Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ vận hành vào giữa tháng 1/2021?

12:15, 07/01/2021

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã hoàn tất vận hành thử nghiệm 20 ngày để đánh giá theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Hiện Bộ GTVT đang chờ tư vấn Pháp và các bên liên quan báo cáo tổng thể.

Trong quá trình dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm, Tư vấn Pháp, Tổng thầu Trung Quốc đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Ban quản lý dự án, Metro Hà Nội cùng nhau giám sát chéo để đánh giá an toàn.

Sau 20 ngày kết thúc vận hành thử nghiệm, Tổng thầu Trung Quốc và các đơn vị có trách nhiệm đang xây dựng báo cáo chung, đánh giá về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tàu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông chạy thử nghiệm.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn tất chương trình vận hành thử nghiệm theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt trong 20 ngày (từ 12-31/12/2020).

Suốt quá trình này có sự giám sát chéo, chặt chẽ của nhiều bên là Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Ban quản lý dự án, tư vấn độc lập của Pháp, Metro Hà Nội, Tổng thầu Trung Quốc.

Hiện, Tổng thầu Trung Quốc và các đơn vị có trách nhiệm đang xây dựng báo cáo chung, đánh giá về quá trình vận hành thử nghiệm này.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, báo cáo chung về dự án có thể chậm hơn vài ngày, do Tư vấn độc lập của Pháp cũng đang trong kỳ nghỉ Tết dương lịch, tới 10/1 họ sẽ trở lại công việc và hoàn thiện báo cáo đánh giá riêng của họ về dự án này.

“Dự kiến đến 15/1 tới cơ bản các báo cáo đánh giá an toàn, kỹ thuật, vận hành dự án sẽ được hoàn tất. Khi đó những nội dung trong báo cáo đánh giá độc lập và báo cáo tổng thể sẽ được thẩm định, phân tích kỹ lưỡng”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Bộ GTVT cũng sẽ kết thúc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong tháng 1/2021 để bàn giao cho Hà Nội đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Bộ GTVT cũng sẽ kết thúc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong tháng 1/2021 để bàn giao cho Hà Nội đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Theo thứ trưởng, trước mắt, các bên đã có thống nhất được với nhau về những nội dung cần thiết, xử lý những tình huống giả định về an toàn chạy tàu, trong quá trình vận hành có những phát sinh được phối hợp giải quyết kịp thời.

"An toàn chạy tàu là yêu cầu số 1, sau khi kết thúc quá trình vận hành thử, những vấn đề còn chưa nhuần nhuyễn sẽ tiếp tục được đánh giá kỹ để có hướng khắc phục và hoàn thiện, thậm chí có phương án tiếp tục diễn tập những tình huống giả định trong vận hành, khai thác chạy tàu", Thứ trưởng Đông chia sẻ.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống ngay trước khi bước sang năm 2021, với hơn 5.700 chuyến tàu chạy, 70.000km vận hành an toàn dưới sự giám sát bởi Tư vấn giám sát.

Với vai trò là đơn vị tham gia vận hành dự án, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, thời gian qua đội ngũ vận hành dự án thực hiện tuân thủ quy trình vận hành đã được phê duyệt, đơn vị sẽ tiếp tục củng cố, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao hiệu quả vận hành.

Về thời gian tiếp nhận dự án đưa vào khai thác thương mại, ông Trường cho biết phụ thuộc vào kết quả đánh giá, nghiệm thu dự án và sẵn sàng tiếp nhận khi đủ điều kiện.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ GTVT cũng sẽ kết thúc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong tháng 1/2021 để bàn giao cho Hà Nội đưa vào vận hành khai thác thương mại.

"Chúng tôi đang kỳ vọng sẽ có báo cáo an toàn của Tư vấn Pháp và các đơn vị về dự án này. Sau khi có ý kiến cuối cùng của các đơn vị này, chúng tôi sẽ cùng với Hà Nội và các đơn vị liên quan tiến tới nghiệm thu có điều kiện và bàn giao cho Hà Nội. Hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đánh giá tương đối tốt", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, sau khi Bộ GTVT bàn giao, Hà Nội có thể tiếp tục vận hành và đánh giá thêm hoặc tiến hành vận hành thương mại. Hiện vấn đề an toàn hệ thống vận hành được Tư vấn Pháp đánh giá là tương đối tốt.

Được biết, chiều 4/1, Tổ công tác riêng về đường sắt Cát Linh - Hà Đông của TP. Hà Nội đã có cuộc họp về dự án này. Tuy nhiên, một đại diện Tổ công tác cho biết đây là cuộc họp thường lệ và ít nhất 10 ngày nữa kết quả đánh giá vận hành thử nghiệm Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới được công bố.

Việc tuyến Cát Linh Hà Đông đưa vào hoạt động đầu tiên trong các tuyến sẽ giúp nhân dân tiếp cận được phương thức vận tải tiên tiến trên thế giới, hình thành thói quen sử dụng phương tiện vận tải đường sắt đô thị.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án chia sẻ thêm: Một số lợi ích chính khi đưa dự án vận hành chính là tiết kiệm thời gian cho hành khách và thời gian lưu thông đường bộ: Theo tính toán trong năm đầu vận hành sẽ giảm được 106 triệu lượt lưu thông bằng xe máy, ôtô do chuyển đổi từ các phương tiện này sang hệ thống đường sắt đô thị. Chi phí của người đi phương tiện cá nhân sẽ giảm đi. Đồng thời cũng giảm thời gian di chuyển, tiết kiệm 6 phút so với  đi lại bằng xe máy hoặc ôtô (trong giờ bình thường), đặc biệt trong giờ cao điểm thì việc di chuyển bằng đường sắt đô thị sẽ có ưu thế hơn.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Sau nhiều lần gia hạn vận hành, khai thác thương mại, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đặt mục tiêu cam kết sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến này trong quý 1/202


Thiên Thanh (T/h)