Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Sau 8 lần “lỡ hẹn”, có phải vận hành là sẽ xong?

07:22, 16/12/2020

Sau 8 lần trễ hẹn, ngày 12/12, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được đưa vào vận hành thử nghiệm toàn hệ thống. Tuy nhiên, với những kế hoạch mới liệu rằng tuyến đường sắt đang được mong đợi này có tiếp tục “trễ hẹn”?

Sáng ngày 12/12, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông  đã chính thức vận hành thử nghiệm toàn hệ thống sau 8 lần trễ hẹn.

Quá trình vận hành thử nghiệm có sự tham gia của hơn 600 nhân sự thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro); gần 200 chuyên gia Trung Quốc thuộc Tổng thầu Trung Quốc; Tư vấn độc lập của Pháp, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước... Trong đó, nhân sự của Hanoi Metro tham gia vận hành thử tại các hạng mục trong nhà ga và khu trung tâm điều hành, khu bảo dưỡng sửa chữa, giống như khi khai thác thương mại.

Quá trình vận hành thử nghiệm có sự tham gia của hơn 600 nhân sự thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro); gần 200 chuyên gia Trung Quốc thuộc Tổng thầu Trung Quốc; Tư vấn độc lập của Pháp, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước...

 

Trước đó, từ ngày 4/11, toàn bộ lao động Việt Nam tham gia vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã thực hành, diễn tập các tình huống trên tuyến. Hiện nay, các nhân viên lái tàu có thể độc lập điều khiển tàu, không cần chuyên gia kèm trực tiếp.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa dài khoảng 80m, sức chứa khoảng 1.000 khách, vận tốc thiết kế 80km/h, vận tốc khai thác thương mại 35km/h.

Năm 2008, dự án được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư 8,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 18 nghìn tỉ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là gần 13,9 nghìn tỉ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng là 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD). Từ khi khởi công đến nay, dự án đã chậm tiến độ 5 năm, 8 lần phải điều chỉnh tiến độ.

Sau 8 năm, vào năm 2016, do thay đổi thiết kế, chậm giải phóng mặt bằng… dự án được điều chỉnh lên hơn 18 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 nghìn tỷ đồng so với tổng mức ban đầu.

Quá trình vận hành thử nghiệm có sự tham gia của hơn 600 nhân sự thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro).

Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Theo đó, Bộ GTVT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (tăng 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội.

Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 669 triệu USD), tăng 7,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 250,62 triệu USD).

Ở 1 khía cạnh khác, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT về việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến tháng 3/202. Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục gia hạn theo quy định.

Với một kịch bản mới, liệu đường sắt đô thị cát linh hà đông có đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân và sẽ đi vào hoạt động hay không? Hay vẫn chỉ như “bình cũ rượu mới?”

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Liên danh Apave-Certifier-Tricc đánh giá, chứng nhận an toàn độc lập. Nội dung đánh giá có các hạng mục: Độ tin cậy của đoàn tàu, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, hệ thống điện, tích hợp hệ thống; thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống và quản lý vận hành an toàn.

Theo Cục Đăng kiểm, việc kiểm tra các đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được thực hiện theo quy chuẩn quốc gia về kiểm tra, nghiệm thu toa xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Việc kiểm định thực hiện với 23 hạng mục ở trạng thái tĩnh và có cấp điện, kiểm tra vận hành trên tuyến.

Nội dung kiểm tra gồm thực tế tổng thành thiết bị, linh kiện từng đoàn tàu (ở trạng thái tĩnh, chuyển động) và đối chiếu với hồ sơ thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện đường sắt nhập khẩu. Sau khi hoàn thành kiểm tra, phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thẩm định, cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống trước khi dự án đi vào khai thác.

Bộ GTVT dự kiến đến ngày 20/1/2021 sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án, để bàn giao cho UBND TP.Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.

Giá vé tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông mà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội công bố thấp nhất là 8.000 đồng/lượt; vé ngày là 30.000 đồng/ngày; vé tháng cho hành khách phổ thông là 200.000 đồng/tháng.

Thùy Dung