của Yamaha cho các model điện thoại dòng nghe nhạc… đây là những tính năng hiện duy nhất i-Mobile sở hữu.
Thái Lan hóa bằng cách in cả bộ chữ viết của Thái Lan lên hệ thống phím bấm thay vì chỉ có các ký tự latin tiếng Anh, hình ảnh cũng như các bài hát Thái Lan cũng được tích hợp sẵn trong điện thoại của i-Mobile. Đó là chưa kể đến việc các model điện thoại i-Mobile mới liên tục được công bố ra thị trường. Tất cả chúng đã tạo ra được 1 thương hiệu điện thoại của Thái Lan khá rõ nét.
Phải chăng việc OEM trên cơ sở nghiên cứu kỹ thị trường cũng như chịu khó đầu tư cho những thiết kế riêng, chứ không chỉ đơn giản là mua điện thoại và gắn nhãn như nhiều công ty Việt Nam đang làm đã giúp i-Mobile đang có chỗ đứng trên thị trường Đông Nam Á. Họ đã bán i-Mobile vượt ra cả biên giới Thái Lan.
Nhìn nhận 1 cách khách quan, không phải thương hiệu Việt nào cũng có cách làm theo kiểu “ăn sẵn”, Q Mobile một trong những thương hiệu Việt mới nhất đã Việt hóa điện thoại của họ bằng cách tích hợp sẵn hình ảnh phong cảnh nổi tiếng của Việt Nam vào điện thoại, các chữ viết trên bao bì cũng được in bằng tiếng Việt hay như mọi thông tin trên báo chí đều được ghi rất rõ ràng, Q Mobile là thương hiệu điện thoại Việt Nam chứ không “nhập nhằng đánh lận con đen” như 1 số thương hiệu khác đang làm. Đây có thể là 1 bước khởi đầu mới, hướng đi đúng, khẳng định tên tuổi của các thương hiệu điện thoại Việt Nam trên thị trường.
Hồ Hà