Đưa internet về bản

04:00, 17/03/2013

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết số 13/NĐ-TW về Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết đã đề cập tới việc phát triển toàn diện cả hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội. Trong đó, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT và TT) được xác định là hạ tầng của hạ tầng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng và đầu tiên mà Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này là đưa internet về bản.

Học sinh huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) sử dụng internet qua thiết bị 3G của Viettel. Ảnh: Trường Giang

Theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, năm 2012, nước ta có hơn 4,7 triệu thuê bao băng rộng cố định. Mục tiêu đến năm 2015 sẽ tăng lên khoảng hơn 7,3 triệu thuê bao và đến năm 2020 sẽ có khoảng 19,2 triệu thuê bao. Cùng với đó, đến năm 2020, số hộ gia đình sử dụng internet được kỳ vọng sẽ tăng lên khoảng 10,3 triệu hộ và 100% xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng kết nối băng rộng (hơn 11,1 nghìn xã). Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên đó là cần phải ưu tiên phát triển hạ tầng truy cập băng rộng, tập trung cho kết nối băng rộng đến điểm truy nhập viễn thông công cộng như: Bưu điện văn hóa (BĐVH) xã, thư viện, trường học…

Đối với việc phát triển và mở rộng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ TT&TT đã chủ trương dựa trên cơ sở tận dụng các điểm BĐVH xã. Hiện cả nước có hơn 8.120 điểm BĐVH xã, trong đó có 45% xã miền núi, 6% biên giới; hơn 7.400 điểm đang hoạt động, 2.148 điểm có internet. Theo đó, bộ đã từng bước xây dựng lộ trình và kế hoạch cụ thể để đưa internet băng rộng về điểm BĐVH xã, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội tại các vùng miền, hướng trọng tâm vào các đối tượng là nông dân, phụ nữ và thanh thiếu niên. Cụ thể là trong giai đoạn 2011-2016, 40 tỉnh, thành phố được lựa chọn với gần 1.600 điểm BĐVH được trang bị máy vi tính có kết nối đường truyền internet băng rộng tốc độ cao (mỗi điểm được trang bị 5 máy tính). Người dân nông thôn ở các tỉnh này có điều kiện tra cứu, tìm hiểu thông tin qua internet, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và nâng cao trình độ dân trí.

Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng ngày càng được đẩy mạnh. Có 43/63 tỉnh, thành phố Trung ương đã triển khai mô hình một cửa điện tử cấp huyện. Tại các bộ, dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2 chiếm tỷ lệ 99%. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng được kho dữ liệu người nộp thuế lưu trữ tập trung với trên 3 triệu đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp, hơn 13 triệu cá nhân và hàng trăm chỉ tiêu quản lý được cập nhật hằng ngày. Hệ thống kê khai thuế qua mạng cho phép cá nhân, tổ chức thực hiện kê khai qua mạng nhằm tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí của các cá nhân doanh nghiệp nộp thuế. Đến nay, đã có hơn 130.000 doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng với tổng số 2,4 triệu tờ khai điện tử đã tiếp nhận và xử lý. Hệ thống đã triển khai tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước tới 124 Chi cục Thuế.

Công nghiệp CNTT đóng vai trò quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin đồng bộ. Để kinh tế đất nước phát triển được bằng công nghiệp CNTT, kinh tế và xã hội phát triển được trên môi trường ứng dụng CNTT thì cần phải có các sản phẩm, dịch vụ CNTT&TT trọng điểm, các doanh nghiệp mạnh về CNTT&TT, phát triển các khu công nghiệp CNTT trọng điểm quốc gia.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng các khu CNTT tập trung còn nhằm mục đích thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp CNTT. Bài học từ việc triển khai Công viên phần mềm Quang Trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng và một số khu CNTT tập trung khác cho thấy hiệu quả trong việc thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện cho quá trình đầu tư nhanh hơn. Nhà nước chỉ cần đầu tư quỹ đất, hoàn chỉnh cơ bản cơ sở hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh với vốn ngân sách khoảng 200 tỷ đồng. Sau 10 năm, cứ một đồng vốn Nhà nước bỏ ra đầu tư đã kéo theo hơn 10 đồng vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh doanh từ các thành phần kinh tế khác và thu hút hơn 5 lần vốn kinh doanh của các doanh nghiệp CNTT đến đây đầu tư kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn kỹ sư và việc học cho hơn chục nghìn lượt người; tạo môi trường làm việc cho hơn 100 công ty sản xuất phần mềm và dịch vụ CNTT, thu hút nhiều tập đoàn CNTT lớn quốc tế… Lớn hơn nữa là giá trị vô hình về thương hiệu hình ảnh quốc gia, là tác động chuyển biến môi trường kinh tế xã hội của địa phương lân cận…

Bản thân CNTT và TT vừa là một bộ phận của kết cấu hạ tầng quốc gia, vừa là nền tảng hiện đại hóa trong quản lý, vận hành, kết nối hiệu quả toàn bộ hệ thống hạ tầng. Việc ứng dụng CNTT sâu và rộng sẽ làm thay đổi mạnh mẽ năng suất lao động ở mọi ngành kinh tế, nên việc đầu tư, phát triển hạ tầng CNTT và TT được xem là phương thức quan trọng để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo Quân đội nhân dân