Dự kiến dành 610.000 tỷ đồng cho bảo đảm an ninh nguồn nước
Chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay lượng nước mặt của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh, trong khi trữ lượng nước ngầm đang sụt giảm do tác động của biến đổi khí hậu và con người gây ra. Những thách thức về an ninh nguồn nước cần phải được giải quyết kịp thời bằng những giải pháp trọng tâm, trọng điểm.
Một số đại biểu cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu, tính toán cụ thể để đảm bảo đủ nguồn nước cho các giai đoạn tiếp theo, bên cạnh bảo vệ tốt nguồn nước ngầm, cần thiết phải có các giải pháp chủ động trữ nước. Chính phủ cũng cần có những giải pháp cụ thể và quyết liệt trong giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước, trong đó có việc chôn lấp rác gây ô nhiễm các mạch nước ngầm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.
Cho ý kiến vào đề án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dù Việt Nam có hơn 3.000 con sông nhưng lại phụ thuộc lớn vào nguồn nước ngoại sinh, do đó cần thiết phải nâng cao nhận thức của người dân để nâng cao sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận việc chuẩn bị đề án của Chính phủ, đồng thời cho biết đây là một đề án quan trọng, cần rất nhiều nguồn lực đó đó cần trình Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến. Khi Bộ Chính trị kết luận thì Quốc hội sẽ xây dựng Nghị quyết cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Đề án được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày, sẽ có giải pháp cho 7 vùng kinh tế và các đảo đông dân cư, cùng với danh sách các chương trình, dự án để các Bộ, ngành, địa phương triển khai. Để thực hiện dự án giai đoạn đến 2030 cần 610.000 tỷ đồng.
Trước đó vào sáng cùng ngày, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, ngoài các cơ chế đặc thù về tài chính, cần nghiên cứu xây dựng một số cơ chế đặc thù về đầu tư, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế để Thanh Hóa phát huy tiềm năng, trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước. Theo Chủ tịch Quốc hội, khi được trao cơ chế đặc thù, Thanh Hóa có thể đi đầu thí điểm đề án thuế nhà ở, sau này áp dụng cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Thuỳ Chi (T/h)